Tham luận: Nâng cao chất lượng Đào tạo Tín chỉ

VẤN ĐỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

GVC.ThS. Lê Thị Thu Hà

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo UNESCO – Tổ chức Giáo dục và Khoa học của Liên hợp Quốc – xác định “Bốn trụ cột” của học tập ở bậc đại học là: Học để biết (Learning to know); Học để chung sống (Learning to live together); Học để làm việc (Learning to do) và Học để làm người, để tồn tại (Learning to be). Sản phẩm của sản xuất hàng hoá là giá trị của hàng hóa được quy đổi bằng tiền hoặc những sản phẩm tương đương trong khi đó sản phẩm của giáo dục là những con người có khả năng tạo dựng cuộc sống cho bản thân mình, đáp ứng những yêu cầu xã hội, hội nhập cuộc sống. Đào tạo giáo viên tiểu học nhằm đạt được sản phẩm là những người giáo viên năng động, sáng tạo phục vụ cho dạy và học ở trường tiểu học ngày càng có chất lượng hơn, thì vai trò và phương pháp của người giảng viên ở trường đại học đóng một vai trò quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù người Thầy có nỗ lực đến bao nhiêu chăng nữa, mà người học không nỗ lực vận động bản thân thì không thể có kết quả tốt được. Vì vậy, đào tạo giáo viên theo học chế tín chỉ như là “đi tắt, đón đầu” đáp ứng tốt nhất nhu cầu và khả năng người học, nhưng phải lấy “tự học làm cốt” (Bác Hồ); đòi hỏi người thầy truyền cho người học khả năng tự học, tự nghiên cứu. Phương pháp tư duy tốt tạo sự nhận thức tốt, còn phương pháp tư duy tồi tạo suy nghĩ sai lạc (lý thuyết siêu nhận thức).

I. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY:

Vai trò của người Thầy trong giáo dục đại học nói chung và trong đào tạo theo tín chỉ nói riêng thì vẫn không ngoài câu cửa miệng của nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay: “Không thầy đố mầy làm nên”. Điều quan trọng ở chỗ, người dạy đã thể hiện vai trò “Trọng tài”; “Người tổ chức”; “Tướng lĩnh”; “Hướng dẫn viên”; “Người lái đò”; “Kỹ sư tâm hồn”; … trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như thế nào. Vai trò người thầy hết sức quan trọng vì đã định hướng được cho người học những khả năng tư duy tự học, tự nghiên cứu để phát triển vượt bậc về mọi mặt. Người dạy giữ vai trò “ngoại lực” để tác động vào “nội lực” – tiềm thức của người học tạo ra sản phẩm tư duy mới; dám thay đổi cái cũ và tiếp nhận, sáng tạo cái mới; nên dạy cái người học cần chứ không phải dạy cái mình có – nghĩa là dạy phù hợp đối tượng. Cần thấu đạt quan điểm về học một cách tường minh và phải làm cho người học hiểu rõ vấn đề học:

– Học là việc của người học chứ không phải việc của người dạy. Không ít những sinh viên vẫn còn ỷ lại “chờ” việc dạy của thầy đã rồi mới học.

– Mỗi cá nhân học được khi tự bản thân họ trả lời được các câu hỏi, ngoài ra sinh viên còn phải biết luôn tự đặt những câu hỏi cho từng vấn đề và tìm cách để giải quyết vấn đề đã đặt ra.

– Giảng viên luôn là người tạo ra những cơ hội học tập cho sinh viên.

Như vậy, người thầy cần dạy cách tự học – đây là một trong những yêu cầu của đào tạo theo học chế tín chỉ- và cần có những tố chất như sau:

1. Biết rõ nội dung chuyên môn của mình và biết phải dạy nội dung đó như thế nào. Dạy cho sinh viên khả năng tự học bằng cách yêu cầu trả lời những câu hỏi: Học cái gì? Học ở đâu? Học khi nào? Học như thế nào? Học cái này để làm gì? Học với ai? Thái độ của mình khi tiếp thu những vấn đề này? Đưa ra được những câu hỏi “mở” trong quá trình làm việc với người học (câu hỏi “mở” là câu hỏi có nhiều đáp án đúng; nhiều khả năng trả lời; nhiều phương án lựa chọn đúng).

2. Biết lập kế hoạch, cách thức tiến hành, lập được các báo cáo để việc học có hiệu quả kết hợp giữa lý luận và thực tiên công tác của sinh viên; điều này là cơ sở của việc đánh giá, trình bày các báo cáo về đánh giá và tự đánh giá trong công tác đào tạo, giảng dạy.

3. Giao tiếp có hiệu quả với các sinh viên – Mọi thành công của công việc đều bắt đầu từ việc giao tiếp có hiệu quả (“Khéo bán khéo mua thua người khéo nói”). Việc giảng dạy thành công trên cơ sở tương tác tạo dựng giao tiếp thành công. Đối với đào tạo giáo viên tiểu học thì người thầy trao truyền khả năng giao tiếp là rất quan trọng vì cần phải dạy cho học sinh tiểu học khả năng giao tiếp.

4. Hiểu được lý thuyết “đa thông minh” và “siêu tư duy”, vận dụng được các lý thuyết đó một cách hiệu quả trong quá trình giảng dạy để phát triển khả năng thông minh của người học. Cần phải dạy cho người học khả năng tư duy linh hoạt trong quá trình tiếp thu kiến thức mới. Biết cách chế biến và sử dụng linh hoạt nguồn tri thức của mình trong quá trình giảng dạy và hành nghề.

5. Không ngừng trau dồi, hoàn thiện kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, thực hành. Người dạy không chỉ “biết 10 dạy 1” mà còn biết cách tổ chức, hướng dẫn sinh viên có khả năng học 1 biết 10, biết cả trăm – thậm chí có thể làm được những việc thầy không thể kiểm tra được- và cũng không nhât thiết phải kiểm tra; thông thạo các lĩnh vực được học lý thuyết và vận dụng khai thác thực hành, thực tập trong từng lĩnh vực mà sinh viên đang công tác.

6. Luôn là người tích cực cộng tác với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn cũng như trong cộng đồng. Thành công của mỗi người phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp với đồng nghiệp, hoạt động theo phương cách “chúng ta cùng thành công”. Người thầy giáo tốt nhất của người học là khi thầy đã tìm được câu trả lời từ phía người học; “Tôi học tốt nhất khi…” đó là:

Thầy có khả năng “bắc dàn” liên kết các kiến thức từ trước với vấn đề đang xem xét. Điều quan tâm không chỉ ở chỗ “Dạy cái gì” mà còn “Dạy như thế nào” nhằm khởi động được kiến thức trước đó kết nối với kiến thức sau; tạo cơ hội để sinh viên thảo luận với bạn bè về lĩnh vực vừa được tiếp thu; bài giảng thật sự cuốn hút và khích lệ, sinh viên thoải mái để tiếp nhận những kiến thức mới; không bị gò ép và căng thẳng. Thầy cung cấp cho sinh viên hệ thống câu hỏi – mà cũng có thể gợi ý để họ tự đặt ra câu hỏi cho từng nội dung bài học; chỉ cho họ những kỹ năng và yêu cầu cần thiết phải thực hiện được; tạo đủ thời gian làm chủ kiến thức để họ tham gia một cách tích cực vào hoạt động học tập. Thầy  để sinh viên hiểu vấn đề bằng cách riêng của họ; nếu có giải thích gì thì tuỳ theo từng đối tượng mà phù hợp với phương pháp tiếp thu của sinh viên đó.

7. Chú ý rằng, trí thông minh mang tính xúc cảm ai cũng có nhưng làm sao để phát huy nó mới là điều đáng quan tâm. Nhiệm vụ của người giảng viên là phải tạo ra được môi trường lành mạnh đầy những hứng thú để người học học tập theo nhu cầu và khả năng của bản thân; đặc biệt là sự quan tâm làm cho  người học phát huy xúc cảm, phát triển trí thông minh.

8. Quan niệm về “giáo viên giỏi” như thế nào để lấy đó làm gương phấn đấu. Theo Bác Hồ, người giáo viên giỏi là người giáo viên vô danh trên mặt trận giáo dục; không có giấy khen, bằng khen hay bất kỳ giấy chứng nhận nào của cấp trên, của lãnh đạo… Theo chúng tôi, ngoài những điều như Bác Hồ đã dạy, thì người giáo viên giỏi là người biết cách dạy cho học sinh luôn tự chứng minh được chính họ giỏi dang. Hay khác đi, thầy giáo giỏi là người thầy được chính người học công nhận và ca ngợi sự giỏi của thầy chứ không phải chỉ là cấp trên, lãnh đạo công nhận.

II. NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI HỌC

Theo quan điểm của Socrater: “Tri thức của một người không thể trở thành tri thức của người khác nếu như người đó không tự học lấy”. Dù thầy có giỏi bao nhiêu, nhưng nếu học trò không học lấy phương pháp tiếp cận tri thức, không tự nỗ lực vươn lên thì không thể thay đổi được tình hình. Tự học là một quá trình hoạt động nhận thức đặc biệt của con người mà mỗi cá nhân phải tự đúc kết, rèn tập và tự tìm ra phương pháp cho riêng mình. Có thể tóm gọn lại thành 5 ý như sau: nghe và nhìn (my self); có cách học (method); tranh thủ thời gian (save time); tạo cơ hội giao tiếp (made conversation); tự đánh giá sự nhận thức và hành động của bản thân.

Có các loại tri thức khác nhau và mức độ khác nhau trong nền học vấn của mỗi người. Có thể xem như 3 loại: Tri thức kinh nghiệm; Tư liệu; Phương pháp.

Tri thức kinh nghiệm của một người là do người đó tự học mà có. Học một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày để làm “vốn” cho bản thân. Tri thức tư liệu ở trong sách vở, tài liệu, phim ảnh, trên mạng … có thể tự người ta tìm kiếm nhưng cũng có thể học qua người hướng dẫn để có kết quả nhanh hơn. Tri thức phương pháp là loại tri thức bậc cao. Nhờ có phương pháp tìm kiếm thông tin, người ta tìm kiếm được nhanh hơn. Nhờ phương pháp nghiên cứu thực tế và phương pháp học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, sẽ trở nên giỏi giang nhanh chóng hơn. Theo Các Mác, “mọi thứ tiết kiệm đều quy về tiết kiệm thời gian” (Suy nghĩ về những câu Mác trả lời con gái). Hy vọng với cách người thầy truyền thụ cho người học tri thức về phương pháp (phương pháp tư duy, phương pháp hành động và phương pháp tư duy của tư duy – siêu tư duy) để họ có khả năng phát triển bản thân nhanh hơn về mọi mặt – nhất là khả năng học tập từ khi họ còn là sinh viên.

Người học biết cách lập bảng “Thế mạnh – Điểm yếu – Cơ hội – Thách thức” của chính mình để từ đó mỗi người nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu, mục tiêu và điểm khó khăn khi tiếp cận một vấn đề cụ thể. “Người học phải lấy tự học làm cốt; 9/10 thành công của công việc là do kiểm tra”(1). Việc người học đạt hiệu quả bao nhiêu là do sự tự học của người ấy, do sự tự kiểm tra và tự đánh giá kết quả của bản thân trước khi thầy cô giáo kiểm tra. Vì vậy, người học nên:

1. Linh hoạt, chủ động trong mọi việc, biết lập kế hoạch và chú ý trọng tâm trong suốt quá trình học tập và thao tác. Sử dụng hợp lý thời gian để cân bằng các hoạt động của bản thân mình. Việc nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã vạch ra trong quá trình học tập góp phần tu dưỡng đạo đức tác phong của người sinh viên.

2. Tự tu dưỡng và rèn luyện mình trong mọi hoạt động tiếp thu và sử dụng, vận dụng kiến thức; luôn tự kiểm điểm, đánh giá mình kể cả tinh thần lẫn kết quả công việc trong từng bài hoc, bài kiểm tra, trong từng khoảng thời gian nhất định về những sản phẩm cụ thể.

3. Hiểu biết thông thạo về hai lĩnh vực tin học và ngoại ngữ, có như vậy, sinh viên mới có thể làm chủ bản thân trong học tập và giao tiếp. Trong thực tế đời sống hiện nay, chúng ta đang sống trong xã hội đầy biến động của thời hội nhập cả tinh thần lẫn vật chất; thì tin học và ngoại ngữ không chỉ giúp chúng ta đưa cả thế giới về mình; mà còn tạo dựng khả năng kết nối nhiều mối quan hệ và chí ít thì cũng khỏi trở thành khuyết tật (câm, điếc) trước bất kỳ một người ngoại quốc nào.

4. Có khả năng ứng dụng phương pháp giải quyết vấn đề (Problem solving methol) và xây dựng được năng lực giải quyết vấn đề (Problem solving ability). Chính điều này là chìa khoá giúp người học chủ động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện việc học tập suốt đời.

5. Cần chú trọng học tập kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau; đọc thật nhiều loại sách báo thêm thông tin về nhiều lĩnh vực giúp cho cuộc sống dạy học ở trường tiểu học. Học sinh tiểu học đa dạng vể tư duy, hoàn cảnh sống và … Nếu chúng ta không thông hiểu cách giao tiếp hiệu quả, cũng không có đủ thông tin, tri thức để có thể giúp cho việc dạy học nói chung và trả lời những câu hỏi ngây thơ ngộ nghĩnh nói riêng thì sẽ làm cho học sinh chán và dẫn đến nhiều bất lợi cho nghề nghiệp. Vì thực tế, “Sai lầm lớn nhất của ngành giáo dục trong nhiều thế kỷ qua là xem học sinh như chúng là những biến thể của một cá nhân bất biến và do vậy cảm thấy đúng khi dạy tất cả học sinh nhiều môn học giống nhau theo kiểu giống nhau” (Gardner, 1994, trang 564) [5].

Người ta đã xem học sinh như những “cá thể bất biến”, và do đó đã dạy dỗ theo kiểu giống nhau với cùng những kiến thức giống nhau, không có khả năng phân biệt đối tượng, chương trình để lựa chọn phương pháp dạy cho phù hợp và dẫn đến“Dạy những trí tuệ đầy khao khát này trong một lớp học bình thường mà không nâng cao thì khác nào cho 1 chú voi mỗi bữa 1 cọng cỏ. Bạn sẽ làm chúng chết đói [6].

6. Đừng dấu dốt và sĩ diện hão, sự trung thực là “thà dốt 5 phút còn hơn ngu cả đời, thà dốt trước một số người còn hơn ngu trước thiên hạ”[6]. Sinh viên tự tin ở bản thân mình để luôn chia sẻ thông tin và nhằm tăng cường sự hiểu biết, phát triển, không những không bị thụ động mà còn phải luôn chủ động đối mặt với thách thức để tạo ra sự khác biệt, gây ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Sinh viên xác định được “đôi chân” của mình khi đứng giữa trường đời là “Bản lĩnh, Trí tuệ và Năng động” hay “Tự tin, Thông minh và Sẵn sàng”[7].

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

3.1. Những vấn đề chung:

– Hệ thống tín chỉ gắn liền với xu thế “phi tập trung hóa” trong hệ thống giáo duc đại học- nó trái ngược với những suy nghĩ trước đây học tập trung.

– Theo nội dung yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc xây dựng  chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành tại Số 9404/BGDĐT- GDĐH ngày 08/10/2008 về việc điều chỉnh chương trình đào tạo đã gửi các Trường Đại học, thì tổng khối lượng kiến thức toàn khóa (không kể GD thể chất và GD quốc phòng) phải đảm bảo ít nhất như sau:

+ Cao đẳng 3 năm: 168 đơn vị học trình (112 tín chỉ);

+ Đại học 4 năm:   198 đơn vị học trình (132 tín chỉ)…

Về mục tiêu đào tạo của chương trình đào tạo cần thể hiện rõ:

+ Về kiến thức: phải nêu được những kiến thức xã hội và kiến thức nghề nghiệp sinh viên sẽ đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.

+ Về kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp: phải nêu được cụ thể các yêu cầu về kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp của sinh viên khi tốt nghiệp.

+ Về khả năng công tác: Phải nêu được các vị trí công tác của sinh viên sau khi ra trường, họ có thể làm được ở những vị trí nào …  [8]

3.2. Đặc điểm chung của hình thức đào tạo theo tín chỉ

Đầu mỗi học kỳ, Nhà trường tạo điều kiện để sinh viên được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo. Việc ghi tên của sinh viên không bị giới hạn hoặc ràng buộc trong chuyên ngành của họ mà còn cần học các môn học khác lĩnh vực. “Lớp học truyền thống” bị phá vỡ và được thay thế bằng “lớp theo môn học”, số lượng sinh viên tối thiểu của từng lớp được Hiệu trưởng quy định, nếu số lượng sinh viên đăng ký thấp hơn số lượng tối thiểu thì lớp học sẽ không được tổ chức và sinh viên phải đăng ký chuyển sang học những học phần khác có lớp, nêu schwa đảm bảo đủ quy định về khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kỳ. Sinh viên được phép đăng ký khối lượng học tập nhưng cũng được phép rút bớt học phần đã đăng ký trong phạm vi quy chế cho phép; đồng thời cũng được phép đăng ký học lại[9].

Việc đánh giá kết quả học tập, hệ thống tín chỉ dùng cách đánh giá thường xuyên, tính điểm trung bình chung học kỳ và tính điểm trung bình chung tích lũy, nhờ đó tạo điều kiện cho sinh viên nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao trong những học kỳ sau.

Đối với đào tạo giáo viên tiểu hoc, sinh viên đa dạng về hoàn cảnh sống nên việc tích lũy kiến thức theo hệ thống tín chỉ là rất phù hợp.

3.3. Ưu điểm chính của học chế tín chỉ

– Cho phép sinh viên chủ động thiết kế kế hoạch, được quyền lựa chọn cho mình tiến độ học tập thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng của bản thân để tích luỹ kiến thức và kỹ năng để có văn bằng. Điều này còn đảm bảo cho quá trình đào tạo trong các trường đại học trở nên mềm dẻo hơn.

– Cho phép ghi nhận cả những kiến thức và khả năng tích luỹ được ngoài trường lớp để dẫn tới văn bằng, khuyến khích sinh viên từ nhiều nguồn gốc khác nhau có thể tham gia học đại học một cách thuận lợi – Không nhất thiết học trong trường. Có thể nói đây là một công cụ quan trọng để chuyển từ nền đại học mang tính tinh hoa (elitist) sang nền đại học mang tính đại chúng (mass).

– Cho phép sinh viên thay đổi thời gian trong tiến trình học tập khi thấy cần, không phải nhất thiết theo kế hoạch từ đầu tùy theo điều kiện và khả năng của từng người. Sinh viên có thể chủ động ghi tên học các học phần khác nhau dựa theo những qui định chung về cơ cấu và khối lượng của từng lĩnh vực kiến thức.

– Học chế tín chỉ cung cấp cho các trường đại học một ngôn ngữ chung, tạo thuận lợi cho sinh viên khi cần chuyển trường cả trong nước cũng như ngoài nước.

– Đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo: kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần chứ không phải theo năm học. Chính vì vậy giá thành đào tạo theo học chế tín chỉ thấp hơn so với đào tạo theo niên chế.

– Triển khai học chế tín chỉ, các trường đại học lớn đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho sinh viên nhiều trường, nhiều khoa, tránh các môn học trùng lặp ở nhiều nơi; ngoài ra sinh viên có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng môn học. Kết hợp với học chế tín chỉ, nếu trường đại học tổ chức thêm những kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học tích lũy được bên ngoài nhà trường hoặc bằng con đường tự học để cấp cho tín chỉ tương đương, nhanh cho kết thúc một văn bằng đại học, tiết kiệm thời gian cho người học.

IV. KẾT LUẬN

Như vậy, rõ ràng học chế tín chỉ mang lại nhiều lợi ích trong công tác đào tạo, nó làm cho sinh viên chủ động hơn trong hoạt động học tập, đặc biệt nó tạo tác phong công nghiệp đối với mọi hoạt động của nhà trường, từ sinh viên đến giảng viên, vì mọi hoạt động đào tạo trong trường phải được khớp nối đúng thời gian và địa điểm. Tuy nhiên, việc triển khai học chế tín chỉ tạo nên bước chuyển khá đột ngột do phương pháp giảng dạy và các hoạt động khác từ học chế tín chỉ đòi hỏi. Hơn nữa, học chế tín chỉ làm cho mức độ tự do của giảng viên giảm nhiều vì họ phải được gắn với các giờ học và lớp học xác định phân bố trong suốt cả học kỳ, rất khó bố trí tập trung thời gian cho các hoạt động khác ở ngoài trường. Từ đó cần có những vận động đổi mới trong công tác quản lý để hoạt hóa sinh viên và nâng cao trách nhiệm của giảng viên thì việc triển khai học chế tín chỉ mới thuận lợi.

Sự nghiệp giáo dục thành công hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào phương pháp của người dạy, sự nỗ lực của người học và những điều kiện khác. Dạy – học trong đào tạo theo tín chỉ là một lộ trình tốt để quá trình dạy – học đạt hiệu quả cao nhất; tạo động lực phát huy mạnh mẽ nội lực của mỗi thành viên tham gia. Thầy giáo luôn “lấy người học làm trung tâm” hay “chủ động hoá người học” trong quá trình truyền đạt kiến thức. Thầy dạy cho sinh viên cách tự học và cho họ những kiến thức cốt lõi mà cuộc sống cần nghĩa là “đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội”. Hãy tìm cách để thắp sáng ngọn đèn trí tuệ trong mỗi cái đầu chứ đừng đổ đầy “nhiên liệu” vào đầu vì chúng không những không thắp sáng được gì mà lại còn làm thui chột khả năng sống của người học; trong khi học theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi người học luôn phải linh động linh hoạt khi tiếp thu và sử dụng kiến thức của mình; hãy dạy cho sinh viên sử dụng lý thuyết đa thông minh một cách hiệu quả nhất. Người giảng viên tinh thông chuyên môn là điều kiện tiên quyết để vận dụng giảng dạy đạt chất lượng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.GS Jan – Bài giảng cho lớp Bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình Dự án phát triển giáo viên Tiểu học) tại trường ĐH New England, Armidale – New South Wales- Australia.

2.GS Linley – Bài giảng cho lớp Bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình Dự án phát triển giáo viên Tiểu học) tại trường ĐH New England, Armidale – New South Wales – Australia.

3.UNE – University of New England – Bạn thuộc dạng thông minh nào?

4. Lê Thị Thu Hà: Những quan điểm chính trong dạy và học của Australia- Tạp chí Dạy và học ngày nay Số tháng 9/2007.
[5], [6]. Chương trình cho Dự án phát triển giáo viên Tiểu học năm 2007 tại Australia.

[7]. Bài học của sinh viên trường Đại học Quảng Bình hiện đang học tại Thái Lan.

[9]. Quy chế đào tạo Đại học, Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *