Trượt đại học, bạn trách ai?

Theo kết quả công bố mới đây sau kì thi tuyển sinh Đại học 2013 của Bộ Giáo dục, cả nước có khoảng 400 000 sĩ tử chắc chắn sẽ trượt đại học, trong tổng số 1 triệu thí sinh dự thi. Hiển nhiên, con số thí sinh trượt đại học sẽ còn cao hơn nhiều, bởi vì không có nghĩa cao hơn điểm sàn là đỗ đại học, thế nên, có khoảng 600 000 người sẽ không thể đi học đại học trong năm nay.
Câu hỏi đặt ra là, 600 000 thí sinh kia, họ sẽ trách ai?

Rất nhiều người, tự trách mình. Cha mẹ của thí sinh trượt cũng tự trách họ một phần, phần còn lại, có lẽ vẫn là dành cho thí sinh. Và cuối cùng, có lẽ không giáo viên và nhà trường nào nhận lỗi về mình, khi mà, rõ ràng là vẫn có học sinh đỗ.

Tâm lý trên là một tâm lý chung không chỉ ở Việt Nam mà hoàn toàn tương đồng với những bạn bè của chúng ta như vị hàng xóm Trung Quốc khổng lồ, nơi mà mỗi năm kỳ thi Đại học cũng trở thành một dịp trọng đại của quốc gia.
Sự thất bại được quy là do năng lực cá nhân yếu kém, chứ không phải bối cảnh chính trị xã hội. Điều này áp dụng cả khi người ta nhìn nhận về những người lao động, hay những người thất nghiệp.

Ở Việt Nam, hay ít nhất ở trong nhiều gia đình mà tôi biết, các vị phụ huynh thường dọa con cái rằng “Không đỗ đại học thì chỉ có đi làm xe ôm, xích lô”. Giờ đây, ngay cả việc làm xe ôm hay xích lô cũng không phải đơn giản, họ chuyển sang dọa kiểu “Không đi học thì chỉ có đi bộ đội”. Rất rõ ràng có vẻ như không phải “nghề nào cũng cao quý” như chúng ta vẫn được dạy, và đồng thời, trượt đại học là một sự thất bại của cá nhân.

Thế nhưng, sự thật có vẻ không đơn giản như vậy khi mà lỗi lầm có vẻ không hoàn toàn thuộc về các sĩ tự, hoặc thậm chí, trượt đại học cũng chẳng phải là một thất bại hay lỗi lầm gì cả.

Einstein đã từng nói: “Ai cũng tài giỏi cả. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời với niềm tin rằng mình là ngu ngốc”
(Albert Einstein – “Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid.”)

1150151_10151867286885992_38498979_n
Phải chăng, có vô số chú cá đang tự cho mình là ngu ngốc, còn đất nước này, đang lấy việc leo cây làm quy chuẩn của sự thông minh?

Nghề gì cũng được, cứ 3 môn mà thi.
Đầu tiên, cần xem xét lại cách đánh giá tiêu chuẩn của các trường đại học. Tại Việt Nam, các thí sinh phải chọn cho mình 1, hoặc 2 khối thi, theo đó các môn khác nhau sẽ được lựa chọn để đánh giá khả năng của thí sinh.
Và theo đó, ở Việt Nam, một nhà marketing tương lai sẽ phải trả lời về cách trùng hợp các loại nhựa; một vận động viên điền kinh trẻ cần nhớ được các quy luật của Menđen và một ca sĩ triển vọng cũng sẽ phải biết cách giải đồ thị hàm số.

Nhìn vào danh sách các môn thi ở mỗi khối thi người ta sẽ thấy được Việt Nam là một quốc gia yêu toán học đến như thế nào:
Muốn trở thành nha sĩ: Hãy học thật giỏi toán!
Muốn trở thành nhà bảo vệ môi trường: Hãy học thật giỏi toán!
Muốn trở thành cán bộ dự án: Hãy học thật giỏi toán!

Mặc dù vậy, ở Việt Nam, trình độ toán học thực tế của người dân phổ biến ở trình độ lớp 6. Các vị phụ huynh, vì lý do nào đó, ví dụ như tiết kiệm, có thể nỗ lực tự kèm cặp con mình cho đến khi chúng học xong lớp 6, thậm chí là lớp 5. Còn sau đó, hẳn nhiên là phải thuê gia sư, hoặc đi học thêm. Hiểu theo một cách khác, trình độ toán học của trẻ em lớp 7, cao hơn đại đa số người dân.

Thi đại học hay thi đấu đại học

Khi một thí sinh muốn thi đại học, anh ta cần xác định năng lực của mình rồi so sánh với điểm chuẩn của khoa, trường mà anh ta muốn thi. Và nếu anh ta có trượt, cũng hẳn nhiên là vì điểm của anh ta thấp hơn điểm chuẩn.
Thực chất là, anh ta có thể chẳng cần quan tâm điểm chuẩn là gì, cái anh ta cần quan tâm là điểm thi của anh ta liệu có cao hơn các thí sinh còn lại hay không mà thôi.

Kỳ thi đại học, ở Việt Nam, thực chất là cuộc so tài giữa những sĩ tử, ngẫu nhiên chọn cùng một khoa của cùng một trường đại học. Và, thật đáng tiếc, mỗi người chỉ có duy nhất 1 lựa chọn cho mỗi khối thi. Thế nên truyền thống tương thân tương ái vốn có từ lâu đời của học sinh Việt Nam hoàn toàn không được thể hiện trong kỳ thi đại học, trái ngược với kỳ thi tốt nghiệp – nơi mà cái thí sinh cần vượt qua là điểm sàn mà không phải thí sinh khác.
Điều này cũng dẫn đến một bất hạnh khác: rất nhiều những thí sinh đã tự tin vào bản thân và chọn thi vào những trường điểm cao chót vót như ĐH Y Hà Nội – họ trượt với điểm số rất cao. Những thí sinh này có đôi khi trách mình không may, có khi trách người khác quá giỏi, có người thầm hối hận nên chọn 1 trường khác.

Có vẻ như không người dân nào cho rằng điều đó là bất công, khi mà ai cũng có suy nghĩ rằng tất cả đều có cơ hội như nhau, và không đỗ được hẳn là do anh kém.

Nếu không có thi đại học, sẽ chẳng có trượt đại học

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên và có phần ngớ ngẩn, nhưng đó lại là thực tế đang diễn ra tại nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Mỹ là một quốc gia đang có một lượng lớn sinh viên Việt Nam theo học. Các sinh viên này không phải tham gia một kỳ thi đại học nào tương tự như ở Việt Nam. Thay vào đó, họ cần đầu tư rất nhiều vào những bài viết luận, lý lịch làm tình nguyện và giấy giới thiệu của giáo viên và một thí sinh có thể đăng ký vào bao nhiêu trường tùy thích, nếu đủ sức.

Tình trạng “vào đại học thì khó, tốt nghiệp đại học thì dễ” của chúng ta đã bị lên án từ bao lâu nay trong khi đáng ra, cơ hội học đại học nên được mở rộng cho tất cả mọi người (có tiền đóng học) còn việc tốt nghiệp mới chỉ dành cho những người đủ tiêu chuẩn.
Đã đến lúc, mỗi chúng ta, và cả những sĩ tử, nên bớt đi những định kiến nặng nề về những bạn trẻ trượt đại học. Chẳng có gì phải xấu hổ khi ta đứng thứ 500 000 trong số 1 triệu người, và cũng chẳng có gì xấu hổ khi một học sinh yêu Văn lại không biết giải đồ thị hàm số.
Và vậy thì, đỗ đại học, có vẻ cũng chẳng đáng tự hào đến thế, ở nơi mà nền công nghệ ôn luyện thi cử phát triển đến mức đỉnh cao như ở Việt Nam, thì điểm số phản ánh năng lực gì của học sinh còn là chuyện đáng nói.

Trong các bài đánh giá học sinh quốc tế, PISA, Phần Lan luôn đứng đầu, phản ánh một chất lượng giáo dục thiên đường của quốc gia này. Thế nhưng khi bài thi này được đề nghị áp dụng ở Việt Nam, đối mặt với kiểu luyện gà nòi, học tủ và luyện thi tập trung ở ta cũng phải chần chờ và tự đặt câu hỏi: “Liệu PISA có phản ánh đúng thực chất của nền giáo dục VIệt Nam”
……………………………………………………
Tôi vẫn mong rằng rồi sẽ có lúc chúng ta sẽ có một nền giáo dục khai phóng, nơi chúng ta dạy cho thế hệ tương lai biết cách hiểu về chính mình, biết cách tư duy, biết tìm đến sự tự do và hạnh phúc chứ không phải là những cỗ máy thụ động, biết đọc thuộc lòng và làm đầy đủ bài tập được giao.
Đến bao giờ…
……………………………………………….
Cá nhân tôi, một học sinh rất giỏi Sinh của khối chuyên Sinh trường ĐH KHTN, đã kết thúc giấc mơ về tế bào gốc của mình và chuyển sang nghiên cứu về trạm bơm sau kì thi ĐH 2008. Cái năm ngớ ngẩn ấy, khoa Sinh học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội lấy 23,5 điểm, trong khi cả 5 năm còn lại và trước đó, nó chưa bao giờ lấy quá 16.5.

Nguồn: Blog Hoàng Đức Minh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *