Một số suy nghĩ nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

GVC. ThS Lê Thị Thu Hà

Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới

 ĐẶT VẤN ĐỀ

            Ai cũng quan tâm đến giáo dục và đều mong muốn giáo dục vì sự phát triển của con người. Sự quan tâm theo chúng tôi hiểu là dùng “tâm” để nhìn nhận (quan) việc “giáo dục” của người dạy đến kết quả của người học. Người dạy có phương pháp dạy để người học không chỉ có kỹ năng sống mà còn có khả năng tạo dựng được kỹ năng sống cho suốt cuộc đời bản thân.

Giáo dục mầm non lâu nay cũng đã được mọi người quan tâm, tuy nhiên chúng tôi thấy vẫn chưa thật mỹ mãn. Vì vậy, chúng tôi muốn bày tỏ sự quan tâm của mình bằng cách mạnh dạn đưa ra một số ý kiến để việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thực sự hiệu quả.

I. MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ THỰC TẠI CỦA GIÁO DỤC MẦM NON

            1. Thứ nhất, Cơ sở vật chất cho giáo dục nói chung, điều kiện cho việc dạy trẻ Mầm non nói riêng rất thiếu thốn. Đặc biệt, tài liệu cho các học viên dùng để học viết giáo án (mẫu giáo án) đã quá cũ. Những kiến thức dạy cho trẻ cách học cách đây trên 30  năm vẫn được các giáo viên mầm non sử dung để làm mẫu viết bài soạn giảng dạy cho các cháu. Hiện tại, trên mạng có đăng tải những mẫu bài soạn theo tinh thần đổi mới nhưng các cô giáo ở vùng thôn quê thì làm sao có điều kiện (máy móc, nguồn mạng, thời gian…) để tra cứu, để cập nhật. Những giáo án mẫu này cũng chưa thật sự hoàn mỹ vì theo chúng tôi, chúng đang thiếu hẳn phần hướng dẫn trẻ tự học và để toàn xã hội cũng được tham gia vào quá trình giáo dục trẻ. Ai cũng biết nước ta có đến 80% dân số thuộc vùng nông thôn, nông nghiệp, hầu hết các trường học thôn quê đều nghèo không có chỗ cho các cháu ngồi.

2. Thứ hai, Các giáo viên ở các trường mầm non nông thôn, vùng sâu vùng xa đều cảm thấy rất khó khăn trong việc thay đổi phương pháp lên lớp: cách thức tiến hành tiết dạy, cách soạn bài, cách tiến hành các thao tác với trẻ, sử dụng đồ dùng, đồ chơi trong các hoạt động. Đội ngũ giáo viên còn nhìn nhau, chưa dám thay đổi, chưa dám đột phá mặc dù rất muốn bứt phá nhưng vì sợ không đúng với những điều nhà trường bắt buộc, nếu làm theo ý mình thì sợ có người cho là sai – không đủ tự tin để khẳng định những tư duy của bản thân. Cứ phải thuộc lòng để nói những câu đã chuẩn bị sẵn như một cái máy, nếu không thì sẽ bị chê trách, bị phê bình. Nói chung, đáng lẽ các cô hướng dẫn trẻ nói để làm quen và phát triển, thì cô lại thường nói nhiều – vậy trẻ ít được nói – trong khi chúng ta cần yêu cầu trẻ nói theo cô rồi dần dần trẻ tự nói theo cách của trẻ, hiệu quả cần đạt đến là trẻ biết nói, biết sáng tạo ra cách nói khác nhau để diễn đạt cùng một vấn đề…

3. Thứ ba, Nội dung cuộc vận động “Hai không” của Bộ Giáo dục và đào tạo,  “Bệnh thành tích trong giáo dục” khó khắc phục bởi nó xuất phát và hình thành ngay từ trong lòng các hoạt động tại trường mầm non. Những cháu tích cực, hiếu động, năng động và dễ bảo thì thường hay được hỏi đến, nói đến… còn các cháu nhút nhát đã ít khi tự nói và bộc lộ ý kiến bản thân, lại còn ít khi được hỏi đến, gọi đến. Trong những giờ thao giảng, cô nào dạy cũng cứ chăm chắm lo không xong phần bài đã chuẩn bị – nếu không xong sợ bị mọi người đánh giá dạy kém, thì lấy đâu tâm trí để quan tâm hỏi han đến các cháu. Thậm chí, có nhiều cô lại còn “mớm” cho cháu câu trả lời trước khi thực hiện tiết dạy, mặc dầu đó chỉ là tiết dạy với tinh thần làm mẫu để góp ý xây dựng để làm kinh nghiệm cho việc dạy của các giáo viên thực hành mà thôi. Trong khi đó việc học đã được đánh giá: “quý dĩ chuyên”[1]. Qua đó chúng ta càng thấy rõ rằng cần phải xem lại cách đánh giá tiết lên lớp của một giáo viên cũng như việc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non. Ở Australia, người ta xem việc đánh giá giáo viên là một việc làm hết sức đơn giản, chủ yếu là do các phụ huynh và xã hội thừa nhận sự tiến bộ của học sinh, chứ không phải chỉ đối phó qua việc dạy trên lớp như ở Việt Nam. Còn việc đánh giá học sinh là đánh giá đối với chính học sinh đó chứ không đem so sánh với bất kì học sinh nào khác.

4. Thứ tư, Điều cơ bản nhất là đời sống vật chất và tinh thần của các cô giáo mầm non. Chúng ta cứ nói nhiều về vật chất quyết định ý thức – thế mà, đời sống của các giáo viên mầm non quá thấp trong khi họ phải làm rất nhiều những công việc “không tên”, không đâu đến đâu nhưng không làm thì không được. Họ vẫn rất cần sự chia sẻ cảm thông của tất cả mọi người. Lương chỉ chưa đến 1 triệu đồng/tháng cho một cô giáo đứng lớp ngày 2 buổi; chưa kể tối về đủ thứ việc phải lo, phải chuẩn bị cho việc dạy ngày mai; lo cho gia đình chuyện cơm nước, gạo thóc lúa ngô, cày bừa nông vụ; họ cũng có con cái học hành và ông bà già cả yếu đau; thăm viếng, hiếu hỷ theo trách nhiệm và nghĩa vụ đối với bà con họ hàng; bản thân họ cũng muốn vươn lên cho bằng chị bằng em bằng cách theo học chương trình này hay lớp nọ; chưa kể những người còn gặp những hoàn cảnh rất éo le mà họ vẫn phải khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ …

5. Nhiều kế hoạch, dự án, thường thiết kế 5 năm một kỳ. Như vậy, mốc 5 năm đánh dấu cho những phát triển nhất định của công việc, của những dự định, của xã hội.

Còn đối với con người thì sao?

Con người ta sau mỗi kỳ 5 năm cũng có sự đánh dấu; nhưng với 5 năm đầu đời có sự khác biệt với những khoảng 5 năm tiếp sau và càng khác với khi đã về già. Năm năm đầu đời của trẻ mỗi ngày mỗi khác. Sự phát triển nhanh chóng và bền chắc đến bao nhiêu là hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc dạy dỗ của những người liên quan. Liên quan trực tiếp và đặc biệt nhất là gia đình – Cha mẹ – rồi đến các cô giáo ở trường Mầm non; còn phải kể đến các hiện tượng ngoài xã hội mà các em nhìn thấy.

Chúng ta cũng cần biết rằng trong thế giới trẻ em phổ biến “Quy tắc tiềm năng giảm dần” đó là khi một em bé sinh ra luôn có 100 phần tiềm năng. Nếu như bắt đầu ngay từ 0 tuổi, ta nuôi dạy hết sức chu đáo thì sau này em sẽ trở thành người có 100 phần năng lực. Nếu như đến 5 tuổi mới bắt đầu dạy dỗ thì dù có dạy dỗ xuất sắc đến đâu cũng chỉ đạt khoảng 80 phần năng lực. Nhưng nếu lại để đến 10 tuổi mới bắt đầu dạy dỗ thì lúc này chỉ đạt khoảng 60 phần năng lực. Do vậy, vào đúng thời kỳ phát triển nếu tiềm năng của trẻ không được khêu gợi và nuôi dạy bồi dưỡng thì sẽ dần dần cạn kiệt, mai một. Đấy chính là lý do phải dạy từ mốc “số 0” [2].

Mặt khác, đối với sự trưởng thành của con trẻ, vấn đề tối quan trọng là ở giáo dục,chứ không phải ở tư chất. Trẻ em cuối cùng trở thành thiên tài hay người thường, không phải do tư chất thông minh nhiều hay ít quyết định, mà điểm mấu chốt là ở giáo dục trẻ từ lúc mới sinh cho tới 5 – 6 tuổi.”[3]

Sự thành đạt của các cháu hoàn toàn không hề bị trí thông minh bẩm sinh nhiều hay ít quyết định, mà chỉ phụ thuộc vào sự chăm sóc dạy dỗ của mọi người.

II. MỘT SỐ SUY NGHĨ NHẰM GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

GIÁO DỤC MẦM NON TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY 

            Theo báo cáo chính trị tại các Đại hội Đại biểu Đảng Toàn quốc, mà ngay từ Đại hội lần thứ IX: “… Phát triển giáo dục đào tạo là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”…

Trên cơ sở xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với phát triển giáo dục mầm non, chúng tôi mạnh dạn đưa ra những ý kiến chủ quan như sau:

1. Cơ chế lao động sáng tạo: Cần có những chủ trương để các giáo viên, giáo sinh ngành mầm non khẩn trương sáng tạo cách dạy học nhằm phát huy phát triển tài năng của các cháu mầm non một cách tốt nhất, tạo cho tất cả các cháu đều có cơ hội để phát triển bản thân tốt nhất đúng như câu khẩu hiệu ở các nhà trường mầm non: “Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Như hiện nay, không những đã không dành mà chúng ta thấy đây đó vẫn còn tước mất của các em những quyền tối thiểu. Còn như ở Australia, tất cả sản phẩm của trẻ đều được tôn trọng bằng cách treo lên tường, trên nhà (kể cả bức vẽ bàn chân của cả lớp vẫn được treo ngay giữa phòng học, hay bức họa bằng màu hình cô giáo Hiệu trưởng và các thầy cô giáo khác rất to, được treo bên hành lang của lối đi), cho đến khi nào tự các cháu muốn xin phép dùng cái khác thay thế. Việc thực hành nấu món xúp rau, các cô mua đủ loại củ quả cần dùng mang đến lớp học để dạy các cháu nấu. Nấu xong, cả cô và cháu đều thưởng thức sản phẩm vừa được chế biến ra. Các cô đã dạy cho trẻ cách sử dụng các loại bếp nấu bằng ga, bằng điện để tạo ra sản phẩm. Các em có thể được tự mình thao tác: vẽ, cắt… tất cả những thứ đồ dùng, đồ chơi các em thích dưới sự hướng dẫn của các cô giáo, thầy giáo.  Nói rèn kỹ năng sống cho trẻ nghĩa là như vậy.

            2. Cách đánh giá: Các nhà quản lý nên thay đổi cách đánh giá. Không nên đem người này so với người kia, chỉ nên đánh giá với chính bản thân mỗi người để thấy được sự tiến bộ của họ mà thôi. Các Trường ở Australia đặt ra câu hỏi mục đích của đánh giá là sự phát triển người học hay phát triển giáo viên. Do đó quy trình đánh giá của Australia gồm 7 bước tạo thành một quy trình khép kín như sau: 1. Lập kế hoạch; 2. Giảng dạy; 3. Đánh giá thường xuyên (đánh giá hàng ngày thông qua việc quan sát và ghi chép sự tiến bộ hàng ngày của trẻ); 4. Những đánh giá mang tính quy chuẩn về học tập; 5. Lưu giữ kết quả; 6. Đánh giá cuối cùng; 7. Báo cáo. Sau khi đánh giá phân tích kết quả, giáo viên, các nhà quản lý… xem xét lại toàn bộ quá trình trong một kỳ để điều chỉnh kế hoạch, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá. Hay như ở Mỹ, các cấp lãnh đạo hay các tổ chức tham gia vào quá trình đánh giá ngoài hoàn toàn tin tưởng vào các giáo viên, giảng viên tự lập kế hoạch cho đến tất cả các việc liên quan mà không cần phải thẩm định.  Hội đồng nhà giáo căn cứ vào chất lượng trẻ để phân tích và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tìm cách giải quyết chứ không đổ lỗi cho giáo viên khi chất lượng lớp có vấn đề yếu về một số mặt nào đó. Khi đó, nếu các giáo viên trong trường không giải quyết được thì Trường sẽ báo cáo lên cấp trên để mời các chuyên gia tư vấn, giúp đỡ. Bản thân giáo viên luôn tự giác và trung thực với chất lượng học sinh của mình; họ không bị sức ép về chất lượng, mà chỉ lo sức ép về kinh tế; bởi vì bản thân trẻ cũng rất tự giác và có sự thi đua rất cao nên nếu giáo viên không dạy tốt, phụ huynh sẽ chọn trường khác cho con học, và nhà trường sẽ mất đi nguồn kinh phí do chính phủ cấp cũng như các đóng góp khác của phụ huynh.

3. Các nhà giáo hãy vì người học, đừng vì bản thân: Một ví dụ để mọi  người suy nghĩ: Trong một tiết học, cô giáo đã chuẩn bị sẵn một bó hoa cầm ở tay và đang định nói với trẻ (lúc đó có các giáo sinh đến dự giờ) điều gì đó. Thế rồi, bỗng nhiên một bé gái tíu tít kể cho bạn bên cạnh mình rằng nhà bé có rất nhiều bông hoa đẹp hơn hoa của cô. Cô nghe thấy liền quát: “Im ngay! Không được nói”!? Phải chăng cô giáo chỉ nghĩ đến việc cô muốn truyền cho trẻ điều cô đã chuẩn bị sẵn từ trước mà không chịu (muốn) nghĩ đến việc nên hỏi trẻ xem trẻ đã nghĩ gì và muốn nói điều suy nghĩ của mình với bạn nhân lúc thấy cô có hoa! Mỗi người đều mang trong mình quy luật “liên tưởng” đến những điều gì đó khi gặp cảnh quen gợi nhớ, nhưng theo chúng tôi, nên đưa ra câu hỏi để trẻ trả lời theo hướng bài học mình định cung cấp, chắc là sẽ khuyến khích các cháu khai thác được nhiều điều hơn. Dạy ngay cái mà các cháu cần, các cháu đang quan tâm chứ không chỉ dạy cái mà các cô giáo có, bởi đó là cách tốt nhất để hình thành cho trẻ phương pháp tư duy linh hoạt, sẵn sàng chiếm lĩnh tri thức từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Đừng sợ những vấn đề nào đó là quá khó đối với trẻ; vì những kiến thức, những kỹ năng  đó trẻ vẫn thường xuyên được tiếp xúc, được chứng kiến, nếu có ngại là ngại ở cách diễn đạt trình bày của cô giáo mà thôi. Nên khai thác những phát hiện của trẻ, để từ đó cung cấp thông tin về bài học cho trẻ thông qua các loại hoạt động khác nhau. Cô giáo nên chủ động trong mọi việc, mọi thao tác và luôn chú ý đến lời nói vì lời nói và hành vi cử chỉ của cô dễ gây ấn tượng cho trẻ.

4. Điều kiện dạy học: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên mầm non tiến hành tiết dạy một cách nhanh chóng và thuận tiện, tiết kiệm được công sức, thời gian và tiền bạc khi làm đồ dùng đồ chơi dạy học; nên để các giáo viên triển khai bài dạy ngay khi tham quan các cảnh mẫu, sa bàn từ đầu tiết học. Hầu hết các giáo viên đều rất muốn tiến hành như vậy, nhưng không dám làm.

Ví dụ: Khi hình thành biểu tượng số lượng cho trẻ mầm non theo chủ điểm thực vật. Giáo viên đã chuẩn bị sa bàn thăm vườn cây của nhà bà ngoại. Sau khi giới thiệu cho trẻ các loại cây ở trong vườn xong thì cô cho trẻ về chỗ ngồi để tiến hành hoạt động tập đếm ở trong rá đồ chơi. Tại sao cô không cho trẻ đếm luôn các loại cây trong vườn, theo yêu cầu thêm, bớt, tạo nhóm có số lượng như yêu cầu đã định ngay từ đầu.

5. Trả lời cho câu hỏi tại sao các học trò của chúng ta đại đa số càng lên lớp trên thì lực học càng yếu dần, nhiều em theo không được và sợ xấu hổ nên đã bỏ học, kiếm cớ thoái thác việc học, về sau hối tiếc cũng khó lòng giải quyết cho thỏa đáng ? Theo chúng tôi, có nguyên nhân từ khi học mầm non các em đã không được dạy dỗ chu đáo theo đúng nghĩa. Nguyên nhân thì có cả “nghìn lẻ một”, cách khắc phục nào để ngay từ mầm non các em vững vàng tự bước trên đôi chân của mình?

Trước hết, dạy cho trẻ cách chia sẻ thông tin; biết lắng nghe bạn bè và đem thông tin của mình cho bạn, chia sẻ và góp ý thân thiện. Ngay từ mỗi bài, chúng ta đều dạy cho trẻ cách nhìn khách quan biện chứng và nghĩ đến trách nhiệm phải có sản phẩm ngay sau mỗi hoạt động. Hiện nay, trong các nhà trường (kể cả bài giảng đã đưa trên mạng) chưa mấy người quan tâm đến việc yêu cầu trẻ thuật lại tiết học, trò chơi hay bất cứ một công việc của bản thân hay của cô giáo. Cô giáo cũng chưa yêu cầu trẻ về nhà kể chuyện lại cho gia đình nghe ở lớp con học thế nào, câu chuyện cô kể ra sao; các bạn chơi thế nào, ai giỏi, ai kém…

Chúng tôi mạnh dạn đưa ra hướng dẫn các hoạt động của giáo viên và trẻ trong tiết học ở phần hướng dẫn trẻ học (chỉ ghi những nội dung cần truyền đạt trong phạm vi bài học và thời gian cho phép) sau khi đã xác định mục đích yêu câu, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết đủ cho cả cô và trẻ hoạt động:

 

Hoạt động của cô

Phải ghi đầy đủ và trình tự các hoạt động, cách tổ chức, hướng dẫn của cô trong từng khoảng thời gian (ngắn gọn, súc tích, đủ ý để nhớ – không cần dài dòng).

 

I. Ôn tập trước tiết học:

– Chơi trò gì (hát bài gì- kể chuyện gì)

– Trò chuyện với trẻ về vấn đề gì…

– Lưu ý vấn đề gì trong câu chuyện (bài hát, bài thơ)

-Có thể hỏi trẻ thêm về điều gì đó?

II. Bài mới: Trong tiết học:

1. Giới thiệu ngắn gọn nội dung bài học mới:

– Giới thiệu trẻ làm quen kiến thức mới:
–   Yêu cầu trẻ nhìn để xem cô thiết kế công việc của bài học mới trên các đồ vật, đồ chơi.

– Yêu cầu trẻ làm theo thiết kế (trên các đồ vật, đồ chơi) – Hoạt động này mang tính tái hiện kiến thức.

– Yêu cầu trẻ làm khi nghe cô nói (hoạt động sáng tạo).

Hoặc trẻ tự tạo ra các hình khi nghe cô hướng dẫn  của (làm trên đồ của trẻ).

2. Tổ chức trò chơi:

Cho trẻ hoạt động nhận thức kiến thức mới, Rèn luyện tác phong liên quan đến các hoạt động:

– Trò chơi tái hiện;

– Trò chơi sáng tạo;

– Trò chơi nhằm giáo dục đạo đức tác phong.

– Trò chơi thể hiện tình cảm, ý thức tổ chức kỷ luật chia sẻ trách nhiệm.

– Cô dự kiến thêm các tình huống khác có thể xẩy ra…

III. Củng cố:

1. Yêu cầu trẻ nhắc lại nọi dung bài vừa học (chỉ 2-3 ý ngắn gọn – Trẻ tự nói).

2. Yêu cầu trẻ về nhà kể lại câu chuyện đã học để gia đình nghe nội dung bài vừa học. Cô có thể cho trẻ chơi trò đóng vai.

3.Yêu cầu trẻ về tìm những ví dụ liên quan đến những điều vừa học đến kể cho cô và các bạn nghe!

 

Hoạt động của trẻ

Ghi mọi hoạt động của tất cả trẻ, không nên có trẻ hoạt động, trẻ không hoạt động.

– Trẻ chơi, hát theo hướng dẫn của cô.
– Trẻ nghe, trả lời theo hướng dẫn của cô.

 

 

– Trẻ nghe, nói theo và làm theo hướng dẫn của cô.

 

– Trẻ làm theo yêu cầu của cô.

 

 

 

 

– Trẻ nghe, nói theo và hoạt động  theo hướng dẫn của cô.

– Trẻ hoạt động  theo hướng dẫn của cô.

 

– Trẻ xung phong nói.

 

– Trẻ xung phong đóng vai (nhóm 3 – 4 em).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]: Tam tự kinh.

[2],[3]:  Lưu Vệ Hoa – Trang 8, 9: Em sẽ đến Havard học kinh tế. NXB Văn hóa thông tin năm 2004.

4. GS Linley – Bài giảng cho lớp bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình DAPT GV TH) tại University of New England- Australia.

5. GS Jan – Bài giảng cho lớp bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình DAPT GV TH) tại University of New England- Australia.

6. GS Tom – Bài giảng cho lớp bồi dưỡng Sau đại học (Chương trình DAPT GV TH) tại University of New England- Australia.

7. Lê Thị Thu Hà – Phương pháp cho trẻ làm quen với những biểu tượng ban đầu về toán- Bài giảng cho lớp CĐSP MN- Trường Đại học Quảng Bình….

8. Đinh Thị Nhung – Toán và phương pháp hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ mẫu giáo NXB ĐHQG Hà Nội 2001.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *