Vai trò của sinh hoạt giao tiếp đối với người cao tuổi

Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế Việt – Nhật về “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật”- Trường Đại học Sài Gòn và Osaka College of Social Health and Welfare, Japan tổ chức 24-29/12/2008

                                                                                           ThS. Đinh Xuân Hảo

  Phòng Khoa học Công nghệ & Đào tạo Sau đại học

 Trường Đại học Sài Gòn

Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội, tuổi thọ của con người tăng lên, số người cao tuổi cũng gia tăng . Đây là lớp người phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng cho xã hội, vì họ sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ.

Tuy nhiên trong thực tế, những người cao tuổi thường có nguy cơ bị ngược đãi, bỏ rơi, cô lập, đói nghèo, bệnh tật, tai nạn…. Thực tế cuộc sống gần đây được phản ánh qua báo chí cho thấy có nhiều người già bị con cháu bỏ rơi hoặc ngược đãi.

Làm thế nào để giúp con người có thể kéo dài tuổi thọ?Ngày nay, mọi nền y học đều công nhận yếu tố tâm lý, cảm xúc tác động rất lớn đến sức khỏe vật chất. Kết quả nghiên cứu do TS. Thomas Glass ở trường Đại học Y tế cộng đồng Harvard thực hiện đã cho thấy các hoạt động xã hội, vui chơi nhẹ nhàng, không đòi hỏi vận động thể lực mạnh mẽ, cũng có giá trị làm chậm sự lão hóa và làm giảm các nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể. Và cùng với tâm lý, tư tưởng cũng có vai trò quan trọng chi phối quá trình phát triển của con người .

1.  Thực trạng người cao tuổi

Xã hội càng văn minh, tiến bộ, kinh tế càng phát triển, những điều kiện cuộc sống ngày càng được cải thiện, tuổi thọ con người càng tăng, có nghĩa là số người cao tuổi trong xã hội càng cao. Sự gia tăng tuổi thọ chính là dấu hiệu của sự tiến bộ về nhiều phương diện trong thế kỷ 21. Và hiện nay, Nhật Bản là đất nước có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất hành tinh.

Những nhà khoa học đã ước tính tỷ lệ số người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong một vài thập niên tới. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, số người trên 90 tuổi gia tăng từ l triệu người năm 1999 sẽ tăng lên đến 10 triệu vào khoảng năm 2050. Số người già tăng nhanh nhưng các chính sách xã hội không theo kịp được đà gia tăng này.

Ở Việt Nam hiện nay, số lượng người cao tuổi cũng không ngừng tăng lên theo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều tra dân số năm 1999 cho thấy có khoảng 6 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 8% dân số, tuổi của phụ nữ cao hơn nam giới từ 4 – 5 tuổi.. Đến năm 2020, tỷ lệ này có thể lên đến khoảng 18%. Theo công bố của Bộ Y tế, năm 2005 tuổi thọ trung bình của người VN là 71,3. So sánh với chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ người VN tăng đáng kể trong năm qua, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuổi thọ tăng thì số người cao tuổi cũng nhiều hơn.

Kết quả khảo sát năm 2007 do Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNCA) tổ chức cho thấy: 72,9% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn; trên 75% sống cùng con cháu, 8,3% sống cô đơn, phần nhiều là phụ nữ đơn thân hay goá chồng không có con; tỷ lệ người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội chỉ khoảng 21%; khoảng 95% mắc các bệnh mà chủ yếu là bệnh mãn tính như xương khớp, hô hấp, tim mạch. Nguy cơ thường gặp phải với những người cao tuổi là bị ngược đãi, bỏ rơi, bị cô lập, đói nghèo, bệnh tật, tai nạn thương tích…Thực tế cuộc sống gần đây được phản ánh qua báo chí cho thấy có nhiều người già bị con cháu bỏ rơi hoặc ngược đãi.

Tại TP.HCM, thống kê dân số cho thấy:

 

2001

2002

2003

2004

2005

2006

1. Dân số trung bình

(1000 người)

5.285

5.449

5.630

6.117

6.240

6.424

Nam (1.000 người)

2.546

2.625

2.713

2.920

2.996

3.081

Nữ

2.739

2.824

2.917

3.142

3.243

3.343

Thành thị (1.000 người)

4.410

4.542

4.661

5.170

5.315

5.315

 Nông thôn

875

907

969

893

925

961

2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (%)

1,30

1,27

1,15

1,20

1,15

1,07

3. Tỷ lệ tăng dân số cơ học (%)

0,77

0,90

1,2

2,1

2,0

    1,9
4. Lao động đang làm việc ( 1.000 người)

2.267

2.336

2.503

2.586

2.676

2.784

8. Số bác sỹ, nha sỹ  trên 10.000 dân

8,6

8,4

8,0

9,2

    9,3
9. Số bệnh viện

38

38

38

55

56

    72
10. Phòng khám khu vực

43

43

43

29

29

     29

(Nguồn:Dân số lao động xã hội  http://www.hochiminhcity.gov.vn/index_cityweb)

Bảng thống kê cho thấy dân số thành phố HCM tăng khá nhanh và số phụ nữ thường cao hơn nam giới. Số bác sĩ, nha sĩ , bệnh viện có tăng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội. Các bệnh viện đều quá tải không thể phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân nói chung, của người cao tuổi nói riêng.

Đối với người cao tuổi, cuộc sống tại TP.HCM có nhiều khó khăn vì không gian chật hẹp, xe cộ đông đúc, ngăn cách với thiên nhiên, các cụ cũng thường có cảm giác cô đơn vì con cháu phải lao vào cuộc sống, vào hoạt động nghề nghiệp rất năng động, ít có thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ. Những người cao tuổi được xếp vào nhóm người sức khỏe suy yếu, không tự lo liệu được, phụ thuộc con cháu, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, sống cô đơn, xa lánh mọi người . Người cao tuổi nhiều khi còn bị khai thác, lợi dụng, bỏ rơi .

Thực ra, người cao tuổi đáng được tôn trọng vì con người từ ngàn xưa vốn đã có ước vọng sống lâu. Tuổi thọ được xem trọng hơn cả tiền tài, danh vọng, đông con nhiều cháu. Chả thế mà ngày Tết người lớn tuổi thường thích được chúc sống lâu, ngày cưới cô dâu chú rể thường được chúc bách niên giai lão. Ở địa vị cao sang, ngày xưa, các bậc vua chúa còn không bằng lòng với “bách niên”, mà còn đòi dân đen phải tung hô “vạn tuế! vạn tuế!” hoặc “muôn năm! muôn năm!”

Mặt khác, người cao tuổi phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng cho xã hội, vì họ đã từng đóng góp và sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ.

Ngoài ra, con đường đi đến tuổi già là con đường số đông nhân loại phải trải qua – trừ những người chết trẻ. Do đó, quan tâm đến người cao tuổi cũng chính là quan tâm đến cộng đồng, đến mỗi con người chúng ta trong tương lai, và hoạt động chăm sóc người cao tuổi thực sự mang tính nhân văn. Như thế, cộng đồng xã hội cần phải làm gì để tận dụng “trí” và “lực” người cao tuổi, giúp họ  kéo dài tuổi thọ, sống khỏe, sống hữu ích?

Liên Hiệp Quốc cũng đã đề nghị một số nguyên tắc để giúp đỡ người cao tuổi như: Họ phải có cơ hội được sử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà ở, được chăm sóc y tế, có việc làm và có một đời sống an toàn; họ phải được sử dụng các dịch vụ pháp lý, các phương tiện giáo dục, văn hóa, giải trí để phát triển mọi tiềm lực; phải được sống trong vinh dự, không bị khai thác, lợi dụng và được đối xử bình đẳng. Đó là những cơ sở để người cao tuổi được sống hạnh phúc.

Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay nói chung, ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, chúng ta cần có những giải pháp để giúp cuộc sống của người cao tuổi được cải thiện tốt hơn. Đã có nhiều giải pháp về y học, môi trường, kinh tế… Nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu trình bày một liệu pháp khác, liệu pháp tâm lý. Đó là việc giao tiếp xã hội sẽ làm cho người cao tuổi gia tăng tuổi thọ và sống tốt hơn.

2. Vai trò của sinh hoạt giao tiếp đối với người cao tuổi

Theo lương y Võ Hà, kết quả một nghiên cứu trên quy mô rộng do TS. Thomas Glass và cộng sự ở trường Đại học Y tế cộng đồng Harvard thực hiện đã cho thấy các hoạt động xã hội, vui chơi nhẹ nhàng, không đòi hỏi vận động thể lực mạnh mẽ, cũng có giá trị làm chậm sự lão hóa và làm giảm các nguy cơ bệnh tật hoặc tử vong ngang với các hình thức vận động thân thể. Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người cao tuổi, vì lý do thể chất, tinh thần yếu đuối hoặc vì một lý do nào khác không thể hoặc không thích vận động.

Nghiên cứu này đã được tiến hành trên 2.761 người nam và nữ từ 65 tuổi trở lên trong vòng 13 năm. Đây là lần đầu tiên có cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của những hoạt động xã hội đối với những nguy cơ tử vong của những người cao tuổi, độc lập với những hoạt động thể lực. Các hoạt động xã hội bao gồm những hình thức đi ra ngoài sinh hoạt giao tiếp với cộng đồng như: đi tham quan, đi chùa, đi nhà thờ, đi quán ăn, đi mua sắm, đi xem phim, tham dự các sự kiện thể thao, hoạt động từ thiện, gặp gỡ bạn bè. Những nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Harvard đã báo cáo trên tạp chí British Medical Journal: “Trong số những người cao tuổi kém năng động thì những người thường tham gia các hoạt động giao tiếp sống lâu hơn những người không tham gia những hoạt động này”.

Một cuộc khảo sát khác, qua theo dõi dữ liệu của 2.812 người trên 65 tuổi trong khoảng 12 năm cho thấy, tình trạng suy giảm trí nhớ đã tăng lên gần gấp đôi ở những người sống lẻ loi so với những người có mối liên hệ thường xuyên với bạn bè, người thân, với tổ chức, tôn giáo hoặc tham gia đều đặn các sinh hoạt giao tiếp xã hội. Nói chung, những hình thức hoạt động này chỉ hao tốn năng lượng rất ít, không đủ để thay thế cho các hoạt động thể dục thể thao. Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng tốt đối với sức khỏe và tuổi thọ ngang với vận động thể lực. Do đó, thay vì tập thể dục trên máy tập ở nhà, đi bộ trong vườn nhà, hiệu quả sẽ được nhân đôi nếu người cao tuổi tham gia các sinh hoạt mang tính cộng đồng ở các câu lạc bộ dưỡng sinh, công viên, sân vận động để cùng tập luyện, vui chơi và chia sẻ. TS. Glass còn đặc biệt lưu ý: “Những người ít hoạt động thường xem việc vận động là một thách thức hoặc khó khăn, sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động là cơ hội để gặp gỡ và giao tiếp với những người khác”.

TS. Glass không biết rõ điều gì nằm ngoài các vận động cơ thể đã giúp kéo dài tuổi thọ. Nhưng ông tin chắc rằng việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng đã tạo ra sự thay đổi ở não theo một cách nào đó, làm chậm tiến trình lão hóa và ảnh hưởng tốt đến hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật và sự xâm nhiễm của vi trùng. Trong những trường hợp này, yếu tố tâm lý chính là nhân tố quyết định. Ngày nay, mọi nền y học đều công nhận yếu tố tâm lý, cảm xúc tác động rất lớn đến sức khỏe vật chất. Khi người ta về già, cơ thể phản ứng nhạy bén hơn và phục hồi chậm hơn đối với các biến cố gây stress. Điều này tác động đến lục phủ ngũ tạng và cả bộ não làm cho các quá trình suy thoái xảy ra nhanh hơn .

Nếu như  những cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể làm cho khí huyết ngưng trệ, rối loạn hoạt động nội tiết, giảm sức đề kháng, thì ngược lại, cảm giác an toàn, được chia sẻ bên cạnh bạn bè, người thân sẽ tạo ra những đáp ứng thư giãn giúp giảm nhịp tim, điều hòa huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch. BS. Dean Ornish, một nhà nghiên cứu về tim mạch người Mỹ, đặc biệt nổi tiếng gần đây về phương pháp điều trị tận gốc bệnh tim mạch bằng liệu pháp tự nhiên.

Trong quyển sách “Tình thương và sống còn – Cơ sở khoa học của sự chữa bệnh bằng tình thân”(Love & Survival, The Scientific Basis for the Healing Power of Intimacy), BS. Dean Ornish đã viết: “Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc”. Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore, khi nói về những yếu tố để tạo nên thành công, sung mãn và tuổi thọ, đã cho biết: “Sự trừng phạt lớn nhất đối với một con người là cứ ngồi yên, tự cô lập mình”. Do đó, nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy những người cao tuổi thường ra ngoài, tham gia các hội đoàn, các tổ chức xã hội, sinh hoạt nhóm sinh lợi hoặc từ thiện, vui chơi giải trí, đều có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn so với những người sống cô lập, ít giao tiếp.

Mặt khác, trong đời sống tinh thần của con người, tư tưởng có vai trò quan trọng chi phối  các quá trình vật lý. Tư tưởng đi trước hành động, điều khiển hành động và có thể thay đổi sự việc theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy theo ý chí và sự luyện tập của mỗi người. Trong những tình huống khẩn cấp, khi phải đối phó với tai nạn hiểm nguy, con người thường có thể làm được những điều kỳ diệu, nâng nặng hơn, chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn hoặc tỏ ra can đảm hơn, những điều mà trong điều kiện bình thường cơ thể không làm được. Chính tư tưởng, ý chí đã tạo nên sự kỳ diệu. Người nào nghĩ rằng mình đã “lão hóa”, không thể vận động như trước, sức khỏe suy yếu, trí óc không được nhanh nhạy, không còn giúp ích gì được cho con cháu, cho cộng đồng; tư tưởng này sẽ tạo nên đúng con người như vậy, dẫn đến bệnh tật và lão hóa. Ngược lại, một người nghĩ rằng mình còn hữu dụng cho gia đình, cho xã hội, cần hoạt động, cần tiếp xúc, còn có những nghĩa vụ nhất định với cộng đồng, thì chính tư tưởng này sẽ tạo nên một con người năng động và người này sẽ có đủ sức khỏe và tinh thần minh mẫn cần thiết để làm được những điều họ mong muốn. Thực tế cuộc sống cho thấy, một số người bệnh ung thư nặng nhưng có môi trường sống thân ái, có tinh thần lạc quan, có sinh hoạt giao tiếp và động cơ sống tốt, thường có thời gian sống lâu hơn nhiều so với những bệnh nhân sống cô độc, ít có điều kiện giao tiếp, chia sẻ, nhất là khi người bệnh nghĩ rằng mình đang chờ ngày ra đi. Một người bị bệnh nan y nhờ được cư xử tôn trọng, thân thiện và sống lạc quan có thể sống thọ, nhưng có khi chỉ cần một thái độ cư xử gây sốc, họ có thể suy sụp nhanh và chết nhanh. Đó cũng là nguyên nhân vì sao đối với người mắc bệnh nan y, người ta thường giấu không cho họ biết sự thật, để giúp họ có tư tưởng lạc quan, yêu đời và có thể kéo dài cuộc sống. Do đó, cuộc sống cởi mở, thân thiện với mọi người chung quanh, thường đi ra ngoài để giao tiếp, biết sống hòa hợp và chia sẻ luôn là những liều thuốc quý giá đối với tất cả những người cao tuổi.

Trong năm 2008, Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (VNCA) đã triển khai thí điểm mô hình “Chăm sóc người cao tuổi khó khăn dựa vào tình nguyện viên tại cộng đồng” tại 5 tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thái Bình và Bến Tre. Mục tiêu là giúp cho người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần dựa vào tình nguyện viên tại cộng đồng dưới sự bảo trợ của các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương.

Ngoài ra, các địa phương khác và các gia đình có người cao tuổi cũng cần tạo điều kiện cho người già có cơ hội giao tiếp, chia sẻ với cộng đồng. Sự giao tiếp ấm áp tình người chính là một nhân tố quan trọng giúp người cao tuổi giữ được mối liên hệ mật thiết đối với xã hội và duy trì trí nhớ, tuổi thọ và hạnh phúc. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

www.dantri.com.vn/Sukien/ Người già đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi, bỏ rơi

http://www.hochiminhcity.gov.vn/index_cityweb Dân số lao động xã hội

www.suckhoe360.com/…/ep. Võ Hà- Sinh hoạt giao tiếp giúp kéo dài tuổi thọ

www.vn.net/article.php/ Người già và phúc lợi xã hội

www.vietnamnet.vn/nhandinh/2006/01/“71,3 tuổi”: Dân số VN đang già đi?

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *