Trường công ‘hút’ hồ sơ nguyện vọng 2, trường tư vắng vẻ

3 ngày nữa là hết đợt tuyển sinh nguyện vọng 2, trong khi đại học công lập tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ, vượt so với chỉ tiêu thì trường dân lập ít thí sinh đến đăng ký.

Theo báo cáo xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các đại học, cao đẳng ở phía Bắc, đến ngày 1/9 phần lớn trường công còn thiếu chỉ tiêu là ở những cơ sở 2, hoặc những ngành không phải sở trường. Ví dụ, Đại học Điện lực tuyển bổ sung ở nhiều ngành, trong đó có cả Quản trị du lịch khách sạn, Quản trị doanh nghiệp chất lượng cao, Tài chính ngân hàng… Đại học Thủy lợi tuyển bổ sung cho cơ sở 2 ở TP HCM và Bình Dương. Đại học Ngoại thương tuyển cho cơ sở ở Quảng Ninh.

Chia sẻ với VnExpress ngày 4/9, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết các ngành đào tạo đã cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu. Đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trường chỉ còn 119 suất cho các ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Công tác xã hội, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất. Sau 7 ngày của đợt đăng ký nguyện vọng 2, tuy chưa nắm số lượng cụ thể hồ sơ nộp vào nhưng Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội lạc quan với tình hình tuyển sinh năm 2015.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tuyển bổ sung 220 chỉ tiêu, nhưng đến ngày 1/9 đã có 232 hồ sơ nộp vào. Điểm nhận hồ sơ bổ sung của trường này chỉ từ 16 (ngành Công tác Thanh thiếu niên từ 18) nhưng không ít thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào đây có điểm số khá cao, 21-24,25.

thi-sinh-dang-ky-xet-tuyen-NV2-7935-1441343335

Đợt đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung kéo dài từ 26/8 đến 7/9. Trong khi các đại học công lập đã “hòm hòm” hồ sơ thì nhiều trường dân lập vẫn thiếu trầm trọng. Ảnh minh hoạ: Quỳnh Trang.

Đại học Điện lực tuyển 900 chỉ tiêu cho cả hệ đại học và cao đẳng nhưng sau một nửa thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ.

Đại học Văn hoá Hà Nội tính đến 1/9 còn 6 ngày nữa mới kết thúc đợt đăng ký nguyện vọng 2 đã nhận được 234 hồ sơ trên tổng số 290 chỉ tiêu bổ sung cho hệ đại học và cao đẳng.

Đối lập với tình hình nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 của các đại học công lập, nhiều đại học dân lập vẫn chỉ có lác đác thí sinh đến đăng ký.

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển đến hơn 4.600 chỉ tiêu cho hệ đại học và cao đẳng trong đợt bổ sung nhưng đến 1/9 mới nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Hiệu phó nhà trường Vũ Văn Hoá cho biết, con số này chắc chắn có không ít hồ sơ ảo nên nhà trường vẫn lo lắng khó tuyển đủ số người học.

Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu trầm trọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, theo hiệu phó Hoá là sự bất hợp lý trong quy định một mức điểm sàn chung cho tất cả trường top trên – giữa – dưới. “Nếu trường công lập top trên có điểm sàn trên 20; top giữa là 17-20; đại học top dưới là 15 thì học sinh sẽ chủ động được việc đăng ký vào trường thích hợp”, ông Hoá nói.

Đại học dân lập Phương Đông tuyển trên 1.400 chỉ tiêu trong đợt bổ sung nhưng sau nửa thời gian xét tuyển mới có hơn 200 hồ sơ nộp vào. Nhiều trường dân lập mới thành lập, hoặc nằm ở tỉnh thành xa cũng trong tình trạng không tuyển được thí sinh.

Duy có Đại học Thăng Long có vẻ “tươi sáng” hơn, đến nay trường đã nhận được gần 800 hồ sơ trên tổng số hơn 900 chỉ tiêu bổ sung. Trưởng phòng Đào tạo Trần Hoàng Diễm Ngọc cho biết, số thí sinh đến đăng ký xét tuyển vào trường khá ổn định, mỗi ngày khoảng 100-200. Do đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ có những hồ sơ ảo vì thí sinh cùng lúc được nộp vào 3 trường nên Đại học Thăng Long sẽ gọi nhập học với số lượng cao hơn chỉ tiêu để trừ số ảo.

Quỳnh Trang (VNEXPRESS.NET)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *