So ánh ấn phẩm y học Việt Nam và Thái Lan

SO SÁNH ẤN PHẨM Y HỌC VIỆT NAM VÀ THÁI LAN

Một trong những nước tôi thích so sánh với Việt Nam là… Thái Lan. Họ cũng rất thích so sánh giữa họ với ta, vì họ biết trong rất nhiều lĩnh vực họ hơn ta. Nhưng tôi vẫn theo dõi những ấn phẩm khoa học của họ trong thời gian gần đây xem ta và họ cách nhau bao xa, có thu hẹp khoảng cách hay chưa. Nhân ngày y tế 27/2, xin trình làng vài con số dưới đây.

Tôi lấy cái mốc 1975 để làm so sánh. Thời gian phân tích là từ 1975 đến 2011 (tức 36 năm). Tôi dùng dữ liệu của ISI Web of Science. Những số liệu trình bày dưới đây chỉ tính số “articles”, chứ không tính các bài như review hay abstracts / proceedings.

Về số lượng, trong 36 năm qua, Việt Nam công bố được 3.173 công trình về y sinh học. Trong cùng thời gian đó, Thái Lan công bố 22.246 công trình, tức cao hơn ta gấp 7 lần. Khoảng 2/3 tổng số bài báo từ Việt Nam và 54% tổng số bài của Thái Lan là công bố trong vòng 5 năm qua. Con số này cho thấy nghiên cứu y sinh học Việt Nam chỉ mới phát triển trong thời gian 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, Biểu đồ 1 cho thấy khoảng cách giữa ta và Thái Lan càng lúc càng lớn hơn, nhất là trong thời gian gần đây.

Nhưng đó là cách so sánh con số tuyệt đối, còn con số tương đối thì có phần… đỡ tủi hơn. Biểu đồ 2 là tỉ lệ số bài báo Việt Nam trên số bài báo Thái Lan từ 1975 đến 2011. Cho đến năm 1993, số bài báo y sinh học Việt Nam chỉ bằng <5% số bài của Thái Lan. Phải đợi đến năm 1997 trở đi (tức sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mĩ) số bài báo của ta mới bằng ~18-20% của Thái Lan. Nhưng Biểu đồ 2 cho thấy một xu hướng đáng ngại khác là tỉ số Việt Nam : Thái Lan có vẻ dừng lại ở 0.2 (tức 20% số bài của Thái Lan) trong suốt 5 năm qua, mà chưa có dấu hiệu gia tăng.

Lĩnh vực nghiên cứu

Nói chung phần lớn nghiên cứu y sinh học Việt Nam tập trung vào 10 lĩnh vực chính liên quan đến y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm. Chỉ riêng 3 lĩnh vực y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới đã chiếm hơn 40% số bài báo y học Việt Nam! Thái Lan có xu hướng nghiên cứu những lĩnh vực “công nghệ cao” hơn ta. Thế mạnh của họ là miễn dịch học (rất thời thượng hiện nay), dược học, và y tế công cộng (ba lĩnh vực này chiếm gần 1/3 số bài báo y sinh học của Thái Lan).

Những trung tâm hàng đầu

Biểu đồ 3 và 4 trình bày 10 trung tâm có số ấn phẩm y khoa nhiều nhất của Việt Nam và Thái Lan. Trung tâm có số ấn phẩm y khoa nhiều nhất của Việt Nam không phải… của Việt Nam: đó là Đại học Oxford. Số bài báo từ trường này (qua hợp tác với Việt Nam) chiếm ~10% tổng số bài báo y khoa từ Việt Nam, chủ yếu hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM! Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội có số bài báo đứng hạng 2, kế đến là ĐH Y Hà Nội và Viện Karolinska (chủ yếu qua hợp tác với ĐH Y Hà Nội).

Ở Thái Lan tình hình khác hẳn. Gần 40% số bài báo y khoa từ Thái Lan xuất phát từ ĐH Mahidol. Ba đại học khác cũng có nhiều bài báo y khoa là: Chulalongkorn, Chiang Mai, và Khon Kaen.

Tóm lại, nghiên cứu y khoa (như phản ảnh qua số ấn phẩm khoa học) của Việt Nam còn kém khá xa so với Thái Lan. Tuy trong thời gian gần đây, khoảng cách tương đối có phần gần hơn, nhưng vì xu hướng chững lại, nên khoảng cách tính bằng con số tuyệt đối thì lại càng ngày càng cách xa. Nghiên cứu y khoa của Thái Lan thường tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao hơn Việt Nam. Nhiều nghiên cứu của Thái Lan là do “nội lực” (như thể hiện qua phần lớn ấn phẩm là từ các đại học lớn của Thái Lan), còn ta thì chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của nước ngoài, đặc biệt là ĐH Oxford của Anh. Do đó, có tình trạng trớ trêu là trung tâm có nhiều ấn phẩm y học nhất không phải của Việt Nam!

Một phân tích sau, khi có thì giờ, tôi sẽ trình bày vài chỉ số về chất lượng để cho thấy chúng ta vẫn phải cần phấn đấu nhiều hơn nữa mới bằng Thái Lan.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn – Nguồn: nguyenvantuan.net

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *