Cuộc khảo sát bất ngờ của thầy giáo dạy Toán

Cuộc khảo sát bất ngờ của thầy giáo dạy Toán

Trước thực trạng học sinh, sinh viên không đủ kỹ năng sống để ứng phó với những áp lực xã hội, thầy Trần Đình Trợ, giáo viên Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã làm một khảo sát vui với học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.

Khảo sát này được thực hiện ở lớp 12A1 trường THPT Hương Sơn, kết quả gồm 6 ý được thầy Trần Đình Trợ chia sẻ trên mạng xã hội như sau:

1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.

2. Có 41/45 em thường đi qua sông suối. Trong đó chỉ 4 em biết bơi. Số còn lại chỉ biết lặn, kiểu lặn “xuống nước, ba ngày sau mới nổi”.

3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng rửa bát.

4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.

5. Có 45/45 em đọc sách (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng ký mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.

6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.

Nói về lý do làm khảo sát, thầy giáo 59 tuổi này cho biết, là giáo viên nên lúc nào cũng suy nghĩ về học sinh và nền giáo dục. Trước đây dạy cho học sinh ôn thi đại học, thầy cảm thấy vinh dự, vì sau khi tốt nghiệp các em có công ăn việc làm. Gần đây sinh viên học xong thất nghiệp đại trà, các em phải lăn lộn với cuộc sống và làm những công việc không được đào tạo. Do kỹ năng sống kém, nên nhiều em không biết ứng phó với hoàn cảnh rồi xảy ra bi kịch.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến học sinh thiếu kỹ năng sống, thầy Trợ cho rằng đầu tiên phải kể đến là khối lượng kiến thức chương trình học ở trường quá lớn, học sinh phải dồn toàn lực học văn hóa mà quên mất những việc khác. Thứ hai, do phụ huynh cứ nghĩ cho con vào đại học đã, còn mọi thứ tính sau. Nhưng khi vào đại học rồi thì đã quá muộn, bởi kỹ năng sống là sự tích lũy từ nhỏ chứ không phải rèn luyện ở giảng đường.

“Phụ huynh có quan niệm sai lầm, muốn cho con vào đại học để ra làm công việc quản lý, không muốn con đi học trường nghề vì phải lao động chân tay, mà đại học bây giờ thì mở tràn lan, có trường nộp hồ sơ vào là có thể học”, thầy Trợ nói và cho rằng thực ra ở đây giống như là một cuộc chạy đua, không phải chạy đua để làm cái gì tốt mà chạy đua làm cho nền giáo dục ngày càng lạc hướng. Việc học đại học tạo nên tâm lý sĩ diện đối với sinh viên sau khi ra trường.

Thầy phân tích, nếu một học sinh tốt nghiệp phổ thông thì có thể về nhà và sản xuất, làm thuê được. Còn một sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm thường trốn đi nơi khác, chứ không đủ can đảm để đi làm ruộng, rửa bát. Thầy giáo dạy Toán cũng chia sẻ thật rằng chính mình và đồng nghiệp cũng là nạn nhân của căn bệnh thành tích, của một nền giáo dục quá tải, thiên về học chữ mà ít học về kỹ năng sống.

“Bản thân thầy cô thời đi học cũng lo học chữ, nên kỹ năng sống kém. Khi đi dạy họ cũng phải buộc làm nhiệm vụ của mình, đó là dạy học sinh đậu đại học. Thành tích này có trường, Sở, Bộ theo dõi, đánh giá hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Vậy áp lực đè lên vai giáo viên là phải làm thế nào để học sinh đậu đại học càng nhiều càng tốt, còn thời gian đâu để cùng học trò rèn luyện, cùng nhau trò chuyện những bài học ngoài xã hội”, thầy Trợ nói.

thaytro1-9089-1415761177

Thầy Trần Đình Trợ: “Giáo dục cần cải tiến, giảm bớt kiến thức hàn lâm, phải dạy làm người trước”. Ảnh: NVCC 

Theo thầy Trợ, chương trình học hiện nay cũng tác động phần nào đến tâm lý học sinh, bởi nó mang tính hàn lâm, xa rời thực tế. Người thầy thẳng thắn chỉ ra hầu hết chương trình phổ thông chỉ để phục vụ những em đậu đại học. Còn với những em không đậu, khi ra đời đi làm lao động, kiến thức hầu như không ứng dụng được gì.

Từ việc sinh viên học xong mang một “cục nợ”, xã hội lại nhận thêm một người không chịu lao động chân tay, rồi thất nghiệp chới với giữa dòng đời, thầy Trợ đánh giá đây là bi kịch của mỗi gia đình và cả một nền giáo dục, là hậu quả của việc chỉ dạy chữ, bỏ quên dạy người.

Người thầy này muốn gửi tới mọi người một thông điệp ngầm thông qua khảo sát, đó là cần có một cú hích, sự thay đổi về nhận thức. Cần phải cải tiến, giảm bớt kiến thức hàn lâm, phải dạy làm người trước.

“Nói chung không dạy cho học sinh lao động chân tay từ khi còn nhỏ thì đến 21-22 tuổi, các em tốt nghiệp đại học, nếu thất nghiệp rồi mới tập lao động chân tay sẽ rất khó. Khi ấy, vừa bị rào cản tâm lý, vừa là thói quen đã định hình rồi, không phải ai cũng đủ can đảm để đối diện với thực tại”, thầy Trợ tâm sự.

Nói về khảo sát của đồng nghiệp, thầy Đoàn Trọng Bình, Hiệu trưởng THPT Hương Sơn cho hay, đây là khảo sát vui mang ý kiến của cá nhân, tuy nhiên cũng có phần đúng và đáng suy ngẫm.

“Thực tế hiện tại nhiều giá trị văn hóa mới xuất hiện, thành ra những giá trị văn hóa cũ bị xem nhẹ. Cảm nhận của thế hệ trẻ bây giờ là hướng ngoại, ví dụ trên mạng xã hội, ai làm việc gì cũng đều biết và quan tâm, trong khi đó việc ở nhà thì có rất nhiều người lại không để ý tới”, thầy Bình nói.

Đức Hùng – theo VnExpress

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *