Kĩ năng trình bày 6: Điệu bộ

Kĩ năng trình bày 7: Điệu bộ In Email
le voilà

Trong các bài trước, tôi đã mô tả cách soạn slide và cách nói trong hội thảo khoa học. Tiếp nối loạt bài về kĩ năng trình bày, bài này sẽ bàn về điệu bộ trong khi nói. Tôi sẽ lấy vài hình ra minh họa cho câu chuyện thêm phần … hấp dẫn.

Tôi được tiếp cận về vấn đề “điệu bộ” khi còn ở bên Mĩ. Thời đó, trường gửi tôi (và vài giáo sư khác) đi học một khóa học về kĩ năng trả lời phỏng vấn báo chí, và kĩ năng trình bày.  Vào lớp học, tôi thầm khâm phục người Mĩ về những bài bản trong một chuyện mà lúc đó tôi nghĩ là “chuyện nhỏ”, hay “chuyện hình thức”. Nhưng với người phương Tây nói chung, họ không xem đó là chuyện nhỏ. Ngay cả Tổng thống Mĩ cũng phải học cách trả lời báo chí. Các chuyên gia truyền thông thậm chí còn dạy cho các tổng thống và bộ trưởng điệu bộ (tức là body language) trong khi tiếp xúc với đám đông. Còn nhớ trước khi Tổng thống Obama đọc diễn văn nhậm chức, người ta tung lên youtube một video clip mà trong đó ông được một chuyên gia chỉ dẫn về cách đi, dáng đứng, cách nói, v.v. rất chi tiết. Tổng thống mà còn phải đi học như thế, thì chúng ta chắc phải học nhiều hơn nữa.  Trong bài này tôi sẽ bàn về những gì tôi học được và đọc được trong sách.

Trong các hội nghị khoa học mà tôi kinh qua, tôi thấy người Á châu chúng ta có nhiều vấn đề nhất. So với các nhà khoa học Âu châu (mà tiếng Anh không là tiếng mẹ đẻ) thì các nhà khoa học Á châu có nhiều vấn đề cách nói. Người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, (chưa thấy người Việt) thường bị vấn đề giọng nói, cách phát âm chưa chuẩn, làm cho khán giả cảm thấy khó nghe. Đến khi chất vấn thì lại càng có nhiều vấn đề hơn, vì chất vấn đòi hỏi khả năng ứng khẩu trực tiếp, mà nếu khả năng tiếng Anh chưa tốt thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn là chuyện có thể hiểu được. Có khi họ nói quá nhỏ (nhất là nữ) nên làm cho khán giả cũng … chán. Do vậy, cần phải học từ những khiếm khuyết đó để bài nói chuyện của các bạn tốt hơn. Bài này sẽ bàn qua cách dùng các công cụ trong phòng họp và phong cách / dáng điệu trong khi trình bày.

Dùng laser pointer

Nói chuyện về khoa học là phải có biểu đồ, bảng số liệu, hình ảnh. Tất cả những dữ liệu đó rất khó hiểu đối với người không cùng chuyên môn. Ngay cả người cùng chuyên môn cũng khó theo dõi “câu chuyện” của diễn giả. Do đó, diễn giả phải chỉ những dữ liệu mình đang nói để người nghe/xem có thể theo dõi. Nên dùng laser pointer. Trước khi nói chuyện, phải có trong tay cái laser pointer và tập sử dụng nó. Nhìn xem nút bấm màu đỏ ở đâu, nút fwd và bwd ở chỗ nào, và thực hành cho thành thạo. Kĩ thuật dùng laser pointer cũng cần phải chỉ ra ở đây.

Thứ nhất là chỉ vào một chỗ nào đó mình nói và thời gian phải từ 5 giây trở lên. Có người chỉ vào 1 giây rồi biến mất làm cho người xem khó theo dõi. Có khi phải khoanh tròn những hình ảnh mình đang bàn để nhấn mạnh một điểm nào đó.

Thứ hai là cầm laser pointer cho chặt. Tôi đã chứng kiến nhiều nghiên cứu sinh cầm laser pointer chạy lên xuống như là tay run. Thật ra, một số người rất run khi xuất hiện trước đám đông và sự hồi hộp đó được biểu hiện qua tay bị run, và laser pointer “chạy” linh tinh, rất buồn cười. Có người lại hăng hái nhảy múa quá và quên mình đang cầm laser pointer nên điểm màu đỏ của pointer lúc thì dưới đất, lúc thì trên trần nhà, trông rất buồn cười. Nên tránh những tình huống này.

Nói lớn

Trong hội trường lớn, nói nhỏ (dù có microphone) rất khó nghe. Do đó, cần phải nói lớn như mình giảng bài. Đừng thẹn thùng! Tôi từng nói với nghiên cứu sinh nữ gốc Việt Nam là con có thể là thục nữ ở nhà, nhưng đã đứng lên chỗ này thì con phải là professional, dẹp đi cái tính thục nữ, phải sòng phẳng và tỏ ra ngang hàng với bọn nam giới phương Tây bằng cách nói dõng dạc. (Dĩ nhiên là đừng tỏ ra hung dữ quá, vì rất dễ dẫn đến phản tác dụng :-)). Tiếng nói lớn tạo cho mình một sự tự tin, nhất là trong hội trường lớn. Cách để biết mình nói có đủ nghe hay không là nhìn xuống những hàng ghế phía dưới hội trường xem có ai tỏ ra khó nghe hay không; nếu có, thì phải điều chỉnh âm lượng ngay.

Tuyệt đối tránh những kiểu lầm bầm (tức mumbling) và tránh những uh, oh, you know. Những chữ đó chẳng giúp gì trong bài nói chuyện của mình, mà chỉ cho người ta thấy mình đang lúng túng hay nghèo nàn ngữ vựng.

Im lặng

 

Đôi khi sự im lặng cũng có hiệu quả rất tốt. Giới tâm lí học cho rằng trong một bài nói chuyện, nếu diễn giả tạm ngưng 1 hay vài giây có khi là một “bí quyết” ít sử dụng như có khi gây tác dụng rất tốt. Một vài giây im lặng có thể nói lên hàng ngàn lời. Một giáo sư kể rằng khi ông vào phòng của giáo sư tâm thần (sếp của ông), ông sếp thường mời ông ngồi xuống, và chỉ nhìn ông trong im lặng. Cái không khí này buộc người khách phải nói một điều gì đó, và phải nói sớm. Ông kể lại, “thật vậy, tôi nói hết những dự tính, quan tâm, bí mật của mình cho ông ấy; ông chẳng nói gì mà chính tôi lại là người tiết lộ!”. Tương tự, trong một bài nói chuyện trong hội nghị khoa học, một khoảng trống im lặng trong một loạt câu chữ và dữ liệu tạo ra một sự bất tiện, bất an, một bầu không khí kì vọng cái gì đó, và làm cho mọi người phải chú ý. Một khoảnh khắc im lặng còn tạo cơ hội cho câu nói sau cùng của diễn giả sâu lắng vào lòng khán giả, để khán giả có thì giờ “tiêu hóa” thông tin.

Ví dụ: Nói một câu mạnh: “Alcohol addiction is a major social problem in our community. [ngưng]”. Nói câu hai nhấn mạnh câu trước: “Each year more than 100 alcohol-related fatalities occur on the roads in this city alone. [ngưng]”.


Hình trên đây cho thấy diễn giả đang nói một câu cuối cùng trong đoạn văn, và mắt nhìn vào khán giả. Sau đó ông ngưng nói 2 giây.

Tiếp xúc bằng mắt

Nói bằng mắt là một phần quan trọng trong cách nói. Thật vậy, đôi khi chỉ cần một cái nhìn cũng đủ nói lên một câu chuyện hay một ý tưởng. Cố gằng thực tập nói câu văn đầu tiên cho thật trôi chảy (nói cho rõ từng chữ), sau đó nhìn xuống khán giả và tìm ai đó để nhìn vào như là mình đang nói chuyện với họ. Nhìn vào khán giả có hiệu quả là mình đang nói chuyện với họ, chứ không phải nói chuyện với slide. Điều này có nghĩa là tránh nhìn vào slide quá nhiều. Chỉ nhìn vào slide 1 hay 3 giây để lĩnh hội vấn đề, sau đó quay lại nhìn khán giả để nói.

Cần phải tránh phong cách như minh họa trong hình này. Hình cho thấy diễn giả nhìn vào … giày của mình hay gì đó, chứ không nói với khán giả. Đó là một thái độ xem thường khán giả.

Hình trên đây cũng là một phong cách không tốt. Hình này cho thấy diễn giả có thái độ bất bình thường (tay đưa lên đầu chẳng biết làm gì) và tạo ra ấn tượng xa rời khán giả. Khán giả sẽ khó theo dõi diễn giả và có thể bỏ cuộc.

Tiếp xúc bằng mắt không nên chỉ nhìm chằm chằm vào một ai, mà phải nhìn chung quanh khán phòng. Phải tỏ ra mình quan tâm đến người nghe.  Nói đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện cụ Hồ khi đọc diễn văn năm 1945, ông hỏi đồng bào có nghe tôi nói rõ không, đó chính là một hình thức mình quan tâm đến người nghe rất … chính trị. Nhà khoa học cũng thế, cũng phải nhìn quanh và nói chuyện với khán giả.  Nói bằng ánh mắt.  Nên nhớ đối tượng của diễn giả là khán giả chứ không phải những slide. Mình phải tỏ ra ấm áp với khán giả, chứ không phải nói cho xong việc.

Ngôn ngữ cơ thể (body language)

 

Khi đã đứng trên bục giảng, chúng ta là một diễn viên. Diễn viên không chỉ sử dụng giọng nói hay tiếp xúc mắt, mà còn qua điệu bộ. Tiếng nói, giao tiếp bằng mắt, và điệu bộ là một cách 9e63 nói rằng chúng ta hiện hữu, để nhấn mạnh đền sự có mặt của chúng ta. Thử nhìn qua những điệu bộ sau đây:

Đây là điệu bộ của một người đang kể một câu chuyện. Anh ta nghiêm chỉnh và tỏ ra hứng thú. Chúng ta cần học hỏi phong cách đó. Mình phải tỏ ra hào hứng với nghiên cứu của mình (vì đó là đứa con tinh thần)!

Phong cách này được gọi là slouching. Tức là hạ thấp người trước bục giảng, chăm chú nhìn vào khán giả. Phong cách này chỉ thích hợp cho giới chính trị và thương mại hay tôn giáo, nhưng không thích hợp cho khoa học. Tránh phong cáchslouching!

Không bao giờ tỏ ra bất động. Đứng một chỗ và không thay đổi vị trí trong suốt buổi nói chuyện là điều nên tránh, vì nó rất … chán. Diễn giả phải đi lòng vòng, hay nếu đứng trên bục giảng thì nên chuyển sang vài vị trí trong khuôn khổ cho phép để cho khán giả biết mình động chứ không phải tĩnh. Hình trên cho thấy diễn giả bước ra khỏi bục giảng và đó là một cách để nói về sự hiện hữu của mình lớn hơn. Cần nói thêm là không nên tỏ ra như diễn viên hài, tức là không nhảy nhót, lăn bò … như ca sĩ (có nhà khoa học từng làm như thế), tạm gọi là “phong cách Đàm Vĩnh Hưng”. Phong cách Đàm Vĩnh Hưng chỉ thích hợp khi mình nói chuyện với công chúng, còn với nhà khoa học với nhau thì không nên làm thế.

Không nên đứng trước slide mình đang trình bày như hình trên đây. Đứng trước hình như thế làm cho khán giả không nhìn được những chi tiết mà diễn giả muốn trình bày, và tạo sự khó chịu cho khán giả.

Đây là một phong cách cũng cần phải tránh. Trong hình này, diễn giả đang nói chuyện với … hình của ông. Ông quên rằng ông phải nói chuyện với khán giả!

Nói với khán giả, chứ không phải nói trước khán giả! Phong cách như minh họa trong hình trên đây có tên là phong cách voila, rất cần thiết trong khoa học. Trong hình, diễn giả đang đưa tay mời gọi khán giả, nhấn mạnh đến một dữ liệu nào đó, và đưa hai tay như trên là một cách nói diễn giả chẳng có gì để dấu diếm. Đó là phong cách khoa học: không dấu diếm!

Trong vài hội nghị khoa học, ban tổ chức có những “cây gậy” lớn cho diễn giả chỉ vào những dữ liệu một cách cụ thể. Hình trên đây cho thấy diễn giả dùng cây gậy đó, nhưng lại đứng quay lưng về phía khán giả, và đó là một “đại kị”. Đây là phong cách quay lưng cần phải tránh.

Thay vì quay lưng về phía khán giả, diễn giả có thể đứng trên hình minh họa trên đây. Một tay cầm gậy chỉ vào dữ liệu hấp dẫn, một tay kia thì đưa tay nhấn mạnh. Đây là phong cách cần học.

Không bao giờ để tay trong túi quần. Cách đây không lâu, đọc tin tức trên mạng tôi thấy một quan chức văn hóa ở Huế nói chuyện trong một hội nghị nào đó mà tay ông để trong túi quần. Đây là điều đại kị và nhất định phải tránh. Nói chuyện trong khi tay trong tùi quần gây một ấn tượng cực kì sloppy (tôi chưa biết dịch sang tiếng Việt là gì) và xem thường khán giả. Phong cách này còn thể hiện một sự bất an và căng thẳng.

Thay vì bỏ tay vào túi quần, diễn giả cần phải dùng tay để nhấn mạnh một điểm nào đó trong khi trình bày. Tay rất hiệu quả bổ sung cho ngôn ngữ nói.   Thử xem qua động tác voila, tay đưa ra như là một lời mời để khán giả có thể xem xét thông tin; dơ tay lên cao để nhấn mạnh một điểm hay một chữ nào đó. Những động tác như thế rất dễ gây thiện cảm và thu hút sự chú ý của người nghe.

Nên nhớ rằng khi trình bày trên bục giảng, diễn gia là một diễn viên sân khấu. Chúng ta cần học phong cách của diễn viên để làm cho bài nói chuyện hấp dẫn và thú vị.

Nhiệt tình

 

Như nói trên, khi diễn giả trình bày một nghiên cứu trước đám đông, thì người ta xem nghiên cứu đó là đứa con tinh thần của mình. Diễn giả cần phải tỏ ra thương yêu và nhiệt tình chăm sóc đứa con tinh thần, phải biết nó từ A đến Z (vì mình tạo ra nó). Nếu diễn giả không tỏ ra nhiệt tình với đứa con tinh thần của mình thì làm sao khán giả có thể nhiệt tình được. Nhiệt tình ở đây có nghĩa là tỏ ra hào hứng với kết quả nghiên cứu, bằng những câu chữ như striking, significant, remarkable, very intesring, profound effect, v.v. Có thể dùng vài câu quen thuộc như:

This is a CRUCIAL fact …

Do NOT UNDERESTIMATE this finding

I DO believe that

It is REMARKABLE that A is related to B

Now, this finding can not be OVERLOOKED …

Let me now turn to a VERY STRIKING result …

 

Nhiệt tình không thể dạy. Nó là cái gì đó trong mỗi chúng ta. Cho dù nghiên cứu của chúng ta chỉ là hạt cát trong biển cả, thì chúng ta vẫn phải tỏ ra hào hứng với kết quả của mình. Phải tìm một điểm quan trọng để nhấn mạnh 2, 3 lần (gọi là điệp khúc).

Tóm lại, một số điểm cần nhớ khi trình bày một báo cáo khoa học:

 

  • Nhiệt tình chiếm khoảng 90% sự thành công của một bài nói chuyện.
  • Nói đều đều, đơn điệu (monotony) là kẻ thù số trong bài nói chuyện, vì người nghe cảm thấy nhàm chán, buồn ngủ, và diễn giả không hào hứng với nghiên cứu của mình.
  • Nói chuyện với khán giả, chứ không phải chỉ đơn thuần đứng trước khán giả.
  • Nói bằng mắt, tiếp xúc bằng mắt là một động tác quan trọng trong việc chuyển tải thông tin đến người nghe.
  • Hồi hộp, nói quá nhanh, nói quá chậm, hoặc và nói nhỏ giọng thường không có hiệu quả chuyển tải thông tin. Nói nhanh hơn cách nói thường ngày một chút.
  • Cũng như văn viết (cuối câu là một dấu chấm câu), trong văn nói, cuối câu phải là một cái nhấn (gọi là stress position).
  • Nhắc lại một lần nữa như để nhấn mạnh: điều quan trọng nhất cần phải nhớ là truyền đạt thông tin đến khán giả / người nghe và nhiệt tình với thông tin mình chuyển tải.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *