Người già trong xã hội Việt Nam hiện tại và những vấn đề cần quan tâm

(Bài đã đăng tại Hội thảo Quốc tế Việt Nhật 23- 29/12/2008 Trường Đại học Sài gòn- Trường Đại học OSAKA- Nhật bản)

GVC. Ths.Lê Thị Thu Hà

Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới

TÓM TẮT

Cuộc đời của mỗi con người chúng ta, nếu bình thường sẽ luôn tuân theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Ai sống rồi cũng chỉ để mong đến lúc được “chết sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình”(1), xem cái chết như là một cuộc đi chơi… Đã từng có lời khuyên cho người con mới ra đời: “Khi con sinh ra mọi người cười còn con thì khóc. Con hãy sống sao để đến lúc con chết đi, mọi người khóc mà con thì cười”. Để có được những kết quả như vậy, con người ta không dễ một vài suy nghĩ hay hành động là xong. Thời gian của lịch sử là vô tận vô biên còn thời gian của đời một người thì chỉ “gang tay”. Khoảnh khắc thời gian bé nhỏ của một người nào có được “dính” vào “chuỗi” vô hạn của lịch sử nhân loại ấy hay không, là điều chúng ta cần quan tâm. Trong thâm tâm, chúng tôi mong muốn mọi người nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh và hãy bắt đầu cuộc sống ngay từ tuổi ấu thơ.

I. MỘT SỐ HIỂU BIẾT VỀ NGƯỜI GIÀ

Người già, theo từ điển Tiếng Việt(2), là người ở vào tuổi có những hiện tượng sinh lý yếu dần, trong giai đoạn cuối của quá trình sống tự nhiên. Mọi người đều có thể hiểu về “tuổi già”, nhưng giới hạn của tuổi già phân định như thế nào, cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Trong thực tế, có điều bất cập: Có người chỉ mới 40 – 50 tuổi nhưng cứ ngỡ rằng họ đã già lắm vì tóc bạc răng long, da nhăn nheo lại không khoẻ mạnh; có người đã 65 – 70 tuổi, trông họ rất sung sức phương phi cường tráng, cơ bắp săn chắc, răng trắng và tóc đen nhánh. Vì vậy các nhà khoa học đã dùng 5 cách tính tuổi của con người để làm căn cứ xem xét (3):

1. Tuổi lịch ngày (hay còn gọi là tuổi tự nhiên); Là tuổi tính theo thời gian từ khi sinh ra dịch chuyển theo thời gian tăng dần, sống thêm 1 năm là tính thêm 1 tuổi.

2. Tuổi sinh lý: Là tuổi mô tả mức độ khoẻ mạnh sinh lý của người đó. Ở giai đoạn phát triển, trưởng thành hay suy lão, thì được tính toán theo mức độ lão hoá của các cơ quan nội tạng của cơ thể.

3. Tuổi tâm lý: Là tuổi chỉ khả năng của trí nhớ, khả năng hiểu biết, cách phản ứng, thể hiện tính cách, theo tình hình tâm lý và mức độ nhạy cảm đối với sự vật mới.

4. Tuổi ngoại hình: Là tuổi thể hiện tình hình tướng mạo, nhan sắc, thể thái năng lực hoạt động của con người.

5.  Tuổi xã hội: Là thời gian cống hiến cho xã hội. Có thể nói, tuy đã đến lúc nghỉ hưu nhưng có người vẫn đang sung sức, năng nổ, tháo vát trong mọi việc cống hiến cho xã hội, có nghĩa là tuổi xã hội đã kết thúc; họ vẫn đang “phát huy tác dụng”.

Trong cuộc sống, một mặt chúng ta bị chi phối bởi cuộc sống gia đình – đó là bản sắc văn hoá của người Việt Nam, mặt khác phải tuân thủ theo những hoạt động mang tính tập thể;  lại có những nhu cầu thiết yếu mà không thể không tính đến. Có người sống trong tuổi già nhưng đang “còn đôi, còn lứa”, thật may mắn cho những người như vậy. Trông họ thật hạnh phúc và như người ta vẫn gọi họ là “bách niên giai lão”. Người chịu “đơn chiếc” trong cảnh gia đình với con cháu, chỉ còn lại một mình vì giữa đường bị “đứt gánh tương tư”. Sống vui vầy với con cháu nhưng chắc họ cũng có suy tư phải chịu một mình. Có người chỉ muốn được ở trong các trại dưỡng lão – số này không nhiều; họ có người bạn già cùng môi trường trại dưỡng lão và vui với tuổi già cùng cảnh ngộ. Có người đành một thân một mình thui thủi đầu hôm sớm mai không biết nói chuyện với ai trong xó nhà, mặc dù nhà do mình xây cất – đã thế, lại còn bị con cái đến hành hạ đòi tiền – đó là một bà mẹ có con là liệt sỹ, nhưng lại bị con đẻ đòi tiền và quản chế, không được tự do, không được tiếp xúc với người ngoài. Có người vẫn tiếp tục công việc theo lịch trình một cách đều đặn thường xuyên như một cỗ máy không ngưng nghỉ – là thầy cô giáo đã một thời trên bục giảng, học trò và phụ huynh luôn tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía các thầy cô, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng thầy cô vẫn như người đưa đò qua sông cho khách là học trò không biết bao nhiêu thế hệ.

II. THỰC TRẠNG NGƯỜI GIÀ

2.1. Vị trí của người già

Ta thừa nhận quy luật của con người là “sinh”, “lão”, “bệnh”, “tử”; thì “sinh” và “lão” là hai giai đoạn phát triển hoàn toàn độc lập của đời sống con người. Thực tế, xã hội luôn có quan niệm “nước chảy xuôi” nên thường quan tâm chăm sóc trẻ (sinh) một cách cẩn thận và sẽ được hưởng các loại ưu tiên như chủ trương đường lối của Đảng. Sau một thời gian cống hiến tuổi thanh xuân, tuổi sung sức nhất của con người, khi đến “lão” sẽ là thế nào đây.

Có kẻ xem người già như là một gánh nặng của gia đình. Khi có khách đến thăm chơi hoặc do công việc phải tìm đến nhà, họ bảo với người già: “Thôi, Ông, Bà xuống bếp đi để tôi tiếp khách”?! Không ít người con đã đẩy cha mẹ ra đường sau khi cảm thấy cha mẹ không còn giúp được gì cho mình nữa. Người ngoài có khi cũng thờ ơ không can thiệp được vì nhiều lý do (“đèn nhà ai rạng nhà nấy”). Theo chúng tôi, thực ra vẫn chỉ là thiếu tình người trong xã hội hiện tại này mà thôi, còn trong phong tục tập quán (trong nền văn hoá) của người Việt Nam xưa có câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” hoặc “Bán chị em xa mua láng giềng gần; Anh em xa không bán, láng giềng gần phải mua” thì sẽ có ý kiến và sẽ bảo vệ được người già, cho dù đó là người già nhà ai.

Trải qua mấy mươi năm sung sức lao động, cống hiến cho công việc, cho xã hội và gia đình, đến lượt người già phải nghỉ. Nếu đã từng làm việc trong các cơ quan tổ chức nào đó, khi không làm việc nữa mà vẫn còn được nhận các chế độ gọi là lương, là nghỉ hưu. Đại đa số những người không có chế độ hưu, đời sống của họ thế nào? Có thể nói “trăm thứ bà rằn” phải lo. Năm 1980, chúng tôi chứng kiến một bà già mất, do ốm vì bị mất số tiền (187 đồng) bán rau góp lại để dành tuổi già. Thiết nghĩ, nếu con cháu không đến nỗi nào, góp lại và nói với bà tiền không mất thì chắc bà sẽ có thể không ốm, rồi cũng có thể kéo dài tuổi thọ. Có người lại bảo “Già rồi, không làm được gì, chết đi cho rảnh khỏi phiền con cháu!”. Tục ngữ thì có câu “Có bố mẹ già như của Ông Bà để cho”. Người ta cầu Phúc, Lộc Thọ làm gì khi mà không muốn có người già ở chung?!

Rõ ràng cần phải xem người già là một bộ phận tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, việc đối xử, đãi ngộ thì chưa được thoả đáng. Nhiều gia đình đã tỏ ra rất quan tâm chăm sóc chu đáo cả về tinh thần lẫn vật chất, các cụ rất thoải mái tâm hồn, cảm thấy mãn nguyện cuộc đời. Các cụ được trao đổi với con cái về mọi mặt của cuộc sống, đóng góp các ý kiến về mọi vấn đề một cách sâu sắc và được thừa nhận không chỉ trong gia đình, mà cả làng xóm, dòng tộc và các tổ chức xã hội mà người đó tham gia.

Không ít người bị người khác coi thường, không tôn trọng, thậm chí còn bị ngược đãi. Đã đến lúc cần phải có những cách nhìn, cách nghĩ để bảo vệ người già trong toàn xã hội nói chung và người già Việt Nam nói riêng. Vì có ai lại không mong mình sống trăm tuổi.

2.2. Giao tiếp của người già

Giao tiếp được xem như là một nhu cầu bản năng của con người, là điều kiện, là quy luật để xã hội hình thành, tồn tại và phát triển. Giao tiếp là cầu kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua giao tiếp mà mỗi con người đã trở thành một cá nhân, một nhân cách của xã hội. Thông qua giao tiếp mỗi con người đã xác định được vị trí của mình trong mối quan hệ xã hội. Từ đó con người nhận diện được chính mình, thấy được vai trò và trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân, xã hội. Từ đó con người tìm ra được chân lý của cuộc đời, đó là vì người khác mà ta sống và tồn tại. Chính vì lẽ đó, từ khi cất tiếng khóc đầu tiên cho đến lúc nhắm mắt kết thúc vòng đời thì nhu cầu giao tiếp luôn luôn là khát vọng của con người, đặc biệt là người già. Trong các mối quan hệ xã hội, người già là một mắt xích, một cầu nối, một tất yếu đối với các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Họ có thói quen giao tiếp nhiều nhưng lại ít có điều kiện để được giao tiếp. Họ có nhiều câu chuyện để nói, để trao đổi và bàn luận theo cách của họ. Thế mà, có khi không có người nghe. Thậm chí con cháu lại cho rằng: “Ông (bà) lẩm cẩm, biết gì mà nói…” Thực ra, người già là kho báu về kinh nghiệm sống, chúng ta nên khai thác kho báu trong sự phát triển hội nhập toàn nhân loại để có bản sắc riêng.

Người già thường có suy tư hướng nội. Họ nghĩ về những việc chưa làm được vì “lực bất tòng tâm”. Đây cũng là lý do vì sao người già ít ngủ, khó ngủ. Suy nghĩ về việc làm sao để con cháu trong gia đình phát triển, học hành tiến tới, làm ăn không thua kém ai; dòng họ phát triển để khỏi thua kém, khỏi thẹn với bạn bè; làm sao để nói cho nó “thông”. Những suy nghĩ này không phải ai cũng dễ dàng sẻ chia thông cảm.

Người có suy tư hướng ngoại luôn tích cực, chủ động và sẵn sàng cống hiến giúp đời, luôn thể hiện trách nhiệm với cuộc sống; giúp đỡ con cháu, bạn bè đồng nghiệp bằng cách đưa ra ý kiến, và có thể tham gia công việc luôn. Khi đưa ra ý kiến như vậy, họ sẽ phải đối mặt với 1 trong 2 khuynh hướng: 1. Được chấp nhận tham mưu đó – nếu được vậy thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao của họ. Họ sẽ rất vui vẻ; 2. Không được chấp nhận vì thiếu tính thời sự của thông tin và những vấn đề khác nữa, trong trường hợp này họ có buồn nhưng không mất đi tình cảm vốn có của họ đối với công việc. Thường họ vẫn rất nhiệt tình cho dù chọn hay không chọn phương án của họ. Họ lấy niềm vui cống hiến trong công việc là liều thuốc bổ cho cơ thể của họ, vì vậy cuộc sống của họ thường vui, an nhiên và nhiệt tình thoải mái. Họ có lòng tự trọng cao và có ý thức vượt lên số phận, sẵn sàng cống hiến bản thân mà không hề đòi hỏi đáp ứng bất cứ một điều gì về cái gọi là nhu cầu cá nhân. Đối tượng giao tiếp của người già thường là người bạn già với nhau; hoặc với con cháu; tạo ra các cuộc giao tiếp với các cháu nhỏ để có bạn chơi cùng. Đã có không ít những cặp già trẻ đã tạo ra người bạn giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày và giáo dục các cháu trưởng thành.

2.3. Tâm lý người già

Người luôn cho rằng mình là nhất, thời đại của mình có đóng góp công và chỉ có thời đó là nhất mà thôi. Họ như “công thần” và luôn coi thường người trong thời hiện tại. Họ đánh giá những người hiện tại là kém cỏi, không đáng được ghi tên, ghi danh. Thực ra “lão thành” này chưa thường xuyên cập nhật thông tin của thời đại mới. Họ có đóng góp nhất định trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, nhưng với cách nhìn thế hệ trẻ như thế là không công bằng, bởi vì chính thế hệ trẻ đã phát triển thành quả cách mạng đã một thời cống hiến của họ.

Người hay ỉ lại, hay yêu cầu con cháu giúp việc này việc kia nhưng như là một sự sai khiến, bắt buộc phải phục dịch cho mình. Có thể không đến mức … nhưng vì muốn được phục vụ nên họ đã có những yêu cầu bắt buộc con cái điều này điều khác. Trong trường hợp ấy, có gia đình con cái vẫn vui vẻ để thực hiện các yêu cầu của người già đưa ra, nhưng cũng không ít những gia đình rất khó chịu về hành vi của người già và đành phải xử sự “theo cách của các con”. Thực ra, đây chưa phải là cách giải quyết hay, mà có thể để lại gương xấu cho lớp trẻ trong việc đối xử với người già; nên chăng, cả già và trẻ đều nên tương đồng, tương ái.

Nhiều người già tự ti, mặc cảm không dám nói lên những suy nghĩ của bản thân và vì vậy họ sẽ rất khổ khi phải chịu những áp lực không cần thiết. Đây thực sự là một mâu thuẫn lớn trong đời sống của những người già ở Việt Nam thời hiện tại. Xin được đưa ra một ví dụ trong muôn vàn ví dụ minh hoạ nội dung này: Con mua (hoặc may) cho Bố, Mẹ bộ áo quần mới theo ý muốn của con. Bố Mẹ mặc vào thấy rất đẹp (ai cũng thừa nhận như vậy); nhưng Bố, Mẹ lại nói với con rằng con mua làm gì cho tốn tiền, Bố Mẹ mặc thế này là tốt lắm rồi. Ở người già luôn có mâu thuẫn giữa khát vọng tâm hồn và thực tế khách quan của bản thân. Rất có thể trong thâm tâm Bố, Mẹ cũng muốn có bộ quần áo đó để “diện”, để “khoe” với hàng xóm láng giềng về sự hiếu thảo của con mình, nhưng vẫn cứ nói ra câu từ chối các con như vậy. Chắc có lẽ do khi tuổi tác tăng lên thì các vấn đề về tâm lý, sinh lý cũng thay đổi theo. Các nhu cầu về tinh thần và vật chất của bản thân cũng thất thường, đặc biệt đó là lòng thương con vô hạn mà không muốn con cái quá chăm sóc mình để con đỡ vất vả hơn chăng?

Nhiều người trở nên rất khó tính, nhất cử nhất động của con cái đều phải một mực tuân thủ theo ý kiến chủ quan của người già. Trong những trường hợp đó, con cái đành phải tìm mọi cách để làm việc một cách dấu diếm, khi người già thấy thì coi như việc đã rồi. Vì vậy trong nhà thường hay có những trao đổi tranh luận nhưng không dám công khai, nhất là với những người già hay khó tính thì việc này lại càng phải dè chừng hơn rất nhiều.

2.4. Hoạt động của người già

Bản chất cuộc sống của con người là hoạt động. Nếu không hoạt động, ta không thể trao đổi chất, không thể phát triển được. Hoạt động của người già đã tạo nên sự hưng phấn mới mẻ trong tư duy của họ. Bản thân vốn đã có một truyền thống hoạt động rất tích cực khi mạnh khoẻ, do đó lúc già không đủ sức nữa nhưng thói quen hoạt động của họ vẫn còn. Vì  không làm được nên thói quen đó lại càng dục giã họ nhiều hơn, dẫn đến họ hay nói nhiều. Chẳng qua để nhằm truyền lại cho con cháu tri thức kinh nghiệm của bản thân mà thôi. Thế nhưng trong xã hội hiện tại này, con người Việt Nam vốn năng động, tháo vát dễ hội nhập đã không thể chấp nhận hết các ý kiến của người già được. Từ đó làm xuất hiện mâu thuẫn trong cuộc sống của gia đình có người già. Người trẻ thì cho rằng người già bảo thủ (tư duy theo lối cũ và bắt người khác cũng phải nghĩ như họ), người già lại cho người trẻ không biết tận dụng vốn sẵn có. Theo chúng tôi, thực ra nếu chịu khó trao đổi tâm tình thì chắc người già cũng đồng ý thôi. Tuy nhiên thời gian và các chi phối khác cũng khó để sắp xếp.

Trong cuộc sống hiện tại với tuổi già khi không còn tham gia lao động sản xuất, họ sẽ chơi với con cháu. Người không có con cháu đã trở nên cô đơn trong ngôi nhà của mình. Nếu vậy, sự già nua sẽ rất nhanh chóng. Họ có thể tham gia các hoạt động xây dựng cho dòng họ phát triển bằng những cách khác nhau: Tôn tạo lại nơi thâm nghiêm của cả dòng tộc, tổ chức viết gia phả, lập hội khuyến học để động viên con cháu trong họ học hành phát đạt phát triển (Dòng họ Nguyễn ở Xã Nghĩa An Huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định, Dòng họ Nguyễn ở Thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình và rất nhiều những dòng họ khác trên khắp đất nước Việt Nam…).

Có những người tiếp tục tham gia các công tác đoàn thể. Họ muốn cống hiến sức mình cho tập thể, cho tổ chức. Đã tham gia công việc họ cảm thấy rất hãnh diện, và do đó họ nỗ lực tận tâm để có được kết quả tốt đep mới thôi.

2.5. Nỗi lo của người già

Người già hay đau ốm, bệnh tật từ khi còn trẻ, bây giờ lúc sức khoẻ “xuống cấp” thì bệnh cũ nó trỗi lên. Khó có thể làm chủ được bản thân khi bị lâm bệnh. Khi gặp phải bệnh hiểm nghèo lại càng khiến họ lo sợ hơn. Đối với những người có đầy đủ điều kiện và chế độ vật chất thì việc ốm đau không thành vấn đề. Họ chấp nhận giai đoạn 3 của quy luật con người, đó là “bệnh” một cách tự nhiên, để nếu có chuyển sang giai đoạn 4 là  “tử” vẫn được coi “trời gọi ai, người đó dạ”. Còn với người không có chế độ gì, họ rất lo vì nếu ốm mà chết đi được, họ cho đó là phúc nhà lớn lắm. Nếu ốm mà không chết được là cả một gánh nặng khôn lường vì “đồng tiền bát gạo khó lòng” quá.

Mặt khác, nỗi lo sợ bị bỏ rơi, bị cô đơn. Càng sợ thì họ càng phải tìm kiếm, càng hay nói, đó chính là điểm gây khó chịu cho người trẻ. Nỗi sợ lớn nhất của người già lúc bấy giờ là sợ mọi người xa lánh, họ phải tìm kiếm các mối quan hệ, quan tâm của người khác. Điều này  giải thích vì sao người già cứ hay quan tâm những chuyện từ xa xưa; “Gíó sao gió mát sau lưng, Già sao già nhớ người dưng thế này”.

Người già luôn lo sợ sự nghiệp đã cố công xây dựng bấy lâu nay giảm sút. Tinh thần nỗ lực lao động để làm nên sự nghiệp của con cháu cũng bị mai một thì tuổi già không sao gây dựng lại được nữa, không có người chăm lo vì nhìn đâu cũng không thấy người đủ độ tin cậy để giao phó. Có trường hợp, về hưu mới một năm, vẫn thể dục thể thao hàng ngày, nhưng khi biết con lấy trộm sổ tiết kiệm của gia đình để rút tiền tiêu thì bỗng nhiên tắt thở!

Phần đa nhân dân không có lương, cuộc sống vật chất vô cùng khó khăn, đã thế lại còn phải tiết kiệm “khi có không dè, hết mới đổ vô be để lường” đã làm cho họ ăn bữa hôm, lo bữa mai. Như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến sức khoẻ và rất khó khăn trong việc phòng ngừa bệnh tật vì chế độ ăn uống của người già có tác dụng tăng hoặc giảm tuổi thọ. Khả năng miễn dịch của người già đã giảm sút. Không dám ăn vì sợ “hết rồi lấy gì mà ăn” trong những ngày tiếp theo. Một thực tế ở nhiều nơi, cuộc sống nhiều gian truân bởi thời tiết khắc nghiệt, phong ba bão táp, thiên tai làm mất mùa, thất bát liên miên nên “cơm no áo ấm” của người dân cũng khó lòng đáp ứng, thì nói sao về vấn để giải trí, thoải mái tinh thần cho tuổi già.

Trong thực tế, ai cũng mong muốn cho người thân của mình may mắn và thuận lợi, nhưng không phải ai cũng thực hiện được và thậm chí có người phải làm ngược lại.

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

3.1. Giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam: Do xu thế phát triển của xã hội dẫn đến phân hoá xã hội một cách nhanh chóng; nó đã phá vỡ cấu trúc xã hội ngày xưa của làng xã Việt Nam, và mối quan hệ quan tâm của mỗi người đến từng người trong mỗi gia đình cũng bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng nhiều nhất đó chính là đã phá vỡ các mối quan hệ, quan tâm đối với người già trong gia đình. Nói rằng bây giờ không thể yêu cầu con cái phục vụ cha mẹ như trước được vì “hiện đại hoá và công nghiệp hoá” đất nước là chưa hẳn đúng. Đó chẳng qua như một sự biện minh cho những thói đua tranh tầm thường mà thôi. Bởi “Con mà có hiếu trời lần trả cho”; “Hết tiền hết gạo chẳng lo, chỉ lo không hiếu mới hồ bền lâu”; hoặc “Những người cần kiệm trời đà yêu thương”; hay “Con hiền cháu thảo gấp vàng muôn cân” là đều mang một ý nghĩa sâu xa bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam. Có rất nhiều người có con làm việc ở các thành phố lớn đã bị mất đi quyền và trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Có tổ tiên nay mới có mình đây, con cháu mới nối nghiệp của Ông Cha. Cần phải hun đúc cho tuổi trẻ lòng tự tôn tự hào dân tộc, biết ơn Ông Bà thì mới sáng nghiệp bản thân được bởi đời sống văn hoá Việt Nam có bản sắc riêng “nhân – quả”, không hẳn ai có nền văn hoá như mình.

3.2. Tạo lập các mối quan hệ để người già trở lại tâm thế bình thường như khi còn công tác. Khi về hưu, họ vẫn luôn tâm niệm nơi đã từng công tác là mối quan tâm thường nhật. Cần hiểu biết tâm tư nguyện vọng của người già để giúp một cách tốt nhất để họ phát huy nội lực, tìm cách cho họ được cống hiến, dù ít cũng được. Hãy tận tuỵ để gần gũi mà chia sẻ niềm tin và hy vọng với người già, rồi “già để tuổi cho”. Không ai có thể nói trước được một điều gì vì “Biết sự trời mười đời không khổ”. Khả năng cống hiến của người già đã là một tấm gương cho thế hệ trẻ học tập. Trách nhiệm và nghĩa vụ đối với người già cho trọn đạo hiếu, giữ được dòng chảy tinh thần giữa người đã khuất với người đang sống, từ các thế hệ người già đến con trẻ trong cả quá khứ, hiện tại, tương lai là của tất cả mỗi chúng ta.

3.3. Có chính sách về tinh thần và vật chất nhất là đối với những người đơn độc, đói khổ. Cả xã hội cần dóng lên hồi chuông cảnh báo về việc quan tâm đến người già: Tất cả hãy vì người già; bởi đến lượt mình rồi cũng già “yêu trẻ trẻ đến nhà, thương già già để tuổi cho”. Lúc trẻ lao động hết mình, hết trách nhiệm – làm vì nghĩa vụ; về già cần phải có quyền lợi – đó là được sự quan tâm của mọi người. Đảm bảo được sự công bằng giữa trách nhiệm quyền lợi – nghĩa vụ chính là sự đảm bảo nhân quyền, nhân bản đối với nhau, nhất là đối với người già. Hãy xây dựng nề nếp đó trở thành mục đích trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta.

3.4. Đối với những người không bình thường: ăn rồi mà nói chưa, chuyện thế này mà nói thế khác thì cần phải có chế độ cho người chăm nuôi. Thực tế, người già hầu hết đều như thế này. Nếu người đang làm việc nhà nước có cha mẹ như vậy thì cần có cách giải quyết để con cái có điều kiện để chăm nuôi, còn người không có con cái thì xã hội phải quan tâm.

Không chỉ với người già, đối với mỗi chúng ta, một sự chia sẻ động viên, một cử chỉ tỏ ra ân cần chu đáo cũng đã làm vợi đi bao nỗi ưu tư trong cuộc sống đầy biến động với những khó khăn thường nhật. Muốn vậy, cần phải thực sự thông cảm, gần gũi, hoà đồng với những cảnh ngộ của người già. Tâm lý chung ai cũng muốn người khác giống mình để dễ dàng tâm sự và giãi bày mọi chuyện. Đối với người già, nếu chúng ta chịu khó lắng nghe những suy tư, những băn khoăn của họ một cách chu đáo thì cũng đã làm vơi đi nhiều  bức xúc lo âu trong lòng họ lắm rồi. Chúng tôi thiết nghĩ xã hội Việt Nam cần phải lập lại nền nếp kỷ cương từ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình. Làm được điều này mới có thể xây dựng một nước Việt Nam vừa giàu vừa đẹp được, vì vốn cái “đẹp” phải từ trong tâm hồn, từ trong lời ăn tiếng nói. Còn sự “giàu” bắt đầu từ trong hiếu nghĩa nên có giá trị vững bền chặt chẽ. Dân mình vốn trọng nghĩa cử hơn tiền bạc và bây giờ đã đến lúc quan tâm đến gốc rễ của mỗi con người từ bé thơ để mọi việc có giá trị hơn. “Mỗi gia đình là một tế bào nhỏ li ti nuôi lớn cái cây vĩ đại là Tổ Quốc”. Hãy cho mọi người biết chăm sóc và quan tâm tới người già – Đó là những công trình đầy sáng tạo và mang tư tưởng nhân văn cao cả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thép đã tôi thế đấy…

2. Từ điển tiếng Việt- NXB Đà Nẵng. Năm 2005;

3. BS Vũ Hướng Văn- Chăm sóc sức khoẻ gia đình- NXB Phụ nữ -1999;

4. Nguyễn Khắc Khoái- Sức khoẻ vợ chồng già.

5. Tục ngữ ca dao Việt Nam.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *