HỒI KÝ HỘI THẢO – DU LỊCH THÁI LAN

HỒI KÝ HỘI THẢO – DU LỊCH THÁI LAN

 

Ngày 16.7.2013

 

Tôi để chuông đồng hồ đúng 3h rưỡi sáng để dậy lên đường. Nhanh chóng gọi taxi đến đón và đi xuống đường Phạm Kinh Vỹ, đến nơi thì thấy các thầy cô đoàn Hà Nội và Điện Biên đã sẵn sàng đứng chờ xe ở đấy. Một cảm giác lạ lẫm và lo lắng rằng không biết ai sẽ san sẻ với mình những khó khăn trong suốt chuyến đi, rằng mình sẽ say xe như thế nào, vv.. và vv…

4h 30 sáng, xe xuất hành. Hôm nay xe chỉ chở 28 người trong đoàn và thêm một vị khách ngoài đoàn mà thôi. Mọi người tha hồ lựa chọn chỗ nằm thích hợp, cũng dễ hiểu là vì hôm nay là ngày lẻ âm lịch nên nhà xe không đưa khách đi Lào.

Vốn là người không hợp với đi lại bằng ô tô nên chưa đến cửa khẩu Cầu Treo thì tôi đã say xe nhừ tử, qua cửa khẩu xong càng đi về phía Lào tôi càng say nặng hơn. Thế là tiêu tan mọi dự định ban đầu của tôi, tôi đã hy vọng là mình không bị say xe để ngồi nhìn qua cửa sổ, ngắm cảnh sắc hai bên đường của nước Lào, nhất là ngắm dãy Trường Sơn hùng vỹ, để rồi từ đó tôi sẽ hiểu thêm về Đông trường sơn và Tây trường sơn trong thơ của Phạm Tiến Duật.

Tôi là người rất may mắn, tôi đã gặp cô Hà – người đã chăm sóc và hỗ trợ tôi trong hoàn cảnh mệt mỏi ấy. Tôi cảm thấy thật an tâm để tiếp tục theo đuổi hành trình với mọi người khi cô ấy nắm chặt lấy bàn tay tôi trong cả chăng đường dài. Tôi thiếp đi trong mệt mỏi và loại ra khỏi đầu ý nghĩ “hay là mình xuống xe và quay trở lại Vinh?”

Dừng lại ăn trưa vội vàng ở thị trấn Lạc Xao, bữa ăn không theo ý muốn nhưng đã bắt đầu toát lên sự ấm áp giữa mọi người khi tất cả bắt đầu quen nhau. Tôi cảm động khi nhà xe nhường mâm cơm duy nhất cho các thầy cô trong đoàn, thay vào đó họ ăn mì tôm hay phở như những người khác.

 Pic 1

Khung cảnh giữa trưa ở đất Lào thật vắng và hơi buồn. Tôi nhận thấy đất đai ở Lào rất rộng rãi và cũng dễ canh tác. Có lẽ vì thế mà người Lào không phải sống bon chen trong cảnh tấc đất tấc vàng.

 

Xe chạy qua 1 thị trấn của tỉnh Thakhet, giữa trưa vắng tanh vắng ngắt nhưng ngã tư vẫn có đèn xanh đèn đỏ. Tuy hơi buồn cười nhưng bất kể một ai đi qua cũng dừng lại, người Lào chấp hành luật lệ tự giác hơn dân mình đấy chứ. Vì tôi nhớ không ít lần giữa trưa hè nắng bỏng, tôi vẫn vượt qua đèn đỏ ở Tp Vinh như giả vờ không biết khi thấy quá ít người trên đường.

Xe rẽ vào bến xe Thakhet, cái nắng gắt giữa trưa ở Lào cộng thêm khung cảnh không hiện đại ở bến xe làm cho tôi cảm giác mệt thêm. Lần đầu tiên tôi mới biết là mua vé đi xe bus ở đây phải có hộ chiếu. Lên xe bus đi về cửa khẩu Thakhet, tôi nhận ra bác tài xế này là người Lào nhưng cũng nói được một ít tiếng Việt. Bác ấy nói nhiều câu sai cấu trúc và dùng từ hơi ngô nghê, nhưng toát lên trên khuôn mặt là sự tử tế và hiền lành. Chả bù cho tài xế Việt Nam.

Bác tài xế Lào chở chúng tôi qua cửa khẩu Thaket rồi qua cầu cổng Vàng bắc trên sông Mekong đến cửa khẩu Thái Lan. Dòng sông rộng, hiền lành chứa chất một chút gì đó hơi hung dữ đang chở dòng nước đỏ đục phù sa về phía hạ nguồn. Đất đai hai bên bờ phì nhiêu rất hợp cho cây cối, xóm làng trù phú nhưng thưa dân, khác hẳn với phía hạ nguồn Mekong ở Việt Nam, ở đây không có cảnh thuyền bè tấp nập mà tĩnh lặng như người dân sống 2 bên bờ vậy.

4h chiều, chúng tôi đã đặt chân lên đất Thái Lan, làm thủ tục ở Thái Lan nhanh đến không ngờ. Chúng tôi không phải trả tiền qua cửa khẩu vì nhân viên hải quan biết chúng tôi là những nhà giáo đi tham dự hội thảo khoa học. Họ  đã thể hiện sự tôn trọng đó bằng cách giải quyết cho chúng tôi nhanh chóng và miễn phí. Giá như lúc đó họ yêu cầu chúng tôi làm gì giúp họ chắc chắn ai cũng sẵn lòng. Ấn tượng đầu tiên với người Thái Lan ở cửa khẩu là rất tốt. Và hình ảnh đó cứ theo chúng tôi trong suốt hành trình xa xôi trên đất Thái Lan.

 

5h chiều là xe của trường ĐH Hoàng gia Maha Sarakham đến đón chúng tôi từ cửa khấu về trường ĐH. Bác tài xế hiền lành chở 2 sv của trường đến cùng với chúng tôi. Mọi người đã kịp học được câu chào tiếng Thái “Xa Vạt đi kha”, tất cả lên xe tiếp tục chặng đường dài hơn 300km đến Tp Maha Sarakham.

Tôi được ưu tiên ngồi trên cùng của xe, từ chỗ ngồi, tôi có thể nhìn thấy cảnh sắc 2 bên đường. Nhiều nét giống vùng quê của của Việt Nam, nào là những ruộng lúa vừa mới cấy, nào là những bãi cỏ ven đường, là những vườn cây trái xanh um. Tất cả làm cho khung cảnh thật yên bình và mát mẻ.

 

Đường ở Thái Lan thật là rộng, người Thái lái xe bên tay trái, tôi chú ý thấy tài xế hầu như không phải nhấn còi. Ngã tư đèn xanh đèn đỏ thì thời gian dừng lại dài đến 90 giây (gần 2 phút). Tôi có cảm giác nếu đi bộ qua đường thì rất nguy hiểm vì tài xế ai cũng phóng rất nhanh.

6h tối, xe dừng lại ở một trạm xăng. Tôi không muốn xuống vì nghĩ rằng đó là nơi để mọi người đổ xăng và giải quyết vệ sinh cá nhân. Tôi mở mắt ra nhìn qua cửa sổ. Ôi đẹp quá, có 1 quán cà phê giải khát với những cây cảnh trang trí đẹp mắt, bên cạnh đó một siêu thị nhỏ với các mặt hàng và một bàn trái nho bên ngoài chín mọng.

Toilet thì sạch sẽ. Tôi thật sự ngạc nhiên vì trên đường đi xe dừng lại ở bất cứ trạm đổ xăng nào cũng đều những khung cảnh sạch sẽ văn minh như thế.

 

7h15 chúng tôi dừng lại một quán ăn trong thành phố gần Maha Sarakham, mọi người vào quán gọi ngay món ăn vì chắc là ai cũng đói lắm. Thế nhưng giờ tôi mới hiểu là người Thái phục vụ rất chậm chạp. Họ không có thói quen phục vụ theo kiểu miệng mời khách, chân chạy và tay phục vụ như ở Việt Nam. Mọi người cũng phải mất gần cả tiếng đồng hồ mới xong bữa tối.

Món ăn của Thái trong bữa cơm đầu tiên ai cũng kêu là cay xè lưỡi. Tôi thử món cháo của Thái nhưng nó không giống Việt Nam tẹo nào.

11h đêm bác tài xế đưa chúng tôi đến khách sạn của Thành phố Maha Sarakham, chúng tôi xuống xe để tạm biệt bác tài thì cô giáo Lavanda – trưởng phòng đối ngoại của trường đại học đã chờ sẵn ở đấy. Cô nở nụ cười thật tươi, chào tất cả mọi người bằng tiếng Việt. Sự niềm nở và nụ cười hiếu khách dường như đã xua đi phần nào nỗi mệt nhọc của mọi người. Chúng tôi nhận phòng, về nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình tham quan ngày mới.

 

 

 

 

 

 

Ngày 17.7.2013

Sau đêm đầu tiên ở Maha Sarakham, tôi tỉnh giấc khi trời vừa sáng. Lúc này là 5 sáng, định nằm lười cho đến khoảng 7 h nhưng có cái gì đó đã thôi thúc tôi dậy khám phá không khí buổi sáng ở đây. Tôi nhè nhẹ men theo cầu thang bước xuống tầng 1 của khách sạn. Tất cả đều đang rất tĩnh lặng, nhân viên lễ tân có lẽ cũng đang tranh thủ đánh một giấc sau cả đêm dài chào đón khách. Tôi lắng nghe thấy tiếng lách cách chuẩn bị bữa sáng của bộ phận nhà bếp. Mở cửa bước ra khỏi khách sạn, xe cộ đang xếp hàng từng dãy, người Thái dậy muộn, tôi đi ra đường nhưng không hề thấy ai dậy đi bộ tập thể dục sáng như người Việt nam. Các cửa tiệm vẫn đóng im ỉm, tôi vòng lại qua con đường khác đi về khách sạn, chợt giật mình bởi tiếng vỗ cánh của mấy chú chim rất to. Trên cành cây bám đầy hoa ti-gôn màu hồng đang đậu rất nhiều chim, thích nhất là có mấy chú vẹt đủ màu sắc. Cảnh vật thật yên bình, tôi đang nghĩ liệu ở Việt Nam những cảnh vật như thế này có còn tồn tại lâu trong lòng thành phố được không?

 

Dạo một hồi rồi trở về phòng, mọi người vẫn chưa dậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều so với ngày hôm qua. Bảy giờ sáng cô Hà gọi chúng tôi xuống ăn sáng, tôi vẫn ăn tiếp món cháo của người Thái như tối hôm qua. Có lẽ tôi đã đói quá nên ăn thấy rất ngon, tôi uống thêm một ly nước cam nhưng quả thật là vị của nó không hợp với tôi một tí nào.

 

 

 

 

Tám giờ sáng, xe của trường Đại học đã đến đón chúng tôi. Vẫn anh tài xế hiền lành và thân thiện ấy, vẫn nụ cười tươi trên môi khi gặp mọi người. Tôi nghĩ là anh ấy không thể nhớ được ai ngoài cô Hà và thầy Phán, ấy vậy mà khi tôi bước lên xe, nở một nụ cười chào anh ấy thay cho “Xa-vạt-đi-kha” thì anh ấy cười to và nói với tôi ngay “Xin chào! You look happy than yesterday!” Thì ra anh ấy vẫn còn ấn tượng với hình ảnh ngày hôm qua của tôi. Tôi thấy buồn cười quá.

 

Xe chuyển bánh và chở chúng tôi đến trường đại học, trên đường đi xe rẽ qua vài con phố nhỏ, phố ở đây không nhộn nhịp vào buổi sáng, cũng không có cái cảnh người tụ tập ăn sáng trên vỉa hè như ở Việt nam. Ngồi trên xe tôi đã thấy nhìn thấy một đoàn người đi làm lễ ăn hỏi của người Thái lan, nó có nét gì đó hao hao giống người dân tộc ở Việt Nam.

Xe dừng lại ở cổng trường ĐH Maha Sarakham, chúng tôi bước ngay vào sảnh của trung tâm ngoại ngữ của trường. Người đón chúng tôi vẫn là cô giáo Lavanda, cô mời chúng tôi vào phòng học tự học tiếng của sinh viên.

 

Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là quốc kỳ của các nước Asian, người Thái có vẻ đề cao tinh thần Asian rất nhiều, không chỉ ở đây mà trên đường đi cũng có thể nhìn thấy những biểu tượng cờ của các nước Asian nữa. Các sinh viên đến học tại phòng học này đều hoàn toàn miễn phí, phòng học thật là tiện nghi.

 

Chúng tôi tiếp tục tham quan khoa công nghệ thông tin, đúng là đẳng cấp thật, các phòng học, các trang thiết bị đều hiện đại, thế mà em sinh viên người Việt còn cho chúng tôi biết là cơ sở vật chất của một số phòng chưa hoàn thiện, nghĩ đến sinh viên khoa Công nghệ thông tin của trường tôi mà tôi thầm nghĩ “Bao giờ cho đến bao giờ…”

 

Khuôn viên của trường Đại học quá rộng (nghe đâu 700 ha) nên việc đi tham quan hết các khoa là điều không thể, chúng tôi tham quan xong khoa công nghệ thông tin là đã gần 11h. Mọi người lại được mời sang trung tâm thông tin Asian và tham quan phòng truyền thống dành cho nhà vua Thái Lan. Chúng tôi được xem một đoạn phim tư liệu nói về vị vua của Thái Lan, xem những bức ảnh về nhà vua thì mới hiểu rằng vì sao đi đâu cũng thấy người dân Thái Lan bài trí hình ảnh của ông một cách trang trọng như vậy. Ông là người đã góp phần rất lớn trong sự đổi mới của đất nước Thái lan nói chung và là người đã làm thay đổi cuộc sống của đồng bằng Maha Sarakham nói riêng. Tôi ấn tượng với mô hình vườn – ao – chuồng mà ông đã mang đến cho người dân ở nơi đây. Với mô hình này mà ông đã giúp vùng đất cằn cỗi này thành nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhất Thái lan.

 

Ăn trưa tại trung tâm ngôn ngữ của trường. Một bữa ăn trưa giản dị như mọi người ở đây vẫn ăn nhưng rất ấm tình người. Tôi đã gặp và nói chuyện với cô trợ lý tại trung tâm, cô ấy rất muốn biết chúng tôi có ăn được không, và dĩ nhiên là tôi trả lời là “có”. Cô ấy đã rất vui và giải thích với tôi rằng cô ấy chỉ sợ là đoàn chúng tôi không ăn được và bây giờ cô ấy cảm thấy nhẹ nhõm.

Đúng như thầy Hải trong đoàn đã nói ” We are made in Vietnam” nên phải về nhà nghỉ trưa một chút. Tôi về nhà, tranh thủ chợp mắt mười lăm phút, tỉnh dậy thì lại vội vàng vì chậm giờ. Vội vàng thay áo dài truyền thống vì lúc sáng cô Hà đã dặn, em Thu Quỳnh cùng phòng thì vẫn mặc váy vì em ấy ko mang theo áo dài. Tôi xúng xính đi xuống xe thì thấy chỉ có mỗi mình tôi và cô Hà mặc áo dài. Nhìn sang bên cạnh thấy có thêm chị Hương và chị Oanh cùng màu cờ sắc áo. Thời tiết đầu buổi chiều hơi nóng, tôi vội nghĩ mặc áo dài lúc này là không cần thiết, vả lại đến tham quan một trường học thì trang phục truyền thống là không quan trọng. Tôi vẫn mang kèm theo một chiếc váy để thay nếu cảm thấy cần thiết.

 

Trường chúng tôi đến thăm là trường Phổ thông đa cấp Ban Song Yangnai. Trường nằm trong thành phố nhưng hình như không phải là trung tâm. Xe dừng lại, đoàn Việt Nam chúng tôi từ từ bước vào, các thầy cô đã đứng đón chờ chúng tôi ngay ở cổng, các em học sinh đang xếp hàng như đội danh dự ngay giữa sân trường. Tôi nghe thấy tiếng nói của một thầy giáo vang lên trong loa nhà trường. Chắc ai cũng đoán được đó là lời giới thiệu về đoàn chúng tôi với các em học sinh. Lời giới thiệu vừa kết thúc thì điệu nhạc nổi lên, đội danh dự trang nghiêm thổi kèn, các em học sinh nữ với điệu múa truyền thống Thái từ từ đi ra chào các thầy cô Việt nam.

 Sao bỗng nhiên tôi thấy xúc động quá, các em học sinh thật là đáng yêu. Mọi người lặng đi trọng tiếng nhạc hân hoan. Tôi cảm thấy bộ áo dài mình đang khoác trên người thật ý nghĩa, cảm thấy rằng nó đang vẽ nên một bức tranh văn hóa giữa sân trường Ban Song Yangnai thật đẹp.

 

 

Chúng tôi được dẫn vào tham quan các lớp bé mẫu giáo trước. Lớp học ở đây khoảng 12-15 bé. Các độ tuổi tách riêng nhau, tôi tham quan giờ học của các bé 2 tuổi, các bé đang thực hành thả các loại trái cây và vật dụng vào nước, từ đó các bé sẽ nhận biết được là quả gì thường sẽ chìm và quả nào thường sẽ nổi. Chắc chắn về nhà tôi sẽ thực hiện trò chơi nay với các con của tôi. Sang lớp 4 tuổi, các em lại đang chơi trò tô màu bằng cách sử dụng các loại quả.

Các cô giáo đã cắt ngang quả khế, củ cà rốt, dọc mùng và các em chơi trò tô màu gần giống như chấm triện. Thông qua trò này các bé lại biết được quả khế có hình ngôi sao, củ cà rốt có hình tròn, còn dọc mùng lại có hình tròn khuyết giống chữ C.

 

Thú vị quá! cái này ở VN chỉ có trẻ em nông thôn mới nhận biết sớm hơn trẻ em thành phố.

 

Các giáo viên lại dẫn chúng tôi ra phía sân khấu của nhà trường, ở đó các em đang hát và diễn văn nghệ để chào đón đoàn, thảo nào mà từ lúc đi tham quan các lớp mẫu giáo, tôi cứ nghe tiếng nhạc và tiếng hát của các em mà không biết ở đâu.

Các em hát say sưa mà không cần biết có chúng tôi ngồi dưới xem hay không. Nhìn các em mà tôi cứ liên tưởng tới hình ảnh của những nhạc công trên chuyến tàu Titanic vậy, họ đã chơi hết mình không cần biết điều gì sẽ xảy ra.

 

Phía xa xa cuối sân khấu là một lớp học sinh cùng với các giáo viên đang làm bánh. Họ mời chúng tôi nếm  thành phẩm của mình với thái độ nhiệt thành, để đáp lễ chị Huyền đoàn chúng tôi đã lên hát tặng mọi người một bài hát mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Tôi chỉ ước lúc ấy họ hiểu được tiếng Việt để yêu cầu chị Huyền hát tặng họ nhiều hơn.

         Tiếp tục đi lên tầng 2 tham quan các lớp học sinh cấp 2, tôi đi vào phòng học có các em hs nam, được biết đây là phòng học dành để dạy cho các em về kỹ năng sống, về tư cách đạo đức, về lễ nghĩa… trong phòng có bức ảnh của nhà sư, nhà vua.

Chúng tôi mới hiểu ra rằng, nhà sư cũng được xem như là một giáo viên trong trường học, nhà sư phải có nhiệm vụ giảng đạo cho học sinh và nhà trường cũng xem nhà sư là người quan trọng nhất. Trong cuộc trò chuyện với nhà trường, thầy hiệu trưởng cũng nói rằng “Một đứa trẻ ở Thái Lan lớn lên trong 3 môi trường giáo dục gồm nhà sư, nhà trường và gia đình” Đó cũng chính là lời giải thích cho lý do tại sao mà học sinh Thái Lan trông rất hiền và ngoan.

         Một điều đặc biệt làm cho tôi ấn tượng trong buổi gặp mặt ở trường Ban Song Yangnai hôm nay đó là chính ông thị trưởng và trưởng phòng giáo dục thành phố đã đích thân đón chúng tôi. Họ đã đi cùng với đoàn giáo viên như một thành viên bình thường ở trường, không có một chút gì nổi bật. Tôi lại liên tưởng tới Việt Nam mỗi lần có thị trưởng đến thăm thì nhà trường, giáo viên lẫn học sinh có vẻ hơi căng thẳng. Tôi hơi tiếc là đã không xin chụp ảnh cùng ông ấy.

Lại nói về chuyện mặc áo dài, giá như lúc chiều mà cả đoàn mặc áo dài thì sẽ tuyệt hơn biết bao nhiêu. Té ra là người Thái rất thích áo dài VN, thấy chúng tôi họ đã xin chụp ảnh cùng, sao lúc này tôi thấy mình giống người nổi tiếng quá.

Tạm biệt trường Ban Song Yangnai, ra về với bao cảm giác lưu luyến, bao ấn tượng đẹp sẽ lưu mãi trong ký ức thành kỷ niệm theo suốt cuộc đời. Tôi thầm cảm ơn thầy Phán đã cho chúng tôi một trải nghiệm tuyệt vời mà có lẽ không phải đoàn du lịch  nào đến Thái lan cũng có được.

 

Ngày 18. 7. 2013

 

Tôi bắt đầu quen dần với việc đi lại bằng xe ô tô nên cảm thấy không mệt lắm nữa. Tối qua tôi đã ngủ rất ngon nhưng sáng nay tôi vẫn dậy muộn vì thật tình là tôi thấy cảnh vật ở khách sạn không đẹp lắm nên nằm lười không chịu dậy đi tập thể dục. Sáng nay là chương trình hội thảo, đoàn VN chúng tôi thật lịch sự và nổi bật với trang phục áo dài truyền thống cho nữ và comple cho nam. Tôi rất tự hào tôi là người Việt Nam.

Xe đón chúng tôi đến trường ĐH Hoàng gia lúc 8h sáng, đến đó mọi người đã chờ sẵn chúng tôi ở đó. Chúng tôi được nhận quà của trường và vào dự lễ khai mạc hội thảo.

Mở màn cho lễ khai mạc là màn múa truyền thống Thái Lan với hình ảnh bông lúa và biểu tượng quốc kỳ các nước Asian. Ai cũng lặng im theo dõi và không khỏi dâng trào cảm xúc. Đẹp thật đấy!

 

Tiếp đến là hai keynote speakers lên nói chuyện với hội thảo. Nói thật là hai ông nói chuyện rất hay nhưng tôi vẫn ấn tượng với ông giáo sư người Thái Lan, tuy ông phát âm không chuẩn nhưng nói cũng rất dễ hiểu, và tôi rất ngạc nhiên là ông này có vẻ khoái khi nói về Trung Quốc. Vì ông thường xuyên đưa ví dụ liên quan đến Trung Quốc.

 

Ăn trưa tại trường, một bữa ăn nhiều rau ít thịt. Các thầy cô ngồi cùng với tôi ai cũng thích thú.

Buổi chiều hôm nay là chính thức đi vào hội thảo, đoàn chúng tôi chỉ có cô Nguyễn Thị Thìn trình bày bài báo cáo, em Thu Quỳnh trợ giúp cô Thìn, tuy là phần nội dung cô trình bày trên màn hình hơi dài dòng nhưng đó là cả lòng nhiệt huyết mà cô muốn mang tới hội nghị.

Tôi nhận thấy là tham dự hội thảo khoa học ở đây họ không nặng về đi sâu phân tích hay vặn vẹo lẫn nhau mà chỉ là một dịp để tổng kết, giao lưu với nhau về khoa học. Không khí thật là thoải mái, khác hẳn những gì tôi nghĩ ở nhà.

Gần 4h chiều là kết thúc hôi thảo ngày thứ nhất, cả đoàn chúng tôi đi ăn tiệc ở nhà hàng trong thành phố, chúng tôi vừa thưởng thức món ngon của Thái lan vừa được nghe và xem những điệu hát của người Thái, không khí thật vui nhộn. Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh với các đoàn bạn, cùng nhau múa tập thể điệu múa của đất nước mình và nước bạn. Vui không tả nổi. Nhìn tổng thể thì đoàn chúng tôi là nổi trội nhất, chúng tôi không chỉ mạnh về đội ngũ mà còn mạnh trong các hoạt động tập thể. Lần đầu tiên tôi hát cùng các bạn đồng nghiệp hăng say đến thế. Chỉ tiếc ngày xưa giá như mẹ tôi khuyến khích tôi tham gia văn nghệ thì có lẽ tôi đã hát hay hơn và mạnh dạn hơn.

Đêm nay Maha Sarakham không yên tĩnh lắm, tôi có cảm giác ở đâu đây có 1 vũ trường mở suốt cả đêm. Tôi thao thức vì nhớ các con, nhớ gia đình.

 

Ngày 19.7

Sáng nay đoàn chúng tôi có hai báo cáo đến từ đoàn Điện Biên là của em Cường và chị Oanh. Em Tuấn phải hỗ trợ em Cường, mà tôi thì ngại tham  gia hỗ trợ em Cường vì đề tài của em Cường liên quan đến hóa học, mà tôi thực sự mù tịt về chuyên nghành này. Đề tài của em Cường được đánh giá khá cao sau sự hỗ trợ của thông dịch viên tiếng Anh Minh Tuấn và tiếng Thái là em Nhơn.

Ấn tượng và vui nhất vẫn là báo cáo của chị Oanh, tôi thích đề tài của chị Oanh vì nó dễ hiểu và cũng khá là thú vị. Tôi tin chắc em Tuấn sẽ hỗ trợ chị Oanh tốt vì có lẽ họ đã thảo luận với nhau từ hôm qua, tại chị Oanh nói nhanh quá hay sao mà Minh Tuấn thuyết minh không kịp nên thầy Phán đã lên trợ giúp. Tôi lại nghĩ, có thầy Phán rồi lại càng ổn, Minh Tuấn càng khỏe, tôi rất thích kiểu thuyết minh của thầy Phán. Đang gật gù tán thưởng thì bỗng dưng thầy Phán lại bí từ, thầy nhìn vào tài liệu, tôi lo là thầy không có kính thì có đọc được không chứ? Thế là tôi quyết định đi lên hỗ trợ tiếp, trong lúc đi lên tôi nghĩ là kiểu gì cũng bị thầy Phán khó chịu cho là mình xen ngang, nhưng kệ tôi cứ tỉnh bơ như không biết. Nhưng mà ngạc nhiên quá, khi trông thấy tôi thầy cười thật to và nói như reo lên “A! cô ấy đây rôi!” Nghĩ lại thấy thầy Phán lúc đó thật giống Ac-si-mét. Nụ cười của thầy làm cho tôi quên ngay hết ngại ngùng, tôi hòa mình vào cùng đề tài với chị Oanh mà không cần phải chuẩn bị trước nữa. mà căn bản là tôi cũng có chút ít kiến thức nền về vấn đề này. Xong bài báo cáo của chị Oanh, mọi người xúm lên chụp ảnh, tôi nhìn thầy Phán nở nụ cười thật rạng rỡ. Vui thật, đến tận bây giờ nghĩ lại đội quân hỗ trợ hùng hậu của chị Oanh mà vẫn buồn cười. Nếu có dịp khác, chắc chắn tôi sẽ tự nguyện giúp mọi người trước.  À, mà tôi vẫn tiếc bài báo cáo của thầy Hiếu, tôi rất thích bài viết của thầy Hiếu, ước gì lúc đó thầy Hiếu có trong danh sách tôi sẽ hỗ trợ cho thầy ấy thật xuất sắc để bạn bè các nước hiểu thêm về văn hóa và di sản của Việt nam trong văn thơ cổ.

Buổi chiều, tôi và chị Huyền, chị Quỳnh cùng với anh Hải không dự hội nghị nữa mà đi khám phá xung quanh. Chúng tôi đi vào phòng hội trường lớn, thấy mọi người đang tập trung khá đông, có cả sinh viên và cán bộ nhà trường. Chúng tôi lặng im theo dõi thì thấy thầy hiệu trưởng nhà trường lên nói lời cảm ơn với tất cả những ai đã tham gia giúp đỡ phục vụ hội thảo. Tôi đã chụp được hình ảnh thầy trao qua cho những người lao công lau dọn vệ sinh, những sinh viên tiếp đón chỉ dẫn cho các đoàn đại biểu…Nhìn thái độ nhã nhặn của thầy hiệu trưởng khi nói chuyện với họ thật là đáng trân trọng.

Tối nay đoàn dự tiệc, gặp mặt giao lưu lần cuối cùng với mọi người trước lúc chia tay.

Như tôi đã nói, đoàn chúng tôi luôn nổi trội, chúng tôi luôn có những cách thể hiện để đáp lại tình cảm với đoàn chủ nhà mà không có đoàn nào làm được. Tất cả là nhờ sự chu đáo cẩn thận của cô Hà và thầy Phán. Đoàn tặng quà, hát chào tạm biệt mọi người.

Đêm nay chúng tôi chia tay đoàn bạn, không biết bao giờ sẽ có dịp gặp lại. Lòng tôi cảm thấy rưng rưng.

Tạm biệt Maha Sarakham chúng tôi bắt đầu hành trình lên Pattaya. Đoàn chúng tôi đã thuê ba xe nhỏ thay vì thuê hẳn một xe to. Không hiểu sao mà ở Thái lan giá thuê xe nhỏ và xe to chênh nhau nhiều đến vậy. Ba anh chàng tài xế người Thái lúc đầu trông có vẻ hơi “bụi bụi” nhưng sau một hồi tiếp xúc thì tôi thấy khá là hiền lành và dễ gần. Anh tài xế phụ trách xe tôi là trẻ nhất. Chúng tôi lên xe, anh ta không hiểu tiếng Việt nên hễ chúng tôi ra tín hiệu gì đó với anh là anh ấy lại nhảy xuống xe và đi tìm phiên dịch. Giá như anh ta mà là tài xế Việt Nam thì chắc không để cho chúng tôi yên vì hay sai vặt như thế này. Xe bắt đầu chuyển bánh, anh tài xế mở Karaoke cho chúng tôi hát. Tiếc thay các bài hát lại toàn bằng tiếng Thái, chúng tôi cuối cùng cũng loay hoay tìm ra được các bài hát bằng tiếng Anh. Ngồi trong xe hát to hơn cả cầm micro. Vợ chồng Sơn Dung cũng hét khỏe phết. Hát mãi cũng hết vốn, mọi người bắt đầu chuyển sang kể chuyện hài. Đầu tiên là Mrs Huyền dạo đầu bằng những câu hài mở màn bằng tiếng Nghi Lộc. Dần dần, chuyện mỗi ngày một tăng thêm đầy đủ cả 54 dân tộc anh em. Buồn cười nhất là chị Hương với những câu nói lý luận của ông dân tộc Mèo. Và rất nhiều rất nhiều chuyện tiếu lâm khác nữa, chúng tôi cười nghiêng ngả cả xe. Anh chàng tài xế Thái Lan không hiểu gì cũng cười tủm tỉm, chắc là hắn ta đang buồn cười vì không hiểu tại sao mà mấy cô Việt Nam có thể cười suốt cả đêm vậy ta!

Giao thông ở Thái thì có thể nói là miễn chê. Đường rộng thênh thang với dải phân cách cũng rất rộng. Ba xe của đoàn chúng tôi nối nhau đi trong đêm nhưng tôi thấy lái xe chẳng bao giờ phải nhấn còi cả, tuy rằng có rất nhiều đoạn không hề có đèn đường. Ở Thái có lẽ nhấn còi to sẽ bị xem là quái dị cũng nên vì chúng tôi có hề thấy ai nhấn còi trên đường đâu.

Cả đoạn đường dài 600km lên Pattaya quả là rất dài với tôi. Ba tài xế liên lạc với nhau bằng bộ đàm nên họ nói chuyện ríu rít với nhau cả đêm. Ban đầu chúng tôi lại tưởng là anh tài xế này đang nói chuyện với người yêu cả đêm mà ko biết mệt. Hóa là là không phải, họ nói chuyện với nhau để tỉnh ngủ. Quãng đường 600km dường như rút ngắn lại. Chúng tôi đã đi hết 8 tiếng, 5h sáng cả đoàn đã có mặt tại Pattaya.

 

 

 

Ngày 20.7.2013

Cả đoàn nhận phòng khách sạn ổn định chỗ ở rồi chuẩn bị đi ra đảo Koran. Trời ở Pattaya hôm nay hơi nắng, trước khi chuẩn bị lên thuyền đi ra đảo thì tôi cùng với mấy người tranh thủ dạo hàng lưu niệm ngay trên bãi biển, mấy cô bán hàng ở đây tiếng gì cũng chơi tất. Nhất là tiếng Trung quốc cứ nói xơi xơi.

Lên thuyền đi ra đảo, trời động mưa nên sóng hơi to, nói thật là biển ở đây không đẹp bằng biển Cửa Lò quê choa, trên bãi chật ních người tắm. Phong cảnh thì không có gì nổi trội cả, chúng tôi đi vào một quán ăn trên đảo, bác chủ quán có bộ mặt trông hơi dữ dằn nhưng lại hiền, miệng khi nào cũng cười tươi rói và rất nhiệt tình với các thượng đế. Tôi có cảm giác những con người ở đất Thái đều làm cho du khách phải vấn vương với nụ cười của họ chứ cảnh sắc thì thật ra là không có gì ấn tượng.

Một bữa ăn ngon và đầy đủ dưỡng chất làm cho chúng tôi tỉnh hẳn ra, ấy vậy mà trời lại đổ mưa to. Khí hậu ở Thái Lan mùa này giống như Tp Hồ chí Minh vậy. Chúng tôi tản ra mỗi người dạo một nơi, hai em Sơn – Cường vẫn tranh thủ đội mưa ra tắm biển một hồi. Có lẽ hai lão là dân miền núi nên thèm khát vị mặn của biển thì phải.

Trời mưa mãi, chúng tôi đành phải chia tay hòn đảo một cách nhanh chóng, ngồi trên tàu mặc áo phao mà tôi lạnh toát hết cả người, nhìn thấy đất lền dần dần hiện ra trước mắt tôi mới bớt căng thẳng. Đặt chân lên chiếc cầu cảng tôi nhẹ cả người.

Địa điểm đến thứ hai trong ngày là khu chợ nổi Pattaya, thực ra đây không phải là chợ nổi ở trên sông giống như ở Cần Thơ mà tôi đã đi. Mà đó là một cái hồ rộng được thiết kế bởi các ngôi nhà nổi trên đó. Trên chợ tấp nập du khách ra vào, chúng tôi không nghĩ là họ bán vé nên cứ ung dung đi vào mấy chị em tranh thủ tạo dáng chụp ảnh trên chiếc cầu xinh xinh, đang đi thì bỗng dưng nhìn thấy mấy anh chàng canh cổng Thái Lan vừa chạy vừa nhìn vào mặt chúng tôi dò xét làm chúng tôi hốt hoảng tưởng rằng mình bị tình nghi là ăn trộm. Mấy anh chàng đó nói tiếng anh bập bẹ làm tôi chẳng hiểu gì sất. Tôi chỉ nghe được mỗi một tiếng là “ticket”. À! bây giờ thì em đã hiểu, các anh muốn chúng tôi mua vé chứ gì. Vậy là chúng tôi nói lời tạm biệt luôn nhé.

 

Đêm Pattaya bắt đầu.

Đến Pattaya mọi người hẹn nhau phải đi đến xem tận mắt khu phố đi bộ nó như thế nào. Ai cũng háo hức để xem nó có giống như lời đồn đại hay không. Không hiểu sao mà em Đức hướng dẫn viên lại bị nhầm đường nên đoàn chúng tôi phải đi bộ khá xa, và đây cũng là cơ hội để chúng tôi khám phá thế giới ban đêm của Pattaya từ từ. Biển Pattaya về đêm cũng lung linh, trên đường thì rất đông người, chúng tôi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng nhưng cô gái chuyển giới. Nhiều thật!

Đi mỏi cả chân thì cũng tới phố đi bộ, một thế giới náo nhiệt về đêm, những ban nhạc rock chơi ầm ĩ, nhưng rất hay. Những cô gái chân dài đứng trước quán mời du khách vào xem các show time. Thôi thì đủ kiểu, đủ các loại giá cả mời chào. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi hơi choáng và phải dùng từ “gớm” để miêu tả. Nhưng đi mãi rồi cũng nhận thấy một điều rằng, dù làm nghề gì thì ở đây họ kinh doanh rất công khai và hợp pháp. Nhìn thấy hai ông cảnh sát ngồi hai đầu phố là tôi thấy yên tâm về an ninh.

 

Ngày 21.7.2013

Chào tạm biệt Pattaya đoàn chúng tôi khởi hành lên Bangkok. Cả đêm hôm qua đi chơi qua về muộn nên khá mệt và lại buồn ngủ nữa. Chúng tôi lên xe nhưng vẫn không quên chọc nhau về chuyện đi chơi Pattaya tối hôm qua. Pattaya chỉ cách Bangkok 160km nên xe chạy trong vòng hai tiếng là tới nơi.

Chúng tôi phải dừng lại để mua vé máy bay cho em Huy về Sài Gòn. Tuy không vào sân bay nhưng từ ngoài xa cũng có thể thấy sân bay quốc tế này thật lớn. Trung bình cứ 5 phút là có một chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Điều này quả thật là lạ với tôi.

 

Vào trung tâm thành phố Bangkok, tôi ấn tượng với các đường cầu vượt đan xen vào nhau như mê cung. Cảnh này mà nhìn từ trên cao xuống có lẽ rất tuyệt. Thành phố thủ đô bao giờ cũng đông người nhưng xe cộ chạy trên đường rất ít khi phải nhấn còi, cảnh sát cũng đông hơn nhiều so với thành phố khác.

 

 

 

Điểm đến của chúng tôi là chùa Vàng, sau một thời gian chờ đợi cả buổi sáng đến hai giờ chiều thì chúng tôi cũng đã mua vé đặt chân vào trong chùa. Một đất nước chủ yếu là Phật giáo như Thái lan đã thể hiện sự uy nghiêm một cách sâu sắc khi tất cả bước chân vào nhà chùa.  Tất cả đều phải mặc quần áo dài một cách nghiêm túc. Chùa Vàng đúng là một ngôi chùa nổi tiếng đúng như tên gọi của nó.

Buổi tối hôm nay là buổi tối chia tay Thái Lan và chia tay với một số anh chị em trong đoàn. Một số người đã ở lại Bangkok để bay về Hà Nội. Còn lại 24 người theo xe đi cùng nhau về cửa khẩu Noongkhai. Quảng đường 600km khá là dài nhưng có lẽ đây là cuối cuộc hành trình nên ai cũng thấy mệt. Mọi người ngủ quên cả đêm trên xe lúc nào không rõ. Cũng không biết là đêm nay các anh tài xế đã đi qua những đâu dừng lại bao nhiêu trạm xăng nữa.

 

Ngày 22.7.2013

Chia tay các anh tài xế nhiệt tình, chia tay em Đức hướng dẫn viên dễ mến để trở về đất Việt. Ngồi trên chuyến xe khác mà tôi cứ hình dung lại những trải nghiệm trong những ngày qua. Thật là quý giá và ý nghĩa.  Tôi nhớ mãi nụ cười của thầy Phán và cô Hà. Hai vị thủ lĩnh thật dẻo dai và trẻ trung yêu đời. Tôi nhớ khi lên Bangkok thầy Phán trông rất mệt nhưng luôn nhiệt thành như người Thái vậy. Tôi chỉ muốn nói “Con yêu quý thầy cô lắm”.

Người mà tôi khó quên là em Huy ở Đồng Tháp, hy vọng có dịp gặp lại em sẽ là người chững chạc hơn nhiều. Nhớ thầy Hiếu có khuôn mặt rất hiền và rất dễ gần – người đã tặng tôi bài báo cáo viết cho hội thảo. Cô Nhất, cô Lý, cô Thìn đã có tuổi nhưng tâm hồn vẫn rất hài hước trẻ trung. Các câu chuyện tiếu lâm mà các cô ấy kể trên đường đi tôi vẫn còn nhớ như in. Thầy Hùng, anh Hải, chị Quỳnh, chị Huyền lúc nào cũng vui như tết, có cảm giác đi đường không hề biết mệt. Chị Hương (Điện Biên) lúc nào cũng cười một cách tự nhiên, chị Oanh thì trông hiền lành lắm (tôi cứ như khuôn mặt tái mét của chị ấy ở đêm Pattaya mà phì cười). Em Cường mập mạp giống người Thái Lan nên đi đâu cũng không bị kiểm tra vé. Vợ chồng Dung Sơn thì như đôi chim bồ câu đi đâu cũng cạnh nhau, đặc biệt là Dung ăn vặt trên tài cả tôi. Các cô cậu sinh viên đang học trong nước và ngoài nước luôn năng động và nhiệt tình. Còn nhiều thầy cô khác nữa mà tôi chưa kể ra hết cũng là bạn đồng hành rất tuyệt vời của chúng tôi. Tất cả sẽ là một kỷ niệm, một ký ức không phai mờ trong tâm trí và trái tim của mọi người. Tôi luôn mơ về một ngày nào đó, cả đoàn chúng tôi lại vẫn những con người ấy, khoác hành lý lên xe đi tìm hiểu những gì tốt đẹp đang chờ chúng tôi trong những trải nghiệm khác.

 

 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *