Phương pháp dạy và học của trường New England – AUSTRALIA

NHỮNG QUAN ĐIỂM CHÍNH TRONG DẠY VÀ HỌC

TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NEW ENGLAND – AUSTRALIA

                                                       GVC.ThS. Lê Thị Thu Hà  

Chánh văn phòng Viện

“Đại Học New England (UNE) tại thành phố Armidale, Úc ở vị trí đáng ngưỡng mộ với một uy tín xuất sắc trên trường quốc tế và là đại học dẫn đầu trong công cuộc đổi mới về nghiên cứu và học thuật.”

Nguồn: http://kenhtuyensinh.vn/

The University of New England (UNE) is an Australian public university with approximately 18,000 higher education students. Its original and main campus is located in the city of Armidale in northern New South Wales.

The University of New England was the first Australian university established outside a capital city.[1]

Each year, the University offers students more than $2.5 million in scholarships, prizes, and bursaries and more than $18 million for staff and students involved in research.[2] 

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/University_of_New_England_(Australia)

Một trong những vấn đề quan trọng cần được quan tâm trong các nhà trường hiện nay là việc dạy và học như thế nào cho hiệu quả. Qua bốn tuần học tập về phương pháp dạy học tại trường Đại học New England ở Armidale – Australia, chúng tôi đã tiếp thu được những điều rất thú vị. Chúng tôi thực sự muốn chia sẻ với mọi người về những thông tin này. Đó là tất cả mong muốn được thể hiện trong bài viết này và còn có thể trong những bài khác nữa.

 

 I. QUAN NIỆM VỀ DẠY HỌC VÀ 7 TIÊU CHUẨN CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN Ở AUSTRALIA, CỦA TIỂU BANG NEW SOUTH WALES.

 

Phương pháp dạy – học bao gồm nội dung: Chuyển việc giáo viên truyền đạt kiến thức cho học sinh thành việc hướng dẫn tổ chức cho học sinh tự tìm kiếm kiến thức mà mình muốn; Dạy học dựa trên tiềm năng và nhu cầu của người học, tạo ra được miền nhận thức gần nhất bằng cách “bắc dàn” và xây dựng được hứng thú cho người học trong quá trình tiếp thu những kiến thức mới; Dạy cái mà  người học cần chứ không phải dạy cái mà người dạy có; Phương pháp dạy học luôn quan tâm đến xúc cảm của học sinh, tạo hứng thú cho học sinh trên cơ sở nhận thức về người thầy tốt nhất từng có (cho học sinh nhớ lại những kỷ niệm tốt đẹp về người thầy của mình để từ đó tạo hứng thú cho người học), luôn quan tâm để người học là người được hưởng lợi nhiều nhất, đó là các kỹ năng sống trong suốt cuộc đời.

Phương pháp dạy học tích cực được áp dụng đến tận từng cá nhân học sinh, các học sinh trong một nhóm. Mỗi môn học khác nhau, giáo viên tự lựa chọn phương pháp dạy học. Điều đó cũng được áp dụng cho các đối tượng học sinh khác nhau (học sinh là con của thổ dân, người nhập cư, người da màu nói tiếng Anh, các công dân nói tiếng Anh khác). Tùy từng bài học cụ thể giáo viên linh hoạt lựa chọn sử dụng phương pháp giáo viên là trung tâm hay phương pháp học sinh làm trung tâm để đạt được kết quả cao nhất.

Trên cơ sở kết quả khảo sát chất lượng đầu năm, người giáo viên phân tích, đánh giá cụ thể trình độ nhận thức, kết quả học tập của từng học sinh để phân các nhóm đối tượng nhận thức cụ thể. Từ đó, giáo viên đưa ra phương pháp dạy học cụ thể theo từng nhóm học sinh, đảm bảo sự tiếp thu của học sinh.

Giáo viên tôn trọng và tạo ra sự công bằng cho nguời học. Giáo viên sử dụng triệt để phương pháp lấy người học làm “trung tâm” qua các hình thức tổ chức lớp học  theo từng nhóm nhỏ hoặc lớn để học sinh có thể trao đổi vấn đề về kiến thức vừa tiếp thu. Đồng thời giáo viên đưa ra những yêu cầu khác nhau đối với từng nhóm, từng học sinh nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh ở từng bài học, môn học.

Trên cơ sở kiến thức tiếp thu được, giáo viên coi trọng việc thực hành của học sinh bằng cách yêu cầu đưa ra mô hình theo trí tưởng tượng của học sinh về những vấn đề liên quan đến bài học (Ví dụ: sáng tác tiếp nội dung câu truyện vừa tiếp thu, thay đổi nhân vật, tình huống trong truyện. …); hoặc xuất phát từ những nhu cầu cuộc sống (mô hình nhà tiết kiệm nước, mô hình trang trại cho chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất…)

Giáo viên vận dụng các hoạt động trò chơi mang tính cuốn hút học sinh để thay đổi các nhóm học theo từng bài học, môn học cụ thể. Nhằm mục đích tạo ra môi trường tập thể mới để học sinh tổ chức học nhóm không bị nhàm chán.

Quan niệm về dạy: Nhà văn Anh Oscar Wilde cho rằng: Giáo dục là một điều đáng ngưỡng mộ, nhưng đôi khi cần nhớ rõ rằng không phải những gì muốn học đều có thể dạy được.

Hoạt động dạy học là cách thức giáo viên thông qua môi trường học tập những hình mẫu (vấn đề), tổ chức hoạt động cho HS tích cực chủ động tham gia vào các hình mẫu đó, vận dụng vốn hiểu biết của mình để suy nghĩ, thảo luận… chiếm lĩnh kiến thức theo nhu cầu học tập. Có hai xu hướng dạy học là xu hướng chuyển giao và xu hướng tạo dựng.

            7 tiêu chuẩn của người giáo viên ở Australia:

1. Người giáo viên biết rõ nội dung chuyên môn của mình và biết phải dạy nội dung đó như thế nào cho học sinh của họ.

2. Người giáo viên biết các học sinh của mình cần học những gì và biết cách học sinh đó học như thế nào.

3. Người giáo viên lập kế hoạch, cách thức tiến hành, các ghi chép, báo cáo cho việc học có hiệu quả của hoc sinh.

4. Người giáo viên giao tiếp có hiệu quả với các học sinh của mình.

5. Người giáo viên tạo ra, duy trì môi trường học vừa an toàn cẩn thận vừa mang tính thách thức thông qua việc sử dụng các kỹ năng quản lý lớp học.

6. Người giáo viên không ngừng trau dồi và hoàn thiện kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và thực hành.

7. Người giáo viên phải là người tích cực cộng tác với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn cũng như trong cộng đồng.

Chính những điều này không chỉ là mục đích phấn đấu cho người học từ trong nhà trường đại học mà còn như là những điều kích thích sự tự giác rèn luyện bản thân của mỗi giáo viên sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người cụ thể. Từ đó họ sẽ nỗ lực vươn lên về mọi mặt để có thể đạt được những tiêu chuẩn theo quy định. Họ sẽ trở thành nhà quản lý, người giáo viên tốt nhất v.v  như thế nào là hoàn toàn tùy vào sự nỗ lực của mỗi người.

 

II/ QUAN NIỆM VỀ HỌC, NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỌC TỐT

 

– Theo Vygotski, dạy học là dựa trên cơ sở giao tiếp và tương tác, tạo dựng, cho nên việc học phải tùy thuộc vào những vấn đề về lý luận sau đây:

– Lí thuyết về “Siêu nhận thức”; “Siêu tư duy” là quá trình tư duy về các loại tư duy và vượt lên hẳn các tư duy bình thường. Đó là quá trình suy nghĩ về việc nghĩ như thế nào để vận dụng vào việc học tập, là quá trình suy nghĩ về việc tại sao lại nghĩ như vậy, còn phải tiếp tục nghĩ như thế nào nữa?

–  Sự bắc giàn, sự trợ giúp là việc người giáo viên đưa ra một sự hỗ trợ nhất định để học sinh tiếp nhận kiến thức từng bước một.

–  Trong sơ đồ mạng nhện chú ý đến thị giác, chưa đòi hỏi tư duy cao. Phần tổng hợp vấn đề cần tư duy cao hơn, khi đó người học sinh cần sự trợ giúp của giáo viên trong giảng dạy – gọi là “bắc giàn”- để học sinh có điều kiện liên tưởng đến những kiến thức đã được học từ trước đó.

–  Yêu cầu mỗi người học lập bảng “Thế mạnh – Điểm yếu – Cơ hội – Nguy cơ”. Từ đó dạy cho mỗi người phương pháp xác định được điểm mạnh, yếu, mục tiêu và khó khăn khi tiếp cận một vấn đề cụ thể.

–  Trong giáo dục có thuật ngữ để chỉ trí thông minh mang tính xúc cảm của học sinh. Nhiệm vụ của người giáo viên là phải tạo ra được môi trường lành mạnh đầy những hứng thú để học sinh học tập theo nhu cầu và khả năng của bản thân. Thông qua thực hành tạo điều kiện cho học sinh học tập, tạo hoàn cảnh như sắp xếp lớp học, tạo tình huống; đặc biệt là sự quan tâm về nhiều mặt để người học có xúc cảm làm phát triển trí thông minh.

–  Tri thức của một người không thể trở thành tri thức của người khác nếu như người đó không tự học lấy – quan điểm của Socrater.

+  Ba quan điểm về học:

  • Học là việc của người học chứ không phải việc của người dạy.
  • Mỗi cá nhân học được khi tự bản thân họ trả lời được câu hỏi.
  • Vai trò của giáo viên là phải tạo ra những cơ hội học tập cho học sinh.

+ Trong khi cần tìm câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để dạy tốt” của người dạy thì ta tìm được câu trả lời của học sinh: “Tôi học tốt nhất khi…” đó là:

  1. Kiến thức trước đây của tôi được liên kết
  2. Kiến thức tiền đề của tôi được khởi động
  3. Khi được thảo luận với người khác về kiến thức mới được tiếp thu;
  4. Thật sự cuốn hút và khích lệ (được giáo viên tạo động cơ);
  5. Thoải mái để tiếp nhận những kiến thức mới;
  6. Hiểu rõ về yêu cầu và kĩ năng cần thiết;
  7. Đủ thời gian để làm chủ kiến thức của mình;
  8. Tham gia một cách tích cực vào hoạt động học tập
  9.  Tôi hiểu vấn đề bằng cách riêng của mình;
  10.  Những giải thích của giáo viên phù hợp với phương pháp học của tôi.

+ Sử dụng sơ đồ Venn khi hình thành phương pháp dạy học để xác định được phương pháp dạy học khi giáo viên là trung tâm hay khi học sinh làm trung tâm, người giáo viên tiến hành việc dạy học “tạo dựng” để có hiệu quả nhất. Việc đó có thể dùng sơ đồ sau để diễn đạt:

Trong đó, phần A (không có B) là diễn đạt nội dung cái mà học sinh có; phần B (không có A) dùng để diễn đạt những điều giáo viên có. Giao của A và B chính là phần mà cả giáo viên và học sinh đều có.

Dạy học vì mục đích, khả năng và nhu cầu của học sinh chính là “lấy học sinh làm trung tâm”. Đó chính là dạy học theo phương pháp tạo dựng. Còn việc dạy học “lấy người dạy làm trung tâm” là dạy cái mà người dạy có. Đây là cách dạy học theo phương pháp chuyển giao. Theo phương pháp này người dạy áp đặt bắt buộc học sinh tuân theo ý kiến chủ quan của mình, và vì vậy học sinh khó phát huy được tinh thần chủ động, kém sáng tạo và dẫn đến tự ty khi không tiếp thu được bài học, nói chung làm thui chột nguồn sáng tạo của học sinh.

 

III/  PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG CÂU HỎI ĐÓNG – MỞ, MÔ HÌNH VÀ SƠ ĐỒ LIÊN KẾT TRONG DẠY VÀ HỌC.

+ Phương pháp đặt câu hỏi đóng – câu hỏi mở và cách sử dụng phương pháp đặt câu hỏi đóng, câu hỏi mở trong quá trình dạy học nhằm tạo cơ hội và khả năng tiếp thu kiến thức theo nhiều hướng khác nhau.

Dạng câu hỏi đóng là trước khi giáo viên đưa ra câu hỏi thì đã biết trước câu trả lời. Trong tình hình đó, câu hỏi chỉ có một phương án trả lời. Người giáo viên sẽ không quan tâm vào việc nghe các câu trả lời của học sinh mà chỉ tập trung nghe ý kiến nào đúng. Nhiều lúc học sinh có cách trả lời khác nhưng giáo viên cho là sai, không công nhận sản phẩm tư duy của các em. Câu hỏi đóng chỉ liên quan đến trí nhớ nên học sinh không hứng thú học vì trong lớp chỉ cần có một em trả lời đúng là được.

Dạng câu hỏi mở là khi giáo viên đưa ra câu hỏi cho học sinh nhưng không thể biết trước được các câu trả lời sẽ xẩy ra như thế nào. Với câu hỏi loại này học sinh sẽ đưa ra nhiều cách trả lời khác nhau. Khi học sinh trả lời sẽ có nhiều hướng khác nhau, giáo viên phải thực sự nghe câu trả lời của học sinh để phản hồi cho các em. Câu hỏi mở kích thích hứng thú học tập cho học sính, điều đó dẫn đến nội dung và kiến thức đã học cũng như kiến thức trong cuộc sống có những sự liên quan mà các em có thể đặt ra. Học sinh có nhiều cơ hội tham gia học tập và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Đó chính là dạy kĩ năng sống cho các em.

+ Sử dụng mô hình “dự đoán, quan sát, giải thích” và sơ đồ liên kết (từ một vấn đề trọng tâm, xác định được các vấn đề liên quan, dẫn đến các nhóm chính để học sinh nắm bắt vấn đề) khi đưa ra phương pháp đặt câu hỏi đóng hoặc câu hỏi mở để giúp cho quá trình học tập của học sinh đạt kết quả tốt.

 

IV/  LÝ THUYẾT TRÍ THÔNG MINH ĐA DẠNG

Đây là một sự thay đổi lớn trong nhận thức của chúng ta về “trí thông minh”. Từ sự thay đổi này đã tạo cho mọi người nói chung và học sinh nói riêng nhận thức đúng đắn hơn khả năng của mình, tạo động lực để họ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong cuộc sống và trong học tập. Ngoài ra mỗi người đều có những nhận thức về trí thông minh của nhau theo những cách khác nhau và có niềm tin trong sự phát triển chung của xã hội. Nhận thức này hoàn toàn  có lợi cho người học, nó tạo cho các em luôn tự tin để hội nhập tất cả các hoạt động trong cuộc sống. Chỉ khi đủ tự tin thì con người ta mới năng động và sáng tạo trong các hành xử được.

Trí thông minh là tiềm năng có thể thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào môi trường văn hóa. Như vậy, trí thông minh không chỉ là khả năng tạo ra sản phẩm mà còn là khả năng giải quyết vấn đề. Lý thuyết Thông minh đa dạng đó là: Thông minh liên quan đến Logic và Toán học (Logic & Maths Intelligence), Thông minh liên quan đến Ngôn ngữ (Word Intelligence), Thông minh liên quan đến Thị giác, không gian (Visual & Spatial Intelligence), Thông minh liên quan đến Thân thể, vận động (Body Intelligence), Thông minh liên quan đến Âm nhạc, nhịp điệu (Music Intelligence), Thông minh mang tính Nội tâm (Self Intelligence) và Thông minh mang tính giao tiếp hay ngoại lực (People Intelligence). Sau này, các tái bản Frames of Mind bổ sung thêm định nghĩa về dạng thông minh thứ 8 là Thông minh liên quan đến môi trường, thiên nhiên (Naturalist Intelligence) và hiện tại đang xem xét bổ sung thêm dạng thông minh thứ 9 liên quan đến Sinh tồn (Existentialist Intelligence).

Các miền thông minh trong hệ thống MI của Howard Gardner

V/  CÁCH ĐÁNH GIÁ, QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ, CÁCH XẾP LOẠI HỌC SINH TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC.

Quan điểm về đánh giá là quá trình nhận ra, thu thập và phân tích những thông tin về việc học của học sinh, nhằm tìm kiếm sự phát triển để có lợi cho các em. Cách đánh giá của bang New South Wales khác với Việt Nam và Hồng Công. Có thể tóm tắt như sau:

+ Đánh giá định kì: Học sinh các lớp 3, 5, 7, 8 tổ chức thi vào tháng 6 (còn các lớp 1, 2, 4, 6, 9 không tham gia kì thi này) được gọi là kì thi cấp quốc gia (cấp quốc gia được hiểu là cấp tiểu bang hay vùng lãnh thổ). Mục đích của kì thi này là để lấy số liệu báo cáo cho chính phủ Tiểu bang về chất lượng tăng giảm của từng năm, chứ không nhằm vào đánh giá thi đua giữa các trường hay 10 vùng trong bang NSW. Đây là kì thi không được Hội đồng nhà giáo ủng hộ và họ không coi trọng kì thi này, cũng như không lấy đó làm kết quả để đánh giá học sinh.

+ Kiểm tra và đánh giá thường xuyên là mục đích của việc kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh và làm minh chứng cho việc xác định học sinh đạt mức độ nào (có 3 trình độ: 1, 2, 3 trong một lớp). Đánh giá thường xuyên là đánh giá từng học sinh qua việc quan sát và ghi chép sự tiến bộ hàng ngày của giáo viên đối với các em, kiểm tra không nặng về điểm số mà cần khuyến khích học sinh phát triển trên cơ sở sự tiến bộ của các em trong từng giai đoạn cụ thể. Do đó học sinh không sợ thi như ở Việt Nam. Sau một kì (có 4 kì /1 năm học, mỗi kì gồm 10 tuần học) giáo viên lấy kết quả làm minh chứng để báo cáo cho Hiệu trưởng và trao đổi với phụ huynh về việc tiến bộ của học sinh so với bản thân, so sánh trong từng kì học. Hội đồng giáo viên căn cứ vào chất lượng học sinh để phân tích và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, không đổ lỗi cho giáo viên khi chất lượng của lớp (hoặc của em) nào đó yếu về một hoặc một số mặt nào đó.  Kết quả học tập của học sinh được lưu trữ bằng nhiều hình thức: Sơ đồ phát triển, ghi chép nhng câu chuyn riêng, kết qu theo tun, hc b, h sơ cá nhân, tp chí và bài tp hc sinh. Ở Australia vẫn khuyến khích học sinh viết chữ đẹp, nhưng họ ưu tiên khả năng đọc nhiều hơn. Theo giáo sư Linley Cornish thì rất khó kiểm soát chữ viết của học sinh vì có sự hỗ trợ rất nhiều từ máy tính. Tại bang New South Wales, kết quả học tập của học sinh được xếp theo 5 loại: A: xuất sắc, B: giỏi, C: khá, D: trung bình, E: chưa đạt trung bình. Tất cả đều dựa vào đánh giá thường xuyên của giáo viên chứ không phải dựa vào kì thi quốc gia đầy tốn kém. Mặc dù việc đánh giá học sinh là dựa vào đánh giá thường xuyên, nhưng các giáo viên đều rất tự giác và trung thực với chất lượng học sinh của mình. Lí do là các học sinh rất tự giác và có sự thi đua rất cao. Giáo viên không bị sức ép về chất lượng mà chỉ bị sức ép về kinh tế. Nếu giáo viên không dạy tốt, học sinh sẽ chọn trường khác để học và họ mất đi nguồn kinh phí do chính phủ cấp cũng như các đóng góp của phụ huynh

Ở đây, người ta đề cao sự tự đánh giá ngay từ bậc tiểu học; tôn trọng những kết quả lao động sáng tạo của học sinh để tạo hứng thú trong học tập cho các em. Đó chính là việc “thắp sáng ngọn đèn trí tuệ trong mỗi cái đầu chứ không phải đổ cho đầy nhiên liệu vào đầu của mỗi học sinh. Bởi điều đó chẳng những không thắp sáng được cái gì cả, mà lại còn làm thui chột khả năng sống của các em” – nhận xét của chúng tôi khi tiếp thu những vấn đề về dạy học cho học sinh tiểu học tại trường University of New England. Điều này cũng chính là “Một cái đầu biết suy nghĩ tốt hơn là một cái đầu đầy” – Theo Giáo sư Cao Huy Thuần Đại học Picardie (Pháp), bài đăng ở mục Thời đại mới – Tạp chí nghiên cứu và tham luận Số 9 tháng 11 năm 2006.

VI.  KẾT LUẬN:

Nền giáo dục của Australia thực sự là một nền giáo dục đáng ngưỡng mộ. Bởi ở đó người dạy dồn toàn tâm trí vào nghề nghiệp của mình vì danh dự thiêng liêng của chính bản thân họ, họ đã làm việc nhiệt tình và vô cùng tận tụy, có khả năng phối hợp nhịp nhàng với tất cả các đồng nghiệp và sử dụng được tất cả các phương tiện dạy học hiện đại cũng như có thể làm những việc giản đơn nhất. Người học được học kỹ năng sống ngay từ khi đến trường mầm non. Tất cả các sản phẩm của họ luôn được tôn trọng và gìn giữ đã làm cho họ không chỉ tự đánh giá được bản thân mà còn tự nhận thức (hiểu biết) được chính khả năng của họ, từ đó họ tìm được con đường đi phù hợp cho tương lai.

Sự gắn kết và nhất quán giữa lý luận và thực tiễn trong dạy – học ở Australia rất đồng bộ và nhịp nhàng thuận lợi. Không thể tìm thấy biểu hiện của sự không đồng nhất, mọi việc trong nhà trường được tiến hành thoải mái và đúng với việc “dạy học vì người học” chứ không phải dạy học vì người thầy, vì nhà trường  hay vì lãnh đạo cấp trên hoặc bất cứ một áp lực nào. Cả xã hội luôn quan tâm đến nhu cầu học tập của học sinh và chú ý đến sự phát triển của cá nhân mỗi người.

Ở đây, quyền của con người thật sự được chú ý và quan tâm đúng mức nhưng không vì thế mà họ lại có thể làm những chuyện bất thường mà ngược lại họ chấp hành pháp luật rất nghiêm túc. Khi một người có khó khăn trong học tập hay bất cứ lý do gì trong cuộc sống hàng ngày đều luôn nhận được sự giúp đỡ của những người khác, của các tổ chức chính phủ. Ví dụ như trẻ em 10 tuổi đã có thể tự quyết định cuộc sống của mình nếu không muốn phụ thuộc bố mẹ.

Mong sao những ai đọc bài viết này sẽ thu lượm được cho riêng mình một vài ý kiến nhỏ, đó cũng như là món quà lớn đối với người viết rồi.          

                          

Tài liệu tham khảo:

  1. GS Jan – Bài giảng cho lớp Bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình DA PT V TH) tại trường ĐH New England, Armidale – New South Wales- Australia.
  2. GS Linley – Bài giảng cho lớp Bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình DA PT V TH) tại trường ĐH New England, Armidale – New South Wales – Australia.
  3. UNE – University of New England – Bạn thuộc dạng thông minh nào?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *