Lên ôtô… du học

Lên ôtô… du học

Nguồn báo: Lao động LĐ số 214 Ngày 05.08.2006 Cập nhật: 07:58:53 – 05.08.2006

http://www1.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(70,163088).

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh

Các sinh viên Quảng Bình trong thư viện Trường Đại học Nakhon Phathom

Trong khi các địa phương trong cả nước đang nóng lên việc lựa chọn các trường đại học nước ngoài để đưa con em mình đi du học, dù phải chịu đựng một mức chi phí rất cao thì Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình lại lựa chọn một phương án du học khác, phù hợp với khả năng kinh tế của một tỉnh nghèo: Du học Thái Lan. Đặc biệt hơn, việc sang Thái Lan du học của các em học sinh lại chỉ cần đi bằng ôtô với thời gian 24 giờ. Toàn bộ chi phí cho việc học, ăn – ở bình quân mỗi em mỗi tháng chỉ tốn chừng 5.000 baht, tức khoảng 2 triệu đồng Việt Nam/ tháng.

Gặp nhau, chuyện như cát nổ

Tôi đi từ Bangkok về tỉnh Nakhon Phathom bằng một cuốc taxi hai chiều hết 1.800 baht sau khi đã mặc cả rã rời với tài xế. Với 110km, chưa tới hai tiếng, xe đã dừng ở cổng Trường Đại học Rajabhat Nakhon Phathom tại số 85 đường Malaiman. Ông bảo vệ nghe tôi đề đạt nguyện vọng muốn gặp số sinh viên Việt Nam đang học tại đây đã hồ hởi nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Quang Binh…Quang Binh…Việt Nam…” và chỉ tay về khu nhà ở xinh xắn nằm dưới rặng cây xanh tốt và sạch sẽ như công viên.

Sau một cú điện thoại, chỉ mấy phút, tất cả các sinh viên Quảng Bình gồm 5 em gái và 2 em trai cầm tay nhau chạy túa ra reo hò. Chúng tôi quấn quýt với nhau một lúc ở sân trường, rồi các em đưa tôi về khu nhà ở – được coi là khách sạn dành cho sinh viên nước ngoài.

Đinh Quốc Phi và Nguyễn Ngọc Thuyết – hai sinh viên nam đưa tôi vào phòng ở và khoe: “Ở đây sướng lắm anh ạ. Phòng rộng, mát mẻ, yên tĩnh, tiện nghi đầy đủ, các thầy cô quan tâm hết mực, coi như con cái”. Cửa sổ căn phòng mở rộng ra công viên của trường. Từ đây chỉ đi bộ mấy phút là đến giảng đường. Cạnh đấy là phòng của các sinh viên Trung Quốc.

Chưa kịp ngồi ấm chỗ, các cô sinh viên lại kéo tay tôi lên tầng 3. Phòng quá rộng cho 5 cô gái. Một máy điều hoà nhiệt độ cỡ lớn. Tủ áo quần, bàn học, khu vệ sinh, tất cả đều sạch sẽ và gọn ghẽ. Tôi thực sự thấy ấm lòng khi chứng kiến nơi ăn chốn ở của các em sinh viên đồng hương của mình. Râm ran chuyện trò.

Các em khoe, dù mới sang hai tháng nhưng các em đã có thể giao tiếp bằng tiếng Thái với thầy cô, với bạn bè trong trường và người dân ngoài phố. Các em dành nhiều lời khen ngợi cô giáo Pơn, người vừa là cô giáo cũng như vừa là người mẹ, ngày cũng như đêm chăm sóc các em như con đẻ. Ngay cả những thầy cô giảng dạy, giờ giải lao lại cho các em kẹo bánh. Có bạn nào đau đầu, sổ mũi, các thầy cô xúm vào lo lắng, ngay cả vợ chồng thầy hiệu phó nhà trường cũng đến tận phòng để hỏi han sức khoẻ và chăm sóc các em.

Lê Thuỳ Linh chỉ tay vào các bạn: “Sang đây, các em đều được cô giáo đặt thêm tên Thái, mà tên nào cũng đẹp. Ví dụ, em được đặt tên là Thi-ra-nút (cô gái thông minh), bạn Đặng Thị Hồng có tên là Put-tha-rong (sự thịnh vượng), bạn Châu Thuỳ Dung thì có tên là Kan-cha-ni (thành phố vàng). Thích nhất là tên của bạn Trần Thị Cẩm Oanh: Chon-la-tham (nước suối)….”. Các em cười vang.

Đinh Quốc Phi kể: “Chúng em nộp tiền học theo từng học kỳ. Cứ nửa kỳ (5 tháng) nộp 11.600 baht, tương đương với 5 triệu đồng Việt Nam. Sang đây ăn rẻ như ở nhà, mỗi tháng bọn em ăn hết 1.500 baht là đủ. Các khoản chi phí khác cho cá nhân cũng chỉ thêm chừng 1.000 baht nữa. Nếu biết sống tiết kiệm, mỗi tháng, gia đình chỉ cần chu cấp cho các em tiền học, tiền ăn – ở chừng 2 triệu đồng tiền Việt là đủ”.

Hoàng Thuỳ Liên cho biết thêm: “Trường có nhiều ngành học. Sau một năm học tiếng Thái và tiếng Anh, sinh viên tự do chọn ngành phù hợp với khả năng của mình. Những ngành học này đều được sử dụng tốt ở trong nước. Bằng đại học do Thái tử Thái Lan ký. Trường áp dụng phương pháp dạy và học theo cách của Châu Âu, tức là hướng sinh viên học nghề là chính, thực hành là chính, không quá nặng về lý thuyết, vì thế, theo như nhiều sinh viên đã ra trường cho các em biết, học ở đây sau này về làm việc rất dễ dàng và tự tin”.

Nguyễn Ngọc Thuyết cho biết: “Vừa qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình tuyển chọn đợt 1 được 34 sinh viên, gửi sang học ở 7 trường đại học của Thái Lan. Chúng em tập trung tại trường,  nhà trường cho xe chở đến cửa khẩu Cha Lo, tại đó, xe của các trường đại học Thái Lan đã chờ sẵn và chở các em về tới trường chỉ mất chừng một ngày đêm. Đường tốt, xe đẹp nên các em rất khoẻ.
Sang đây, nhà trường tổ chức rất nhiều buổi tham quan du lịch đất nước Thái Lan. Lại tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao với sinh viên trong và ngoài nước. Lại tổ chức các đợt hội hè, rất vui. Trong trường có phòng thư viện, Internet, phòng thể dục, căngtin, có đủ các phương tiện nghe – nhìn… Dreadsodocpaisec . nói chung là các tiện nghi học tập, nghỉ ngơi đều rất tốt”.

Câu chuyện giữa chúng tôi kéo dài không ngớt, vui như cát nổ. Rồi theo yêu cầu của các em, tôi “chiêu đãi” mỗi em một “nhát” điện thoại gọi về nhà. Lặng nghe các em hồ hởi chuyện trò, lại cười, tươi vui, tôi nghĩ, nếu bố mẹ các em nhìn thấy các em được ăn học nơi xứ người tốt thế này chắc rất đỗi vui mừng.

Cơ hội cho các gia đình nghèo

Phóng viên Báo Lao Động chụp ảnh chung với các du học sinh Quảng Bình tại cổng Trường Đại học Nakhon Phathom.

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Phán – Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Bình, đã từng làm giáo sư giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới, cho rằng, hầu hết các trường đại học ở Thái Lan đều tiếp cận và đạt chất lượng giảng dạy quốc tế. Trong khi đó, sinh viên từ Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá lại có thể sang Thái Lan du học bằng đường bộ, phù hợp với thu nhập của gia đình.

Sau nhiều lần đàm phán, gặp gỡ, đi lại giữa lãnh đạo Trường CĐSP Quảng Bình và các trường đại học Thái Lan, ngày 17.7.2005, Trường CĐSP Quảng Bình đã ký kết hợp tác đào tạo sinh viên với 17 trường đại học Thái Lan với chi phí rất dễ chịu và đầy tình hữu nghị. Bình quân, trong 5 năm học (có một năm học tiếng Thái và tiếng Anh) chi phí cho toàn bộ việc học và ăn – ở chỉ ở mức 2 triệu đồng Việt Nam/ tháng – có lẽ là mức chi phí thấp nhất đối với du học sinh các nước.

Trong khi đó, chất lượng giảng dạy ở các trường đại học Thái Lan được đánh giá là đạt chuẩn quốc tế. Với các gia đình khu vực các tỉnh miền Trung, chi phí này sẽ là cơ hội cho nhiều sinh viên khác sang Thái Lan du học. Trường CĐSP Quảng Bình cũng sẵn sàng tiếp đón, xét tuyển, và tạo điều kiện cho các em ở các tỉnh miền Trung được hưởng lợi từ  các chương trình du học này với Thái Lan. Tuy nhiên, khi sinh viên nhiều hơn, một số chi phí sẽ  tăng thêm, nhưng vẫn rất rẻ so với du học ở các nước trong khu vực.

Tại Singapore, mức học phí tối thiểu cũng là 4.000 đôla Sing/ kỳ học, tương đương với 40 triệu đồng Việt Nam, chưa kể đến tiền thuê ở, tiền ăn, tiền vé máy bay… mỗi năm, một sinh viên cũng phải tiêu tốn cả trăm triệu đồng.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *