Giao lưu với Đạo diễn Lê Hoàng: Làm gì khi thi trượt đại học?

Hàng triệu bạn trẻ đang đọ sức trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Sau kỳ thi, số bạn vui mừng vì trúng tuyển sẽ không nhiều bằng những thí sinh thất vọng bởi thi rớt. Đại học không phải là con đường duy nhất vào đời ai cũng biết điều đó, nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua nỗi buồn thi trượt. Làm gì khi thi trượt đại học?  Đây là chủ đề của cuộc tranh luận trực tuyến với Đạo diễn Lê Hoàng 16h chiều 27/6/2003

Với một số bạn, câu trả lời sẽ rất đơn giản: trượt ư, chơi vài tháng rồi… ôn thi tiếp, sang năm lại thi lại.

Đơn giản hơn nữa: biết trước là trượt rồi nên cũng chẳng bất ngờ. Thôi thì học nghề, hoặc kiếm việc phù hợp hơn bởi xã hội bây giờ đang thừa thầy thiếu thợ. Mình có tay nghề chẳng sợ thất nghiệp.

Nhiều bạn sẽ vùi đầu khóc cho thoả thuê vài ba bữa (nếu là nữ), hoặc kiếm mấy chương trình game về chơi thâu đêm. Không thích game thì ta kiếm phim bộ, về thức liên tục vài đêm liền là chẳng còn sức mà… chán nản.

Ưa hoạt động hơn ư, ta sẽ vào Nam (nếu đang ở Bắc) và ra Bắc (nếu sống trong Nam).

Còn nếu bạn là con nhà giàu, câu trả lời càng ”đơn giản”. Thi trong nước không đỗ thì đóng tiền ra nước ngoài học, quá ”xịn”!

Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều này?

Chúng ta hãy cùng tranh luận với Lê Hoàng.

Lê Hoàng: Chào các bạn, với tư cách là một người suýt thi trượt đại học, tôi nghĩ rằng, có lúc chúng ta cần phải bàn về vấn đề ấy. Tôi có cảm giác rằng, đối với rất nhiều người hiện nay, không thi vào đại học là coi như cuộc đời đã chấm dứt. Bằng những gì tôi biết, ít nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật thì kiến thức đại học của chúng ta sự thực là vô cùng ít ỏi. Rõ ràng là chúng ta chỉ bám vào đấy như là một cái cớ, một cái vé để vào đời như là vào cửa rạp xem phim mặc dù không biết ở trong chiếu phim gì và chúng ta sẽ được sếp ngồi ở chỗ nào. Các bạn có đồng ý với tôi không?

1. Có nên Du học hay không ?

Nguyễn Việt Dũng – Nam 21 tuổi – MALAYSIA: Kính thưa đạo diễn Lê Hoàng. Chẳng hiểu sao thời buổi này trong tâm lý của tất cả mọi người, con cái họ phải vào ĐH, và vào ĐH là tất cả. Anh có thể lý giải tại sao không? Anh nghĩ gì khi những người không có năng lực học tập mà cũng cố chen chân vào giảng đường để rồi sau đó thi lại và học lại hàng chục môn? Có phải giảng đường ĐH ở VN là khố vào nhất trong khối ASEAN không? Đâu là hướng mở cửa vào đời cho chúng ta tốt nhất? Anh thấy sao khi hiện nay mọi người đổ xô nhau đi du học bằng mọi cách? Đó là tốt hay xấu cho nền giáo dục nước nhà. Xin cảm ơn.

Lê Hoàng: Như tôi đã nói ở trên, khi người ta cứ cố chen chân vào một nơi mặc dù người ta không hiểu rõ nó lắm thì đơn giản chỉ vỉ xã hội không có sự phân công rõ ràng và còn quá nhiều những giá trị ảo được công nhận.

Nếu tôi không nhầm thì đại học Việt Nam không phải là khó vào nhất mà là đông nhất trong khối ASEAN. Và thực sự, theo tôi thì có một số ngành đào tạo ở Việt Nam chưa xứng đáng gọi là đại học mà người ta cứ công nhận điều này.

Ví dự như Đại học Báo chí chẳng hạn. Có một thực chất mà tôi biết là hàng năm các tòa soạn cực kỳ thiếu phóng viên, thế mà cứ lấy những sinh viên tốt nghiệp khoa Báo chí về thử việc thì lấy được rất ít. Chẳng hiểu ở đó họ học cái gì và những người giảng dạy ở đấy có thực tế làm báo ra sao.

 

Nguyễn Việt Dũng – Nam 21 tuổi – MALAYSIA: Kính thưa đạo diễn. Anh chưa trả lời câu hỏi của em là anh nghĩ sao khi hiện nay rất đông người trong số chúng ta quyết tâm lo cho con cái của họ đi du học cho được bằng mọi cách? Có phải là do ĐH ở VN quá khó vô không? Theo anh đi du học nhiều là một tín hiệu xấu hay tốt cho nền giáo dục nước nhà. Xin cảm ơn

Lê Hoàng: Đơn giản là khi những chuẩn mực của chúng ta không được thiết lập một cách đầy đủ thì chúng ta sẽ cần đến những chuẩn mực ở nước ngoài. Điều đấy thì vừa tốt lại vừa xấu.

Nguyen Thanh – Nam 18 tuổi – Vinh Phuc: Hien nay, co nhieu ban tre khong muon hoc Dai hoc trong nuoc vi bang DH trong nuoc khi di xin viec tai cac vi tri lam viec co thu nhap cao khong co gia tri bang Bang DH nuoc ngoai. Nhung nhieu ban sau khi thi truot DH tai VN tai lai du hoc. Va sau nay ve VN lai de xin viec hon cac ban thi do-tot nghiep DH trong nuoc. Anh co binh luan gi ve van de nay?

Lê Hoàng: Có tình trạng này chỉ đơn giản là chất lượng giáo dục của chúng ta không cao. Cách đây một năm tôi có đọc trên báo Tuổi trẻ là một công ty của Singapor sang VN tuyển 200 kỹ thuật viên máy tính. Họ tổ chức thi mãi mà chỉ có 5-6 người đạt yêu cầu, họ bèn sang Thái Lan và chỉ trong 1 tuần là tuyển đủ. Sự kiện này tôi nghĩ rằng tự nó đã đủ bình luận nhất là một ngành như tin học thì tính quốc tế của nó rất cao, ta không thể đổ lỗi ta có những đặc điểm riêng mà người nước ngoài không hiểu được.

 

Du học Đại Học Thái Lan : 8 trường đại học, 140 ngành lựa chọn

học phí, ăn ở chỉ 3-4 triệu/ tháng

2. Đại học có Quan trọng không ?

Hao Tran – Nam 18 tuổi – cusuhaovn@yahoo.comChào anh Lê Hoàng, tôi rất đau khổ khi năm ngoái bị thi truợt đại học. Định rằng sẽ ôn thi tiếp nhưng sau đó tôi quyết định đi học nghề. Anh nghĩ sao khi ngày nay nguời ta quá chú trọng vào việc học ĐH và kết quả là cứ một công nhân thì có tới vài ba kỹ sư, mà những nguời kỹ sư này thì thuờng không muốn làm việc của những nguời công nhân?

Lê Hoàng: Có một câu châm ngôn nói rằng: ”Trên đời này sợ nhất là cái loại nửa thầy, nửa thợ”. Mà như tôi thấy, học đại học hiện nay thợ thì chưa biết chứ thầy rất có khả năng là không phải.

Thế nhưng tại sao người ta cứ trượt đại học thì mới làm một chuyện gì khác? Đơn giản vì hình như xã hội ta không chia các vị trí ra một cách rõ ràng và rành mạch. Xuất hiện quá nhiều những thứ công việc mà ai làm cũng được và nếu có tấm bằng đại học thì dễ được trả lương cao hơn. Đó thực sự là một hiện trạng chẳng hay tí nào.

Trong ngành điện ảnh của tôi chẳng hạn, nếu ở nước ngoài thì một kỹ thuật viên lâu năm có thể có việc làm ổn định hơn một ông đạo diễn. Có nghĩa là người ta rất quan trọng cái ”nghề” chứ không phải cái ”danh hiệu”.

phạm anh Toàn – Nam 18 tuổi – 69 Kim đồng Thị xã ninh bình: Theo tôi, học Đại học không quan trọng. Anh nghĩ sao?

Lê Hoàng: Tôi không nghĩ rằng học đại học không quan trọng, tôi chỉ nghĩ rằng, trượt đại học không quan trọng.

Lan – Nam : Anh Hoàng thân mến, tôi có một đứa em, học không khá lắm, năm nay nó sẽ thi đại học và đã tâm sự riêng với tôi la chắc chắn nó sẽ không đậu. Ba mẹ tôi thì rất mong nó sẽ đi học đai học để trở thành cử nhân, kỹ sư…. Và nếu nó trượt (chắc chắn), thì ba mẹ tôi sẽ buồn vô cùng. Tôi thì khuyên nó, cứ chơi theo sức mình thôi. có nghĩa là nếu không thi được thì học nghề, đi nghĩa vụ rồi kiếm đường tiếp tục. Nhưng thật sự, tôi chưa biết sẽ an ủi ba mẹ tôi thế nào? Anh khuyên gi cho tôi, và cả em tôi nữa?

Lê Hoàng: Cách đây hơn hai chục năm, tôi mới vào trường Điện ảnh, học khoa Quay phim (kết quả là tôi chưa quay một phim nào cho đến tận bây giờ mà lại làm đạo diễn, điều đó chứng tỏ giữa học và hành có một khoảng cách khá xa). Hồi đấy, lớp diễn viên khóa 2 của Điện ảnh Việt Nam gồm các diễn viên sau này nổi tiếng như Bùi Bài Bình, Phương Thanh, Đào Bá Sơn,… có diễn một vở kịch tốt nghiệp rất hay tên là ”Tạm biệt Andrxa”, hay còn gọi là ”Lên đường may mắn”. Vở ấy nói về một cậu học sinh nhăm nhăm thi vào đại học trong sự chờ đợi của bố mẹ nhưng đã trượt, nhưng cậu ta hoàn toàn cảm thấy thỏa đáng và lên đường vào đời với tất cả niềm vui.

Vở kịch đó tôi còn nhớ rõ là hay lắm. Tất nhiên, bạn có thể nói rằng, đó là sân khâu chứ không phải cuộc đời, nhưng tôi nghĩ rằng, đôi khi ở tuổi trẻ, người ta vào đời chỉ cần có một chút lãng mạn cũng đã là nhiều. Chẳng lẽ lại lấy những ví dụ như ông Bill Gates, Chủ tịch hãng Microsoft, học đại học nửa chừng thì bỏ. Tất nhiên, em của bạn sẽ cãi rằng, đấy là những thiên tài, còn nó thì bình thường. Nhưng đấy là nó nói với mọi người chứ trong thâm tâm chẳng ai không nghĩ rằng, mình là thiên tài!

Cái quan trọng nhất của con người, theo tôi là có niềm say mê một cái gì đấy và đi theo nó. Nếu không đi bằng con đường đại học thì có thể dài hơn một chút nhưng chưa chắc sẽ không đến đích.

Nguyễn Đức Định – Nam 23 tuổi – TP Đà Nẵng: Tôi nghĩ rằng thế giới này lẫn xã hội ta đang sống việc kiếm tiền là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống tương lai… và tôi cũng nằm trong số đó. Hiện nay tôi cũng đã là sinh viên năm 2… nhưng đang học giữa chừng như vậy đó. Vì hoàn cảnh nên tôi cũng không hoàn thành khóa học. Trường hợp tôi muốn nói ra là lỡ những người gia đình nghèo thì phải đỗ Đại Học… nhưng đỗ rồi có dám chắc là sẽ lấy được bằng Đại Học… còn tùy thuộc nhiều lám.. Tôi muốn hỏi đạo diễn những trường hợp học giữa chừng như tôi… tôi có thể xin đóng phim truyền hình được không… Hiện giờ cuộc sống của tôi, tôi cần có tiền… Tôi có thể diễn xuất tốt.. buồn, vui…

Lê Hoàng: Để đóng phim nói chung, và phim truyền hình nói riêng thì tôi nghĩ rằng, các đạo diễn không hỏi bạn đã học giữa chừng hay đã học cả khóa mà chỉ hỏi bạn có năng khiếu diễn xuất hay không.

alo – Nam 99 tuổi – thien duong: Tôi thì cảm thấy rất buồn vì tuổi thơ của nhiều người đã từng mơ ước nào là: “Lớn lên mình sẽ là bác sĩ, búp bê nhỉ’, hay “tớ sẽ là cô giaó, ấy không được cãi”, hay là “tớ sẽ làm công an đi bắt gián điệp”… những mơ ước đó một phần phai nhạt theo thời gian song không ít ước mơ vẫn còn vẹn nguyên khi chủ nhân của nó chuẩn bị bước sang một giai đoạn quan trọng trong đời: thi đại học; nhưng quá nhiều bậc phụ huynh đã bắt con theo ngành này, ngành nọ, và đó chính là lý do nhiều người không có sự ham mê vào đại học, nhiều lúc, trượt là do thế đấy.

Lê Hoàng: Đúng là có nhiều người hiện nay thi ĐH là thi cho bố mẹ chứ không phải cho mình.

 

Nguyen Ba Tung – Nam 24 tuổi – 9/7 Nguyen Trai Ngo Quyen Hai Phong: Liệu em có thể tìm được việc làm ổn định và phù hợp với em nếu như em không đỗ ĐH không?

Lê Hoàng: Chắc chắn là được nếu như thực sự em giỏi một cái gì đấy. Tất nhiên trả lời như vậy thì rất công thức nhưng quả đúng như vậy.

 

Lê Ngọc Khanh – Nam 20 tuổi – Long Xuyên, An Giang: Thưa chú, cháu rất mê làm diễn viên điện ảnh, vậy nếu cháu thi trượt đại học thì cháu có thể đăng ký vào trường điện ảnh để học có được không? cháu không có năng khiếu gì cả.

Lê Hoàng: Hiện giờ nếu tôi không nhầm thì rất nhiều diễn viên điện ảnh không học đại học, kể cả những diễn viên nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu quả thực không có năng khiếu gì cả thì làm gì cũng khó chứ không phải làm diễn xuất mà thôi.

Duong Le – Nam 22 tuổi – Tas: Chào chú Hoàng! Thi trượt DH thi đã sao? Còn khối những lựa chọn khác. Nếu chỉ ráng thi vào trường nổi tiếng, ngành khó đễ, nếu đậu, làm vui lòng ba mẹ thì rớt cũng đáng, chẳng biết lượng sức mình. Áp lực làm gì, kỹ sư được bao người làm việc ra trò (nếu có việc làm). Học nghề còn làm được việc hơn.
Lê Hoàng: Câu trả lời này thì còn trả lời gì được nữa

 

Minh Thu – Nữ 30 tuổi – Hào Nội: Anh nghĩ sao về chất luợng học ĐH ở VN hiện nay? Câu hỏi tuy có ngoài lề nhưng… nếu học sinh của chúng ta đã cố gắng bằng mọi giá học thi đỗ ĐH để rồi… “Thầy đại cuơng, lớp đại cuơng và lũ chúng ta dở dở uơng uơng”?
Lê Hoàng: Tôi không dám có một cái nhìn tổng quát về chất lượng ĐH ở VN vì có nhiều ngành học mà tôi không biết. Nhưng những cái gì mà tôi biết, nhất là trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật thì thú thực tôi rất hoảng.

Phạm Thi Bich Phuong – Nữ 20 tuổi – 135 Tran Phu, Phuong 5 Thanh Pho Vung Tau: Theo em, hien nay so luong sinh vien hoc Dai hoc qua dong nen nhu cau xin viec hien nay rat kho khan, neu vay phai hoc sieu de co tam bang loai gioi thi moi de tim duoc viec . Vay theo anh em nen thi vao nganh nao de de tim duoc viec lam?

Lê Hoàng: Ngành nào thì cái đó còn tùy thuộc vào chính em. Nhưng ngay cả việc em hỏi như thế, theo tôi có lẽ cũng chứng tỏ một vấn đề thiên lệch trong vấn đề giáo dục hướng nghiệp của chúng ta.

Tại sao chúng ta lại đặt vấn để là học cái gì dễ kiếm được việc làm? The tôi thì phải đặt vấn đề là cá nhân ta có năng khiếu gì và ta hãy làm cho giỏi cái năng khiếu ấy thì nhất định xã hội phả có chỗ dùng.

Em có biết rằng, nhiều ngành với vẻ rất dễ kiếm việc như Tin học hiện nay ở các nước phương Tây lại trở nên khó không? Vì số lượng sinh viên đổ xô vào đây quá nhiều. Thành ra dù tin học có bùng nổ đi nữa cũng không thể sử dụng hết, kết quả là những kỹ sư lập trình đang thất nghiệp hàng loạt, nếu không phải là cực kỳ xuất sắc.

 

Le Dzung – Nam 27 tuổi – Hanoi: Tôi thấy ở ĐH đào tạo quá kém, thi ở các nơi khác chất lượng càng tệ hại hơn. Vì vậy ngoài học ĐH chẳng biết học gì cho phù hợp. Không biết anh Hoàng nghĩ sao?

Lê Hoàng: Anh đang học trường nào đấy, có thể nói rõ một chút hơn không?

Hoàng Thành – Nam 18 tuổi – Thanh Hóa: Tôi không đồng ý với anh Lê Hoàng đâu. Thực sự tình hình ở Việt Nam bây giờ nếu không vào được Đại học thì rất khó để xin được việc sau này. Anh nghĩ thế nào về suy nghĩ của em. Xin cảm ơn anh.

Lê Hoàng: Tôi không hề nói không nên vào ĐH. Tôi chỉ bảo đừng coi đó là cách duy nhất để có một vị trí trong xã hội, vậy thôi. Đấy là chưa kể tại sao bạn cứ suy nghĩ theo thứ tự ĐH rồi xin việc trong khi có thể làm ngược lại xin việc rồi mới thi ĐH.

Tất nhiên bạn sẽ vặn lại tôi không có bằng cấp thì xin vào đâu, người có địa vị nói thì dễ lắm. Nhưng sự thực khi tôi 18 tuổi như bạn, tôi chỉ lờ mờ cảm thấy rằng thế nào mình cũng làm được một cai gì chứ không hề xác định mình phải vào trường gì. Cá nhân tôi có học 3 trường.

 

 

Nguyễn Hà Giang – Nam 19 tuổi – Nha Trang: Anh nghĩ sao về trường hợp học ĐH nhưng không giỏi bằng CĐ cùng ngành nghề, nhưng các nhà tuyển dụng vẫn thích ĐH hơn?

Lê Hoàng: Vì học trọng cái danh hơn, thế thôi.

Phạm Trịnh Phương Thảo – Nữ 25 tuổi – ca sĩ TPHCM: Chào Lê Hoàng, anh có khoẻ không? Hình như đây là lần thứ hai em chat trực tuyến với anh? Em thích chương trình này lắm đó. Thế em xin hỏi anh tại sao hôm nay anh không nói về đề tài tình yêu như mọi bữa. Theo em thì thời nay tại sao những ai học ĐH được mọi người trân trọng, còn những ai học trung cấp hay công nhân thì ngược lại? Rớt ĐH thì buồn thật đấy anh ạ, vì em đã từng lâm vào tình trạng đó. Cám ơn anh.

Lê Hoàng: Em là Phương Thảo nào thế. Có phải Phương Thảo đang nổi tiếng không? mặc dù anh tin rằng Phương Thảo nào cũng nổi tiếng cả. Anh không được nói về đề tài tình yêu vì anh không học ĐH về nó. Cũng như rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, kể cả nổi tiếng thế giới mặc dù không tốt nghiệp ĐH âm nhạc.

Anh cũng tin rằng trượt ĐH rất buồn. Nhưng nếu đậu ĐH rồi mà học phải môn mình hoàn toàn khôgn có năng khiếu thì còn buồn hơn. Để anh kể cho em nghe 1 chuyện này là sự thực hoàn toàn: Trường ĐH đầu tiên mà anh học là ĐH Xây dựng HN, anh học ở khoa kỹ sư cầu đường. Ngay ngày đầu tiên lên lớp anh đã tê dại khi hiểu rằng mình vô cùng kém cỏi trong lĩnh vực này nhưng anh vẫn cố. Kết quả là cuối năm thi có nhiều môn anh được điểm bét, điều đó đã đẩy anh tới tình trạng đôi khi thấy mình hoàn toàn không còn chút hy vọng gì trogn cuộc sống, anh nhìn những quyển sách giáo khoa đó và cảm thấy tuyệt vọng mình không bao giờ vượt qua được (quả thực đúng thế). Anh đã phải rời bỏ trường đấy, hay nói một cách văn vẻ hơn là nó cũng rời bỏ anh. Bây giờ sau 30 năm nghĩ lại, anh mới thấy rằng sự tuyệt vọng của mình hồi đó thật ngu xuẩn. Mình đâm vào một cái ngành chẳng biết tí gì về nó, chỉ đơn giản là bạn bè đâm vào (hồi đấy có chính sách như thế này, nếu bạn khôgn đậu vào trường mình ưa thích thì tuỳ theo những điểm số bạn có thể chọn những trường khác mặc dù bạn không hề chuẩn bị về nó).

 

QuynhHuong – Nữ 19 tuổi – Poland: Hien nay rat nhieu nguoi phan dau de bang moi gia vao Dai Hoc nhung khi sau khi Tot nghiep thi viec tim viec that la kho’.. Anh nghi sao ve ve tinh trang nay va` giap phap khac phuc?

Lê Hoàng: Bạn đang ở Ba Lan đấy à, bạn đang nói về tình trạng đại học ở nước nào thế?

Hoàng Thành – Nam 18 tuổi – Thanh Hóa: Cám ơn anh dã tranh luận nhưng thực sự tỷ lệ để vào được Đh thật là một con số kinh khủng, vậy nếu như anh bảo đi làm rồi mới thi vào ĐH thì liệu khi đó với sự chi phối của công việc, của môi trường làm việc thì có thể sẽ đậu ĐH được không? Trong khi đó thời gian sau khi tốt nghiệp phổ thông với sự chăm chỉ miệt mài đèn sách mà vẫn còn bị trượt ĐH. Anh có thể vui lòng trả lời câu hỏi này không?

Lê Hoàng: Không đúng lắm đâu, khi ta làm việc một thời gian rôi mới vào ĐH thì lúc đấu có 1 thứ gọi là tại chức, nó dành cho những người có kiến thức thực tế nhưng chưa có lý thuyết và việc học lúc ấy như tôi đã thấy chỉ đòi hỏi tính bền bỉ và kiên nhẫn nhiều hơn là tính lắn “xả”.

Vũ trung thành – Nam 28 tuổi – việt trì: Theo tôi nghĩ thì việc vuơn lên đại học là điều rất cần thiết nhưng không hẳn là ai cung đỗ đại học vì nếu là cuộc thì nhất thiết phải có kẻ thắng nguời thua, đó là điều tất yếu. Chính vì thế nếu bạn nào có thể không may mắn trúng tuyển thì hay đừng buồn vội vì tôi chính là tấm guơng đó. Bây giờ tôi đã thành đạt và không phải là con đuờng đại học, mà chỉ là học nghề thôi!

Lê Hoàng: Bạn nói rất hay tiếc rằng lại dùng từ “chỉ học nghề mà thôi” cứ như nghề là cái gì thấp kém hơn học vậy. Chẳng lẽ lại phải nhắc với bạn câu tục ngữ ngàn đời ‘Nhất nghệ tinh…”.

vũ trung thành – Nam 28 tuổi – việt trì: Theo tôi nghĩ thì việc vuơn lên đại học là điều rất cần thiết nhưng không hẳn là ai cung đỗ đại học vì nếu là cuộc thì nhất thiết phải có kẻ thắng nguời thua, đó là điều tất yếu. Chính vì thế nếu bạn nào có thể không may mắn trúng tuyển thì hay đừng buồn vội vì tôi chính là tấm guơng đó. Bây giờ tôi đã thành đạt và không phải là con đuờng đại học, mà chỉ là học nghề thôi!
Lê Hoàng: Bạn nói rất hay tiếc rằng lại dùng từ “chỉ học nghề mà thôi” cứ như nghề là cái gì thấp kém hơn học vậy. Chẳng lẽ lại phải nhắc với bạn câu tục ngữ ngàn đời ‘Nhất nghệ tinh…”.

 

Tran Thanh Trai – Nam 30 tuổi – 45 Dinh tien hoang Q1: Tôi có thằng bạn ham chơi hơn ham học, nhưng không hiểu sao thi đại học năm rồi nó lại đâu, mà điểm rất cao! Không hiểu chấm thi có lộn không?
Lê Hoàng: Chưa chắc lộn đâu, vì bất cứ lĩnh vực gì cũng có đất dành cho những người tài tử. Thật ra, điều ấy chỉ chứng tỏ rằng, người ta có thể đậu vào một cái gì đó không phải bằng cách học hùng hục, mà đơn giản bằng cách coi đấy như một niềm thích thú của cuộc sống.

 

nguyen minh tuan – Nam 19 tuổi – so nha 43 ngo 30 pho luong dinh cua -hanoi: CHU LE HOANG OI!. CHO CHAU HOI CHAU RAT THICH TRUONG KIEN TRUC NAM NAY LA NAM THU 2 CHAU THI NEU TRUOT CHAU CO NEN DI HOC DH TAI CHUC KIEN TRUC KHONG?

Lê Hoàng: Xin chuyển câu hỏi này tới trường kiến trúc chứ

3. Lấy Vợ nếu trượt đại học  ?

Tran Thanh Trai – Nam 30 tuổi – 45 Dinh tien hoang Q1: Theo anh thì nếu thi rớt đại học nên lấy vợ không? Thằng bạn em nó thi trượt, năm sau nó lấy vợ liền?!

Lê Hoàng: Theo tôi thì lấy vợ là một việc nên làm nhưng không thể có một quy tắc nào cả. Chẳng phải cứ trượt là lấy vợ và đỗ là… ly dị.

 

Nguyen My Van – Nữ 30 tuổi – Tp.HCM: Anh Hoang va Ban bien tap Vnn than men, tu ngay co chuong trinh Vuc tham chua kham pha gia dinh toi thuong xuyen doc vnn han len. Toi khong nghi khong vao duoc DH la cham het, boi toi da tung thi rot Dh va …di lay chong (den bay gio toi van cam on ca su rot DH cua minh), vi toi co dieu kien chamlo cho gia dinh hon, ma neu dau DH va lam mot nghegi do thi chua chac toi da chu toan cong viec gia dinh nhu bay gio. Chong toi rat yeu quy toi, boi tuy toi o nha nhung van co gang doc sach bao de khong lac hau.. A, nhan tien xin hoi luon, anh Le Hoang co phai la anh Hien Hoa chuyen tu van ve hon nhan giadinh tren to tap chi Gia Dinh khong? Toi rat thich doc muc cua anh Hien Hoa, chong toi thi noi dung la anh, con toi thi noi khong phai vi no bao rang anh khong the tu van ve hon nhan gia dinh duoc

Lê Hoàng: Đúng tôi là anh Hiền Hoà thật. Một bằng chứng nữa cho thấy rằng người ta có thể nói về gia đình mà không tốt nghiệp ĐH về nó. Tôi hoàn toàn cảm phục khi thấy bạn cho coi công việc gia đình là một công việc lớn và thực hiện nó với một vẻ cao quý, say mê. Rõ ràng tấm gương của bạn chứng minh rằng người ta có thể tìm được vị trí của mình trong cuộc sống bằng hàng ngàn con đường khác nhau, nói cách khác người ta có thể tự chấm điểm cho mình. Không cần phải chờ đến sự công nhận của những hội đồng thi thì người ta mới có tư thế.

 

 

 

Ha – Nam 23 tuổi : Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không mời Mr Lê Hoàng về làm cố vấn nhỉ?
Lê Hoàng: Không cần có tôi thì họ cũng thừa cố vấn rồi, và là những cố vấn được học ĐH đàng hoàng.

Phạm Thị Phương Thảo – Nữ 16 tuổi – Thái Nguyên: Tuy cháu mới 16t nhưng sang năm cháu sẽ thi đại học và nghĩ tới thì thật là sợ. Cháu định thi dh y Thái Nguyên nhưng sợ sức mình không đủ mà ở nếu không thi Y thì thật sự cháu thấy chẳng còn trường nào nữa cả chẳng nhẽ thi nông lâm?sư phạm? khối B ở Thái Nguyên thì chỉ có thể thi những trường đó mà cháu thấy được mỗi y, gia đình cháu bảo có thể không đủ điều kiện cho thi ở Hà Nội thật khó phải không chú? Theo chú cháu nên chọn trường nào đây? Nông lâm có khoa kinh tế nhưng lai thi khối A cháu không học được khối A. Thi công nghệ thông tin cũng khối A nốt. BIẾT CHỌN THẾ NÀO ĐÂY??????????????????????
Lê Hoàng: Rõ ràng là cháu không phải hỏi mình muốn gì mà đang hỏi chỗ nào muốn cháu. Vậy thì chú cũng chịu thôi.

4. Nỗi buồn trượt Đại học  ?

nguyên văn thuận – Nam 21 tuổi – hà nội: theo chú việc đầu tiên phải làm khi trượt đại học là gì

Lê Hoàng: Tùy lứa tuổi và tùy quan niệm. Nếu coi trượt đại học như một cú ngã thì việc là phải đứng lên và phải… phủi quần!

Nguyen Ngoc Hieu – Nam 27 tuổi – 2N Dinh Bo Linh, Quan Binh Thanh: Chúng ta nên làm gì trong những ngày hay tin bị rớt ĐH?
Lê Hoàng: Chúng ta phải… buồn rồi sau đó, chúng ta phải hiểu rằng ”sau cơn mưa trời lại sáng”.

võ thị ý yên – Nữ 19 tuổi – 397 trần hưng đaọ, thị xã tuy hòa , tỉnh phú yên: Năm nay la năm quyết định của đời em 12 năm đèn sách, anh có thể cho em lời khuyên để em tự tin được không? Nếu mà năm nay em không đậu đại học theo nguyện vọng của ba mẹ em thi em sẽ làm gì và em ra sao trong khi đó ba mẹ em rất khó! Hãy cho em lời khuyên đi anh ha. Cảm ơn anh!
Lê Hoàng: Có đúng năm nay là năm quyết định của đời em không? Chưa chắc. Cuộc đời chúng ta thì phút nào cũng có thể là quyết định cả. Lại một bằng chứng nữa cho thấy em học ĐH để cho ba mẹ. Vậy thì em hãy nói với ba mẹ rằng một đứa con tốtcó thể không phải là một đứa con được điểm cao trong một môn nào đó.

 

5. Bố mẹ và đại học  ?

Pham Thái Lâm – Nam 33 tuổi – Hải Phòng: Kính chào Đạo diễn Lê Hoàng, rất vui lại đuợc trao đổi với anh về một vấn đề thực ra hết sức lớn lao naỳ. Thực tế thì ở bất kỳ nuớc nào cha mẹ đều muốn con mình có học vấn và họ dành mọi điều kiện có thể để trợ giúp con cái để có thể thi vào một truờng đại học nào đó. Tuy nhiên nếu con cái họ không thi đỗ hoặc chúng không muốn học thì ở nuớc họ có rất nhiều cơ hội cho họ để có một kỹ năng nghề nghiệp nào đó. Còn ở ta thì sao nhỉ. Chúng ta chi lo xây nhà từ nóc. Đào tạo thật nhiều kỹ sư, thật nhiều cử nhân theo một lối đạo tạo rất xa rời thực tế. Học sinh thì thụ động trong cách học tập, giáo viên thì luời nhác, bảo thủ. Kết quả là các kỹ sư, cử nhân khi ra truờng rất khó khăn trong công việc và phải đào tạo lại (nhất là ở các công ty nuớc ngoaì). Theo tôi chúng ta cần thay đổi hệ thống đào tạo và nhất là lối tư duy của giáo viên và học sinh, sinh viên. Làm sao cấy vào họ một lối tư duy mang tính groundbreaking (khai hoang), mạo hiểm và chủ động. Đây là thay đổi cơ bản????
Lê Hoàng: Hoàn toàn đúng. Chúng ta cần phải nhanh chóng chuyển từ việc giáo dục con người từ chỗ biết cái gì sang chỗ làm cách nào để biết. Nghĩa là chúng ta phải làm sao dạy cho sinh viên cách tư duy chứ không phải dạy cách thuộc lòng. Điều ấy nói ra thì có vẻ đơn giản nhưng thực sự rất khó. Cái lối giáo dục ”tầm chương trích cú” đã ăn sâu lâu quá rồi.

 

Pham Thái Lâm – Nam 33 tuổi – Hải Phòng: Anh Hoàng ạ, theo tôi thì chúng ta phải thay đổi từ cái khuôn chứ không thể thay đổi cái sản phẩm đúc ra từ cái khuân đó. Ý tôi là phải thay đổi ngay cái cách suy nghĩ (đuơng nhiên là cả cái cách làm rồi) của hệ thống giáo dục và đào tạo của chúng ta, nếu không chúng ta cứ băn khoăn là tại sao cái sản phẩm này cứ méo thế nhỉ!? Đến lúc đó chắc là chúng ta không phải băn khoăn nếu không vào đại học thì ta phải làm gì??? Đúng không ông thày (tôi tự nhận như vậy) có tư tuởng cấp tiến của tôi?
Lê Hoàng: Đúng rồi. Anh nói rất đúng, trừ vấn để tối là ”thày” vì tôi mong anh hiểu rằng, hiện nay giới làm nghệ thuật là giới mà người ta khao khát giáo dục nhiều nhất.

 

Xuan Hong – Nữ 25 tuổi – Thai Lan: Chao anh Le Hoang, theo em nghi thi truot DH la chuyen binh thuong, khong co gi to tat lam, vi con nguoi ta dau phai luc nao cung thanh cong. Tuy vay mot so phu huynh lai tao suc ep rat lon len con minh, do do lam con cam thay co mot ap luc rat lon la bat buoc phai thi dau. Vay anh co nghi Nha nuoc ta phai co chinh sach nhu the nao de phu huynh hieu ra duoc dieu do, giup hoc sinh cam thay thoai mai hon trong hoc tap, va co the nhu the se giup hoc sinh dinh huong tuong lai cua minh de dang hon?

Lê Hoàng: Đúng thế, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của một chính phủ trong quản lý xã hội là tạo ra nhiều vị trí, nhiều chọn lựa cho những công dân của mình. Theo tôi biết, ở một số nước thì ngay từ khi hết cấp 2, người ta đã bắt đầu phân loại học sinh, người ta đã cho từng em biết khả năng của mình và hướng nó vào điều ấy, có nghĩa là người ta cho học sinh thấy, vào đại học là một con đường trong số rất nhiều những con đường khác nhau, chứ người ta không nhăm nhăm tập trung vào đấy. Cái đấy gọi là ”hướng nghiệp” thì phải.

nam thắng – Nam 23 tuổi – hanoi: Học sinh chúng ta đa phần định hướng nghành nghề theo trào lưu chứ không nhìn vào khả năng thực sự của bản thân. Có rất nhiều bậc cha me bắt con cái mìn học trườnG A,B,C vì sau này dễ xin việc… Chúng ta có nền văn hóa thi cử, không phải chỉ xuất hiện thời nay mà thực chất bắt nguồn từ xa xưa do ảnh hưởng của Nho Giáo, chỉ coi trọng kẻ sỹ, còn thợ thương… không được đánh giá cao. Rõ ràng rằng làm một người thợ giỏi khó không kém gì việc trở thành một kỹ sư tài năng. Nhưng cách nhin của xã hội lại không như vậy, theo anh có phải chính sức ép từ cái nhìn của xã hội khiến cho việc học nghề, đào tạo nghề bị đánh giá thấp?
Lê Hoàng: Sao lại có câu hỏi hay thế. Đúng là chúng ta đã làm rất nhiều việc dựa vào cảm tính của xã hội chứ không phải dựa vào tính khoa học của nó. Nhưng thú thực rằng, nếu bạn 23 tuổi mà lập luận sắc sảo như thế này thì tôi tin rằng, bạn đang học một đại học nào đấy.

nguyen minh tuan – Nam 19 tuổi – so nha 43 ngo 30 pho luong dinh cua -hanoi: Bố mẹ cháu làm công nhân viên chức quen biết rất rộng. Sếp của bố em cũng quan tâm đến em lắm nên nếu năm nay em thi trượt ĐH thì bố mẹ em ngượng với mọi người lắm. Vậy nếu trượt, em phải làm gì?
Lê Hoàng: Ở một số nước, có 2 thứ cấm kỵ được hỏi người khác: đó là số tuổi và số lương. Có nghĩa là người ta không chấp nhận việc đánh giá ai qua thu nhập của họ. Trong khi đó, việc đậu ĐH của chúng ta rất nhiều khả năng là nhằm mục đích thu nhập. Em hãy nói với cha mẹ điều này nếu thi trượt không phải để cho đỡ ngượng mà để cho họ hiểu đúng em hơn.

 

6.  Đại học và thất nghiệp  ?

cong hoang – Nam 24 tuổi – Duc: Toi van biet viec hoc dai hoc la mot uoc mo cua rat nhieu ban tre, nhung o day ton tai mot su so sanh giua ty le nhung nguoi co bang tot nghiep va nhung nguoi co mot cong viec on dinh. Dieu nay co nghia la ngoai khoi DH con mot ty le rat lon ve khoi cac truong day nghe , anh nghi gi ve vai tro dinh huong cua nha truong va Xh ve mang day nghe o nuoc ta hien nay?
Lê Hoàng: Rõ ràng là vai trò này làm không được tốt lắm!

zaza – Nam 36 tuổi – 121 cong quynh: Tôi có nhiều nguời bạn, không tốt nghiệp đại học nhưng học vẫn giữ cuơng vị lãnh đạo trong các cơ quan lớn, đuợc đồng nghiệp kính nể vì trình độ học vấn uyên thâm !. Tôi gọi họ là những kỹ sư tự vọc… sao mọi nguời không theo cách này nhỉ ??

Lê Hoàng: Xin chuyển câu hỏi này đến mọi người.

Pham Thái Lâm – Nam 33 tuổi – Hải Phòng: Tôi có một thông điệp tới các bạn trẻ cá nhân tôi đã qua thời kỳ sinh viên. Tự tôi thấy rằng phần lớn những nguời thành công là những nguời lao động nghiêm túc và trên hết họ có một cách suy nghĩ độc lập, học tập không mệt moỉ. Vậy các bạn đừng quá băn khoăn là nếu không vào đại học thì mình làm gì. Các bạn hãy cố gắng hết sức ở một công việc gì đó rồi thì việc sẽ tự khắc tìm tới bạn.Tất cả là để kiếm tiền (hơi cực đoan một chút) nhưng hãy quan tâm tới cách chúng ta kiếm tiền chứ không phải chúng ta kiếm đựoc bao nhiêu tiền, phải không anh Hoàng?

Lê Hoàng: Xin chuyển câu hỏi này mà không cần trả lời

lại thành tín – Nam 17 tuổi – vinh nghệ an: Không muốn thi đại học mà muốn học nghề luôn có được không chú?
Lê Hoàng: Chắc chắn là được rồi. Nếu không thì nguy quá.

6.  Thi lại Đại học ?

 

Nguyễn Trung Hiếu – Nam 23 tuổi – Hà nội: Em da thi Dai Hoc 5 lan, nhung toan truot thoi, mac du em da rat co gang, neu lan nay truot nua thi buon that, Anh hay cho em mot loi khuyen ve huong di. thank.

Lê Hoàng: Một bằng chứng nữa cho thấy rằng người ta có thể nói về gia đình mà không tốt nghiệp ĐH về nó. Tôi hoàn toàn cảm phục. Nếu em thi 5 lần cũng trượt thì thú thực tôi cảm giác, em đã quen với việc… trượt rồi. Tôi khuyên em rằng, em hãy chuẩn bị làm một cái gì đó mà không cần thi hay nói cách khác, là không thi theo kiểu đại học nữa.

 

Hoàng Thành – Nam 18 tuổi – Thanh hóa: Ah, anh Hoàng ơi. Em đã nghe rất nhiều thông tin về ĐH tại chức rồi và hôm nay lại được nghe anh gọi ĐH tại chức là một thứ mà ta có thể vừa đi làm vừa đi học. Vậy theo anh thì chất lượng của nó sẽ như thế naò, và có thể xin được việc khác hay để lên được chức to hơn sau khi học ĐH tại chức không hả anh. Nếu mà như vậy thì em sẽ đi làm trước sau đó sẽ đi học ĐH tại chức sau vậy. Cám ơn anh rất nhiều.

Lê Hoàng: Tất nhiên là chất lượng của tại chức cũng nằm trong chất lượng của nền ĐH nước ta. Nhưng tôi nhắc em là trường gì cũng chỉ là một phần thôi. Cá nhân mỗi người có giá trị rất lớn.

 

Đỗ Thủ Khoa – Nam 18 tuổi – Đắc Lắc: Anh Hoàng thân mến !. Đay lần đầu tiên em tham gia chương trình này của Anh. Sap tới em định sẽ thi vào trường Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Nhung đối lúc em thấy chán. vì theo một số anh mà em dược quen biết các anh ấy đã đậu vào khoa nhũng khoa đầu của các trường hàng đầu như, dại học Bách Khoa, hay Tổng Hợp, hay Bưu Chính Viễn Thông, nhưng các anh la chán học, thậm chí có những người đã trở nên hư hỏng, nhiễm nhũng tệ nạn xấu, các anh áy nói học đại cũng thấy buồn, đôi lúc không có hứng phấn đấu như thời phổ thông, các anh ấy kêu than về tệ Phổ Thông Hóa Đại Học, Em muốn anh cho em vài điều tâm sự, và cho hiểu hơn về sự thục của nền giáo dục nuớc nhà, Nếu anh là bộ trưởng bộ giáo dục thì anh sẽ có nhũng cải cách gì để cải thiện tình hình này khong?

Lê Hoàng: Sao em tên là Đỗ Thủ Khoa mà em chưa thi đã chán thế.

tran – Nam 21 tuổi – bachkhoa: chu Hoang danh gia the nao ve van de rat nhieu nguoi tot nghiep dai hoc ma cung o co viec lam? the thi noi gi den nhung ban thi truot?.
Lê Hoàng: Bởi vì tốt nghiệp đại học hiện nay là một điều kiện có thể cần (có thể thôi) nhưng chắc chắn chưa đủ.

tt – Nữ 26 tuổi – td: Tôi nghĩ những điều mình ưa thích và khả năng của mình không phải luôn luôn trùng nhau. Ví dụ như tôi thích viết văn, nhưng cuối cùng tôi nhận ra mình chỉ có khả năng về các môn tự nhiên nên tôi đành chọn con đường làm kỹ sư. Nên tôi nghĩ chuyện vào đại học hay không chỉ biểu lộ khả năng của người thi chứ không phải biểu lộ niềm yêu thích. Chính vì vậy việc muốn thi và muốn đậu đại học là niềm mơ ước chân chính của tất cả mọi người, chẳng có gì để phải phàn nàn và phê phán hết. Còn các nhà tuyển dụng, ngay cả khi người ta biết người nhân viên được tuyển dụng vào không đủ khả năng để làm đúng chuyên môn được học thì người ta vẫn nhận người có thành tích xuất sắc trong học tập, vì họ tin rằng người đó có khả năng hơn để được đào tạo laị. Tôi nghĩ con đường vào đại học là con đường để mơ ước chứ không phải là tất cả, anh nghĩ sao?

Lê Hoàng: Đúng rồi không bao giờ phê phán những người có niềm mơ ước vào ĐH. Nhưng việc coi đấy là con đường duy nhất lại là chuyện khác. Nhưng tôi trả lời như thế này là rất tầm thường. Chẳng qua chỉ là cái cớ để tôi đưa câu hỏi của bạn lên vì tôi thấy nó rất hay.

 

Nguyễn Huỳnh Thanh Huy – Nam 23 tuổi – TP. Hồ Chí Minh: Chào anh Lê Hoàng , em có một đứa em sắp sửa thi Đại học. Em thì đã tốt nghiệp Đại học rồi và đã có việc làm ổn định.Trong quá trình học tập, em không bao giờ thi trượt. Nó học cũng khá mà cũng kì vọng lớn lắm . Nếu lỡ mà nó thi rớt thì cũng không biết nói sao với gia đình vì gia đình luôn lấy em làm kiểu mẫu cho nó noi theo. Trong lúc này , anh có cách gì giúp em cho nó một lời khuyên không?. Cảm ơn anh nhiều!

Lê Hoàng: Tôi công nhận rằng nhiều khi nỗi bất hạnh của một con người là làm mẫu cho người khác. Khi chúng ta dù vô tình hay cố ý bị biến thành thần tượng thì thế nào cũng có lúc gây nên bi kịch.

 

BÙI HỒNG – Nam 18 tuổi – 11/12 PHAN VĂN TRỊ: Chào chú!. Xin chú cho biết làm cách nào để tránh khỏi tình trạng lo sợ của bản thân khi ngày thi sắp đến,chỉ vì sợ mình sẽ rớt trong khi học lực không tệ(khá)?
Lê Hoàng: Theo tôi thì có thể tránh được sự lo sợ bằng cách công nhận rất nhiều người đã từng đậu nhưng lại ngốc hơn ta.

 

 

Nguyen Thanh Phu – Nam 21 tuổi – thanh pho Tashkent nuoc Uzbekishtan: Chao anh Le Hoang em muon hoi anh co tuoi 21 cua em bay gio co the ve Việt Nam di hoc tiep duoc khong vi em o ben nay cung duoc 4 nam roi ma em dang hoc nam thu 2 truong luat o day . mong anh giup em
Lê Hoàng: Cái này thì phải hỏi Bộ ĐH nhưng tôi có cảm giác hoàn toàn không khó khăn gì.

nguyen tuan son – Nam 20 tuổi – thanh xuan ha noi: anh nghi nhu the nao neu nhu gia dinh luon dat dai hoc len hang dau?trong khi bon “con tre ” lai muon duoc song theo kieu cua rieng minh?>co phai la 2 mau tuan?.

Lê Hoàng: Đấy là mâu thuẫn muôn thuở mà tôi nghĩ rằng, cuộc sống sẽ tự nó giải quyết.

tranle – Nữ 19 tuổi – tphcm: chau’ thay dung’ vi ong noi^ chau’ ngay xua* cung không duoc hoc dh vay ma van lanh~ dao tot va bay gio nghi? huu* moi nguoi van vo^ cung kinh’ ne^? . . chau dong y’ voi y kien cua chu’ nam _121 cong quynh` nhung tiec la không phai? ai cung nghi nhu* chung’ ta

Lê Hoàng: Nếu họ không nghĩ như ta thì lý do gì ta nghĩ như họ.

Pho duc hiep – Nam 18 tuổi – Trung Tu: Chau nam nay thi Dh nhung chau thay chan lam,hoc khong vao.Chau muon thi mot truong nao do de co the duoc di hoc tiep thoi.Khong phai o nha la duoc.
Lê Hoàng: Tôi biết nhiều kiểu học đại học, nhưng bây giờ, nhờ bạn mà tôi biết thêm một kiểu nữa là học để ra khỏi nhà!

Duong Le – Nam 22 tuổi – Tas: Hôm nay chú Hoàng trả lời chậm ghê, chẳng “sung” tý nào hết. Chú phải trả lờ thật sốc vào chứ. Tranh luận mà (nhờ chị đang gõ gõ trên cái Computer nhắn với chú Hoàng nhé:)).)

Lê Hoàng: Việc không coi đỗ DH là điều kiện tiên quyết theo tôi nghĩ đã “sung” lắm rồi.

tranle – Nữ 19 tuổi – tphcm: huhuhu chau phải về rùi trong khi câu hỏi của cháu không bao gio dươc dăng cả ??. buồn buồn quá di chu hoàng ơi

Lê Hoàng: Nếu bạn vào buổi trực tuyến này với mục đích là để câu hỏi được đăng thôi thì bạn phải hỏi hay vào chứ, huhuhu………..

Nguyen My Van – Nữ 30 tuổi – Tp.HCM: Toi cho mai van chua thay cau hoi cua minh duoc tra loi. Va trong khi cho doi toi phat hien ra rang chu de buoi noi chuyen hom nay da khoi dung tam tu cua nhieu nguoi. Nen toi nghi sau nay toi se khong bat con toi vao dai hoc bang moi gia!

Lê Hoàng: Xin dùng câu hỏi này làm kết thúc của buổi nói chuyện hôm nay. Chúc cho các bạn sắp thi đều đậu và chúc cho các bạn không đậu sẽ tìm được những cuộc thi khác.

(Theo_VietNamNet )

Xem thêm bài viết: Nở rộ trào lưu du học Đại học với học phí chỉ 3-4tr/tháng, không thi tuyển, được giới thiệu việc làm thêm miễn phí, bằng Đại học tiêu chuẩn quốc tế, cam kết 100% có việc làm ngay sau khi ra trường 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *