Vài nét giới thiệu về đất nước và con người Thái

MỘT VÀI NÉT GIỚI THIỆU VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI THÁI LAN

                                                                                   ThS. Lê Thị Thu Hà

Chánh văn phòng Viện

ĐẶT VẤN ĐỀ

Gần gũi với chúng ta, thậm chí dân tộc Thái Việt Nam và người Thái ở Thái Lan nói chuyện với nhau không cần phiên dịch mặc dầu nhiều đời nay họ không hề gặp nhau. Trong khi đó, chúng ta biết quá ít về Đất nước và con người Thái Lan. Chính vì vậy mà chúng ta cảm thấy xa xôi. Thực ra, đi từ Việt Nam chỉ một ngày đường trên Ô tô (có khi chỉ khoảng 5 đến 7 giờ) là có thể sang đến Thái rồi, tùy theo mình xuất phát từ đâu.

Một đất nước có nền văn hóa nhiều nét tương đồng giống Việt Nam mà chúng ta chưa gần gũi được. Nền giáo dục Thái Lan có rất nhiều đặc điểm nổi trội, làm cho người học luôn tự tin và thành công trong mọi việc của họ. Nhân dịp Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới đã gửi các sinh viên du học ở Thái Lan, chúng tôi muốn giới thiệu thêm cùng quý độc giả đôi điều về văn hóa của đất nước Thái Lan. Hy vọng của chúng tôi không ngoài mục đích “Ai cũng muốn người khác giống mình” và “Nếu xung quanh ta có những người bạn tốt thì cuộc đời sẽ dễ dàng và hạnh phúc biết bao nhiêu”.

1. Đất nước “hình đầu voi”

Nhận xét đầu tiên của chúng tôi, một đặc điểm khá ấn tượng đấy là đất nước “hình đầu voi”.

Trong khi người Thái thường ví nước mình giống cái rìu cổ, nhưng nhìn trên bản đồ giống hình đầu con voi hơn.

Diện tích 514 nghìn km2. Chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 1.650 km, và rộng nhất từ Đông sang Tây là 770 km; nơi hẹp nhất là khoảng hơn 10 km.

Đất nước gồm có 4 miền: Miền Bắc; Miền Trung; Miền Đông Bắc và Miền Nam. Toàn bộ Thái Lan được nằm trong khu vực khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Vì vậy, khí hậu đại thể có 3 mùa trong năm: Mùa khô nóng từ tháng 6 đến tháng 10; Mùa khô lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau và Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 6, nhưng nhiệt độ quanh năm khoảng từ 33 đến 16 độ C. Đây là đất nước mang đậm bản sắc lúa nước.

2. Phong phú một tiềm năng kinh tế

Trước nay, Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính của Thái Lan. Diện tích trồng trọt chiếm khoảng 38 % diện tích cả nước, thu hút 70 % sức lao động, nhưng khá hiện đại. Đây là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, khoảng 5-7 triệu tấn/1 năm thu về gần 2 tỷ USD. Có nhiều loại cây cối có giá trị như: mía, dừa, chuối, xoài, .. Hệ thống sông và ao hồ không chỉ có nhiều tôm, cá và các loại hải sản mà còn có ý nghĩa về mặt giao thông và năng lượng. Rừng nhiều sản vật và khoáng sản: Thiếc có 300 mỏ với trữ lượng 1,5 triệu tấn và đang đứng đầu thế giới, ngoài ra còn có than, chì, kẽm, mangan, muối… Đặc biệt, việc khai thác đoạn sông Mê Công trong sự phối hợp với ba nước Đông Dương sẽ đem lại nguồn thủy điện phong phú cho Thái Lan và các nước trong khu vực. Trong không khí chính trị hòa dịu, Thái Lan sẽ góp phần vào hoạt động của “Ủy ban sông Mê Công” bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế.Về điện, có 33 % sản lượng điện là thủy điện, 67 % là nhiệt điện.

3. Cư dân trên đất Thái

Dân số Thái hiện nay chừng 67- 68 triệu người. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về cội nguồn của người Thái. Có thuyết nói người Thái là dân bản địa, cũng có thuyết nói người Thái đến đây vào thế kỷ X – XIII. Người Thái còn có tên gọi là Người Xiêm (Syâma). Từ “Xiêm” được phát hiện lần đầu ở thế kỷ XI – XII trong văn bia của người Chăm ở Ăng co Vát- kinh đô của Vương quốc Khơme thời đó, có hình người và chữ “Xiêm cúc” có nghĩa là “người làm thuê” theo tiếng Khơme. Nhưng theo tiếng Pali và tiếng Sanxcrit (Tiếng của Người ấn Độ xưa) thì “Xama” hay “Xiêm”  có nghĩa là màu nâu hay hung hung sẫm. Màu da người Thái lại hơi thẫm và họ hay mặc áo màu đen, nên làm người ta nghĩ rằng chữ “Xiêm” là muốn chỉ màu da, hay màu áo của người Thái. Nói chung là đang nhiều giả thuyết về tên gọi “Xiêm”. Ngoài người Thái, trên đất Thái lan còn có người Khơme, người Lào. Đất nước này mang tên “Vương quốc Xiêm” trong thời gian dài. Đến 1939 mang tên “Vương quốc Thái Lan”. Sau Người Thái, Người Lào thì người Hoa là tộc người đông thứ 3 ở trên đất Thái Lan. Họ có vai trò kinh tế, chính trị rất lớn ở Thái Lan, họ kinh doanh đủ thứ và ở tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra còn có một số ngoại kiều khác là Việt Nam, Ân Độ, Pakisxtan, Nhật và người Âu, Mỹ.

Ngôn chính thức là tiếng Thái và có khác nhau về âm điệu, và một phần nhỏ về từ vựng giữa 4 vùng của Thái. Người vùng Đông Bắc Thái Lan còn nói tiếng Lào. Ngôn ngữ chuẩn là tiếng Thái Băngkok và vùng Đông Bắc sông Cháo Phraya.

Chữ Thái ra đời vào thế kỷ XIII ở thời vua Ramkhămhéng bao gồm 44 chữ cái trên cơ sở chữ Khơme. Chữ Thái không theo hệ tượng hình như chữ Trung Hoa, cũng không Latinh hóa như chữ Việt. Chữ Thái có nhiều dấu, tùy từng trường hợp, đặt ở phía trên hay phía dưới, ở bên phải hoặc bên trái của từ đó. Số số học, khi xưa dùng theo số Ấn độ, còn ngày nay sử dụng chữ số Ả rập như những nước khác. Ngoài tiếng Thái, tiếng Trung Hoa được sử dụng rất nhiều, nhất là trong buôn bán và ở vùng Băng Cốc. Tiếng Anh khá phổ biến. Báo chí lưu hành hàng ngày viết bằng tiếng Anh.

4. Lễ hội cổ truyền của văn hóa lúa nước

Mối liên kết Đất – Nước – Lúa đã làm ra văn hóa lễ hội của Thái. Lễ lớn nhất trong năm là TếtThái (Soỏng Kram) được định vào đầu mùa mưa (khoảng giữa tháng 4). Trong ngày lễ hội này, mọi người mặc đẹp, áo quần sặc sỡ, nhà cửa trang hoàng lộng lẫy. Mỗi gia đình thường có 1 bình nước thơm, khi có khách đến thăm, chủ nhà cầm cành hoa nhúng vào nước rồi rẩy lên áo người khách để chúc mừng năm mới yên vui may mắn. Hội té nước là nét đặc trưng của ngày tết Soỏng Kram ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Khắp bản làng, đường phố người ta té nước cho nhau kể cả người không quen biết, coi như một lời chúc phúc. Nhiều chàng trai cũng muốn nhờ dòng suối mát bày tỏ tâm tình với các cô gái đẹp bấy lâu thầm mong trộm nhớ. Cũng trong những ngày này, người ta tổ chức thả chim lên trời, thả cá xuống nước, trả tự do cho muôn loài với niềm hy vọng may mắn quanh năm. Một công việc nhộn nhịp trong dịp tết là chuẩn bị hương hoa bánh trái, lễ vật dâng lên chùa. Từ mấy hôm trước, nhà chùa đã làm lễ tắm rùa tượng Phật để đón mừng năm mới. Người người đi lễ Phật với tấm lòng thành kình, tâm hồn thư thái, xóa bỏ lỗi lầm, cầu xin hạnh phúc. Tháng 11-12 có lễ Lôi Krathong rất tưng bừng (Krathong là chén lá, sau biến thành thuyền nhỏ hình hoa sen dùng để thả xuống sông).

Đạo Phật là Quốc đạo ở Thái, đâu đâu cũng có chùa rất đẹp, nên Thái lan còn được gọi là Đất nước chùa vàng. Cả nước có gần 3 vạn ngôi chùa, riêng Bangkok có trên 300 ngôi, làng nào cũng có từ 1 đến 2 chùa. Đạo Phật du nhập vào Thái từ Xirilanca đầu Công nguyên, thuộc phái Tiểu thừa (Théravada). Mọi người đàn ông Thái trong đời mình đều vào chùa tu tập ít nhất 3 tháng. Các lễ hội Phật giáo ở Thái hết sức long trọng và thân kính. Các nhà sư được đào tạo trong các tu viện Phật giáo, hiểu biết sâu sắc, có đức độ, nhân từ : Chính Phật giáo đã làm nên bản sắc văn hóa con người Thái: hiền hòa, nhường nhịn, ưa sự bình thản, có lòng vị tha và mến khách.

(Còn tiếp Kỳ sau)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *