Hình thành “Biểu tượng định hướng thời gian” cho trẻ mầm non

ThS. Lê Thị Thu Hà

Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới ( IRDNewTech)

Ai cũng mong muốn một cuộc sống “có cơm ăn, áo mặc, được học hành” như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng thực sự không đơn giản. Cần thiết cho mọi việc đầu tiên là thời gian. Thời gian có thể cho ta cơ hội để thực hiện được ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực. Trong khi thời gian của thiên nhiên là vô hạn vô biên mà thời gian cuộc sống của mỗi chúng ta thì hạn hữu. Không phải dễ dàng nhận ra được như vậy, nên việc cần thiết là nhận thức và giúp nhận thức ngay từ sớm vấn đề thời gian và tầm quan trọng của thời gian để khỏi nuối tiếc. Hoạt động của con người phụ thuộc tâm lý, sinh lý, điều kiện sống của bản thân cũng như sự phát triển của xã hội nói chung và nền văn hóa nói riêng. Một cách tự nhiên, những thứ có được khi còn trẻ thơ thì sẽ theo suốt cả đời. Việc hình thành các biểu tượng về toán nói chung, biểu tượng định hướng thời gian nói riêng là hết sức có ý nghĩa trong sự phát triển những năm đầu đời của trẻ nên cần được xem xét một cách thiết thực và được quan tâm nhất.

I. VẤN ĐỀ QUAN NIỆM                

1.1. QUAN NIỆM VỀ VIỆC DẠY TRẺ

1.1.1. Từ lâu nay, nhất là ở vùng nông thôn, do điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhân dân thường quan niệm “trời sinh voi thì trời sinh cỏ” nên trong việc nuôi dạy con thường phó mặc cho “trời” chứ không quan tâm chăm sóc và không coi sự dạy dỗ là việc cần thiết và cấp bách ngay từ những năm tháng đầu đời. Vì vậy, đã gây trở ngại rất lớn trong việc giáo dục trẻ em từ nhỏ. Thậm chí, có nhiều gia đình không có điều kiện đưa con đến trường, họ cho rằng “mai mốt lớn học cũng được vì bây giờ nó còn bé, chưa cần phải vội” đã làm hạn chế đến việc phát hiện, phát triển trí tuệ của trẻ trên nhiều phương diện. Lại còn có người cho rằng sự xuất hiện những nhân tài phát triển từ bé là do “thiên bẩm trời phú”, nhưng họ không biết rằng “Thượng đế không sinh ra người này hơn hoặc kém người kia. Mọi sự bất bình đẳng giữa người khôn ngoan và người ngu ngốc, giữa người giàu và người nghèo đều xuất phát từ giáo dục”[1].

1.1.2. Các nhà nghiên cứu việc dạy trẻ từ sớm đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng “…hãy kịp thời nắm lấy giai đoạn phát triển tối quan trọng này, đừng để nó trôi đi không hình không bóng”[2]. Các Nhà nghiên cứu danh tiếng trên thế giới rất “lo lắng” vì những hạn chế của xã hội, của nhiều người chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển trẻ từ sớm. Một trong số các nhà nghiên cứu đó là: I van Petrovich Pavlov- ; Montessori – chuyên gia nghiên cứu về giáo dục trẻ em; Nhà giáo dục học A.X.Macarenco; Fukuzawa Yukichi (1835-1901) – Nhà canh tân giáo dục Nhật bản thời Minh trị – Một trong các nhà cải cách giáo dục tiêu biểu của Thế giới; Glenn Dorman; hay Tiến sỹ Tâm lý Howard Gardner của Đại học Harvard về đề tài Sự thông minh của con người đã đưa ra lý thuyết đa thông minh; cũng như Friedrich Engels trong cuốn Phương pháp biện chứng tự nhiên…

Tuy nhiên, để chuyển đổi được ý thức như vậy thực sự không dễ. Nhà giáo dục học A.X.Macarenco đã từng nhận xét: “Nền tảng của giáo dục chủ yếu được xây dựng từ khi trước 5 tuổi, nó chiếm tới 90% chất lượng của quá trình giáo dục. Từ sau 5 tuổi trở đi, tất nhiên vẫn phải tiến hành giáo dục, con người sẽ trưởng thành thêm một bước để rồi đơm hoa, kết trái nhưng bông hoa mà bạn dày công vun trồng chăm sóc thực sự đã có nụ từ khi trước 5 tuổi”[3]

Thời gian trẻ học, sinh hoạt tập thể ở trường mầm non là khoảng thời gian mà chúng ta có thể quan tâm cung cấp tri thức cho trẻ được nhiều nhất. Ngày nay, quan niệm giáo dục là tìm cách khai thác tốt nhất khả năng tiềm ẩn của mỗi con người, cho nên chúng ta nhất thiết phải tạo điều kiện để tiềm năng của trẻ sớm bộc lộ và bước đầu được phát triển một cách tự nhiên dưới sự hướng dẫn của cô giáo mầm non, của người lớn, cha mẹ và những người thân trong gia đình, xung quanh trẻ.

1.2. QUAN NIỆM VỀ THỜI GIAN VÀ VIỆC HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG THỜI GIAN CHO TRẺ MẦM NON

1.2.1. Trước hết, bản thân thời gian là một khái niệm rất trừu tượng. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều mang những dấu hiệu đặc trưng tại những thời điểm, thời lượng nhất định. Vật chất trong thế giới chuyển động luôn quan hệ mật thiết với không gian và thời gian, thậm chí cả từng phút giây. Thời gian được thể hiện bởi những đặc điểm rất khác biệt mà cũng chỉ ở thời gian mới có, chúng ta cần lưu ý lưu tâm để hướng cho trẻ hiểu. Hầu hết người ta nắm bắt khái niệm thời gian mới chỉ là sự ngầm định, ngầm hiểu chứ chưa thật sự tường minh trong sử dụng. Các đặc điểm của thời gian được thể hiện như sau:

1. Thời gian vô tận, không có giới hạn, không có điểm dừng.

2. Thời gian không đảo ngược, giúp con người phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai, đây là sự gắn bó và không đổi chỗ ba giai đoạn của thời gian.

3. Thời gian có tính luân chuyển, sự chuyển động, thay đổi rất “tự nhiên” mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Sự chuyển động này lại gắn liền với sự phát triển không ngừng của các sự vật và hiện tượng trong thiên nhiên và xã hội.

4. Thời gian có tính chu kỳ. Sự thay đổi của thời gian luôn luôn có tính chu kỳ, được lặp đi lặp lại theo quy luật nhất định đối với từng đơn vị đo thời gian cụ thể.

5. Thời gian được biểu đạt bằng những con số. Nhờ số đo thời gian và thông qua các đơn vị đo khác nhau mà chúng ta có thể hiểu được lịch sử của một vấn đề; lịch sử của từng con người cụ thể.

1.2.2. Tính kế hoạch được thể hiện qua việc sử dụng thời gian một cách khoa học và logic. Đây chính là điều mà chúng ta cần hình thành cho trẻ khái niệm, tính logic của kế hoạch một công việc để ra một sản phẩm nhất định. Để hình thành thói quen cho trẻ có tính kế hoạch trong tương lai thì ngay từ nhỏ chúng ta mạnh dạn dạy cho trẻ biết và hành động thể hiện tính kế hoạch của công việc. Dạy cho trẻ cách để trẻ tự khai thác bản thân – chính là sự trải nghiệm về cách sử dụng thời gian một cách hợp lý nhất. Khả năng định hướng thời gian giúp cho ta định vị và định lượng được thời gian diễn ra các sự kiện và hiện tượng xung quanh do tính kế hoạch của công việc trong các mối quan hệ và các thông tin của cuộc sống cộng đồng và còn giúp con người biết sử dụng thời gian hợp lý và hiệu quả. Thời gian không chỉ kích thích chuyển hoạt động mà còn làm cho con người quan tâm đến tốc độ hoạt động tùy theo kế hoạch đã định. Thông qua việc dạy trẻ nhận biết về thời gian sẽ giúp trẻ hình thành tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, năng nổ, tích cực, biết chia sẻ thuận lợi và khó khăn cùng người khác, người bên cạnh và hiểu nhau trong cộng đồng công việc.

Sự hiểu biết về định hướng và có khả năng định vị thời gian còn là một trong những điều kiện để hình thành nhân cách con người. Sự hiểu biết này có tác dụng giáo dục ý thức, làm cho con người có tính kỷ luật: “việc hôm nay chớ để ngày mai”, tính khoa học “giờ nào việc nấy”, biết đến cái  thứ “quý hơn vàng bạc”; nó làm cho khi trở thành người lao động trở nên có nề nếp, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc với cộng đồng, trong tổ chức, từ đó hiệu suất lao động được tăng lên, chất lượng cuộc sống cũng vì thế mà được nâng cao.

1.2.3. Hình thành biểu tượng định hướng thời gian sẽ góp phần chuẩn bị cho trẻ vào học ở trường phổ thông biết làm quen với các hoạt động mang tính kế hoạch như lịch học tập từng tuần, hàng tháng, học kỳ và năm học của nhà trường. Việc hình thành biểu tượng định hướng cho trẻ mầm non phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục mầm non nhằm giáo dục trẻ quan tâm đến việc hoàn thành những nhiệm vụ nhất định của trẻ trong thời kỳ những năm đầu đời. Làm tốt việc này chính là giúp trẻ hình thành bản chất, bản lĩnh của người lao động, hiểu biết và quý trọng lịch sử các vấn đề và lịch sử của mỗi con người; hình thành khả năng ghi nhớ và chú ý cho trẻ ngay từ nhỏ – là thói quen rất cần được rèn luyện.

II. HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG THỜI GIAN CHO TRẺ

2.1. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG THỜI GIAN CHO TRẺ Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON HIỆN NAY:

Cho đến hiện nay, việc hình thành biểu tượng định hướng thời gian cho trẻ ở các trường mầm non chưa được quan tâm đúng mức như là mong muốn trẻ em trở thành những thiên tài, hay chí ít thì cũng trở thành những trẻ phát triển hơn điểm dừng trước đó. Thời lượng các tiết học làm quen với các biểu tượng ban đầu về toán mỗi tuần mới chỉ một tiết nhưng cả năm học chỉ được có 33 đến 34 tuần, chưa kể có những tuần không dạy được vì thời tiết, vì các hoạt động khác… Thời giờ để các cô giáo mầm non thực hiện việc hình thành biểu tượng thời gian cho trẻ là rất ít, chưa kể các tiết học thường chỉ lồng ghép các nội dung (gọi là phương pháp tích hợp) nên khoảng thời gian để cung cấp tri thức để hiểu biết về thời gian cho trẻ không được bao nhiêu. Vì vậy, để việc hình thành biểu tượng thời gian cho trẻ thì không chỉ các cô giáo hướng dẫn thông qua nhiều hoạt động khác nhau trong quá trình dạy trẻ; mà cả gia đình, người thân cũng luôn nhắc nhở trẻ về những vấn đề này mọi lúc, mọi nơi.

Thực ra, sơ bộ ở trường mầm non có thể có khoảng chừng 135 giáo án khác nhau (nghĩa là 3 độ tuổi x 5 biểu tượng x 9 chủ đề) cho việc dạy trẻ mầm non làm quen với toán, nhưng thực tế lại chỉ có được khoảng 25% trong số đó.

2.2. BIỆN PHÁP HỮU HIỆU NHẰM HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG THỜI GIAN CHO TRẺ TẠI CÁC TRƯỜNG MẦM NON TRONG THỜI GIAN TỚI:

2.2.1. Tăng cường các hoạt động

a. Đối với người lớn

Quan tâm sát sao mọi hoạt động của trẻ nhằm kích hoạt tư duy của các trẻ mọi lúc mọi nơi vào vùng phát triển gần nhằm phát huy tính tích cực chủ động của chính trẻ trong quá trình tự nhận biết biểu tượng định hướng thời gian để giúp các em phát triển cao hơn. Người lớn, các bậc phụ huynh và các cô giáo mầm non dạy trẻ mọi thời gian và rất nhiều các vấn đề khác nhau, trẻ nhỏ tiếp thu trong vô thức, lâu dần thành quen, trở thành tiềm năng trong trí tuệ của trẻ, khi lớn lên gặp cơ hội sẽ phát triển nhanh; Tạo điều kiện để trẻ được tham gia vào các hoạt động nhận biết đa dạng các tri thức về thời gian: các buổi trong ngày, các ngày trong tuần, các tuần trong tháng, các tháng trong năm… cùng với đó là các đơn vị đo được thể hiện bởi các dụng cụ đo khác nhau như đồng hồ; tấm lịch, lốc lịch, lịch treo tường, lịch để trên bàn, kể cả kế hoạch hoạt động của cả trường, của lớp mà các cháu đang học. Các phụ huynh cũng cho các con xem công việc hàng ngày của mình trên bảng kế hoạch công tác … Cũng có thể cho trẻ xem các bức tranh diễn tả các hình ảnh minh họa những lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau của mọi người. Thông qua hình ảnh trên tranh cung cấp cho các em nhiều điều về kiến thức và trí tuệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Trong gia đình mọi người thường xuyên quan tâm đến việc lập kế hoạch cho công việc của tất cả các thành viên. Sau khi đã có kế hoạch, thực hành theo kế hoạch, phải có kiểm tra, đúc kết, xem xét, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm, lại tiếp tục đưa ra kế hoạch mới. Giúp trẻ đưa ra kế hoạch và thực hiện kế hoạch đó theo “giờ nào việc nấy”. Quan tâm đến sản phẩm của trẻ sau những khoảng thời gian nhất định.

Gia đình thường xuyên tăng cường thời gian chơi cùng trẻ. Người lớn thường quan niệm về công việc của mình là quan trọng mà không để ý rằng thời gian bỏ ra để chơi với trẻ tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng chỉ số IQ[4]. Trong quá trình chơi cùng trẻ không chỉ tạo ra hứng thú khám phá thế giới xung quanh mà còn tạo ra tình cảm gắn bó giữa người lớn với trẻ, giúp trẻ có những cảm giác thân thiện với người chơi, tránh được những biến cố khó lường ở trẻ như trầm cảm, tự ti.

Trong số những người thân, bạn bè thường qua lại thăm chơi, ai cũng có những động cơ, hành vi và mục đích tương tự. Tất cả đều cùng những tư tưởng giống nhau khi tiếp xúc với trẻ để trẻ có cách nhìn và hiểu đúng những việc đã và đang làm đều tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt của thời gian.

b. Ở trường mầm non hay ở nhà trẻ, tập trung hướng dẫn trẻ có kế hoạch và thực hiện kế hoạch của nhà trường một cách dứt điểm, không được sao nhãng. Kế hoạch của nhà trường thường được công khai niêm yết lên bảng, có hệ thống bảng biểu để dễ nhìn, dễ thấy; các cô và gia đình thường cho trẻ nhìn thấy bảng kế hoạch và chỉ cho trẻ biết tọa độ của mỗi thời điểm nhất định. Cách làm này lâu dần thành quen, trẻ nhận thức mọi việc trong vô thức.

Bố trí và thực hiện giảng dạy tiết học hình thành biểu tượng thời gian nhằm khơi dậy tìm tòi, say mê sáng tạo cho trẻ, qua đó phát hiện trí thông minh và thiên hướng có tư chất, bồi dưỡng trẻ theo hướng có lợi cho sự phát triển vượt bậc tài năng trong tương lai. Hàng ngày luôn kiểm tra và nhắc trẻ thực hiện đúng thời gian biểu và lịch đã đề ra. Dạy cho trẻ phương pháp tư duy lôgic các vấn đề liên quan trong thời gian biểu (hiện nay vẫn chưa có trường học nào dạy phương pháp tư duy).

Phân loại, sắp xếp và trưng bày các bức tranh có sẵn theo tuần tự thời gian, sử dụng nhiều tranh biểu diễn thời gian treo, dựng xung quanh trong khuôn viên lớp học, và trường để các trẻ thường xuyên nhìn và quan tâm đến thời gian thể hiện trên tranh. Các bức tranh được trưng bày theo nội dung định sẵn. Tùy từng chủ đề để sắp xếp các bức tranh, nhưng trong tranh nên có hình ảnh của người đang hoạt động để lúc cho trẻ quan sát, có thể đặt nhiều câu hỏi yêu cầu trẻ đưa ra ý kiến về các vấn đề; cô yêu cầu trẻ đặt ra câu hỏi cho bạn, cho cô… Tổ chức các trò chơi thi đua để lớp học sôi nổi, cho các cháu hoạt động nhận biết về biểu tượng và định hướng thời gian thông qua tranh tự vẽ và tranh của cô, của gia đình.  

Tổ chức cho trẻ hoạt động nhận biết định hướng thời gian thông qua việc sắp xếp các đồ dùng đo thời gian theo thứ tự nhất định hoặc (hoặc cho trẻ tự vẽ theo hiểu biết của trẻ) . Tổ chức các tiết học cho trẻ làm quen với các đồ dùng làm đơn vị đo thời gian như đồng hồ, lịch theo ngày, lịch theo tháng, theo quý hoặc theo mùa…  với yêu cầu sắp xếp khác nhau thuần thục.

Sử dụng các câu chuyện, trò chơi mà trẻ yêu thích: Khi trẻ yêu thích trò chơi, các câu chuyện, việc cung cấp tri thức nói chung, tri thức về thời gian nói riêng sẽ rất hiệu quả. Thực ra, trí thông minh mang tính xúc cảm của trẻ rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm và khai thác. Các bậc phụ huynh và các cô giáo mầm non cần nên thấu hiểu để thông cảm và sẻ chia với trẻ. Khi kể chuyện cho trẻ, nhấn mạnh các yếu tố thời gian, số đo thời gian, tính logic của vấn đề và sự diễn biến của các tình tiết câu chuyện gây hấp dẫn cho trẻ thì trẻ sẽ nhớ lâu. Sự sắp xếp, bố trí nhân vật cũng sẽ làm cho câu chuyện có tính gây hấn, ly kỳ và hấp dẫn…Trẻ em tiếp nhận cái mới rất nhanh và dễ dàng nhưng lại cũng chóng quên. Nếu các em yêu thích điều gì thì trí nhớ về cái đó rất tuyệt vời, nên quan tâm tạo ra hứng thú, tạo yêu thích để đem lại niềm vui cho các cháu và gia đình – Từ hứng thú sẽ dẫn đến tài năng nhanh chóng hơn.

c. Đối với trẻ:

Trẻ tiếp thu mọi thứ một cách vô thức khi nghe, thấy, sờ trực tiếp các vật một cách tự nhiên. Gặp đâu trẻ cũng được thu nhận một cách tự nhiên không có gì cách trở và khó khăn. Trẻ luôn miệng hỏi những gì trẻ nhìn thấy, nghe được và sờ trực tiếp … còn chúng ta – người lớn – vui vẻ trả lời mà không cần phải giải thích hay lý luận gì nhiều. Càng như vậy chúng ta càng gây tò mò, kích thích sự tìm tòi ở trẻ. Thông qua các hoạt động như vậy, người lớn lồng ghép các yếu tố về thời gian nhằm giúp trẻ nhanh nhẹn, tháo vát trong tìm hiểu các sự vật hiện tượng xung quanh.

Khi giúp trẻ nhận thức vấn đề gì thì đó là lúc chúng ta giúp trẻ về ý thức tiếp thu những điều mới mẻ một cách có chủ định. Lúc này nhất thiết chúng ta đòi hỏi trẻ phải ghi nhớ có chủ định những vấn đề cụ thể. Sự ghi nhớ này làm hình thành thói quen cho trẻ trong quá trình tiếp thu tri thức mới.

Tạo cho trẻ có những thói quen nhất định trong sinh hoạt hàng ngày để duy trì phản xạ có điều kiện trong tiếp nhận tri thức về thời gian. Nhiều nhà tâm lý học và giáo dục học đã đưa ra các kết quả nghiên cứu về vấn đề thực hiện các chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ có tác dụng giúp trẻ định hướng các khoảng thời gian mà trong đó diễn ra những sự kiện và hoạt động gần gũi có ý nghĩa nhất định đối với trẻ. Vai trò của việc dạy học là tác động lên vùng phát triển gần để thức tỉnh và tạo ra vùng phát triển gần nhất, kích hoạt cho trẻ hành động theo khả năng – Một thầy giáo tồi chỉ biết truyền thụ chân lý, một thầy giáo tốt biết dạy học trò tìm ra chân lý[5]. Bằng cách này, chúng ta đã thức tỉnh một loạt các quá trình phát triển nội tại và đưa chúng vào dây chuyền của hoạt động; “chỉ có dạy học nào đi trước sự phát triển mới là giảng dạy tốt[6]. Các giác quan đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành các biểu tượng, chúng ta cần giúp cho trẻ luôn có cảm giác, tri giác các sự vật hiện tượng xảy ra trong cuộc sống của con người trong đó có trẻ, biết phát hiện và nói ra được những hiểu biết của bản thân. Cần tác động vào tư duy nhằm tạo thói quen cho trẻ sử dụng tốt các giác quan tiếp thu tri thức thời gian mọi lúc mọi nơi và mọi hoạt động.

Yêu cầu trẻ thường xuyên kể chuyện về những việc đã xẩy ra xung quanh theo thứ tự thời gian diễn ra sự kiện. Người nghe luôn tỏ ra rất quan tâm và chú ý lắng nghe trẻ nói, nếu có thể cũng nên tìm cách phản biện, không chỉ nghe một chiều. Thông qua hoạt động này, chúng ta đã tác động vào khả năng mạnh dạn, tự tin, rèn trí nhớ và luyện trí thông minh thể hiện qua ngôn ngữ diễn đạt, hành vi biểu diễn, khả năng phản ứng  nhanh khi được hỏi.

2.2.2. Tìm cách đánh giá sự tiến bộ của trẻ sao cho các tiến bộ của trẻ đều được ghi nhận. Sau mỗi tiết học, Cô giáo luôn yêu cầu trẻ 3 điều sau:

– Hỏi trẻ: “Hôm nay con học được những gì”;

– Về nhà kể chuyện đã học ở lớp cho gia đình nghe, Hôm sau đến kể chuyện ở nhà cho cô và cả lớp biết. Ai kể đúng, diễn cảm, sáng tạo… sẽ được ghi danh vào sổ ghi nhận sự tích cực cuối buổi học.

– Tìm những ví dụ có liên quan đến bài học thì kể cho cô và cả lớp nghe. Cuối cùng sẽ tổ chức tuyển chọn người có nhiều lần phát biểu nhất. Tìm mọi cách khích lệ trẻ tự nỗ lực bản thân hiệu quả, vui vẻ và hưng phấn nhất.

KẾT LUẬN

Hình thành biểu tượng thời gian cho trẻ mầm non là vấn đề đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn nữa vì nó gắn liền với các hoạt động của trẻ và hiệu quả của những hoạt động đó. Chúng ta đừng nên nghĩ rằng một vấn đề nào đó là khó hay dễ đối với trẻ.  Phương pháp tốt nhất để vượt qua những cửa ải khó khăn này chính là những sự vật càng khó thì càng cần phải học từ sớm, ta nên cho trẻ tiếp xúc trước với những sự vật đó để chúng có được ấn tượng ban đầu và đem lòng yêu thích chúng[7], nhằm phát hiện nhân tố tài năng và có cách để bồi dưỡng tài năng ấy ở trẻ từ sớm, tiết kiệm thời gian trong việc phát triển nhân tài cho đất nước và cho cộng đồng.

Trong quá trình hình thành cho trẻ về “biểu tượng định hướng thời gian” căn bản theo các cách chúng tôi giới thiệu trên đây, đều cần bám vào ý tưởng chung là trong mọi tình huống người lớn cần làm cho trẻ tự phát huy bản thân một cách tối đa.

Một cách khách quan, xã hội ngày càng quan tâm nhiều hơn đến giáo dục cho lứa tuổi mầm non, đi đầu là tại các thành phố lớn, chính vì thế chúng tôi hi vọng bài viết này giúp người đọc có thêm một vài những ý tưởng mới cho riêng mình trên con đường nuôi dạy trẻ thành tài, ích nước lợi nhà – trong hoàn cảnh đất nước có nhiều vị thành niên hư hỏng thì lại càng cần chú ý quan tâm.

CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] – Fukuzawa Yukichi (1835-1901) – Nhà canh tân giáo dục Nhật bản thời Minh trị – Là một trong các nhà cải cách giáo dục tiêu biểu của Thế giới.

[2] – Lưu Lệ Hoa và Trương Hán Vũ – Em phải đến Harvard học kinh tế – NXB Văn hóa thông tin năm 2001.

[3], [5], [6], [7] – GS Phùng Đức Toàn- Phương án 0 tuổi chiếc nôi ươm hạt giống tài năng (Dành cho trẻ từ 0-6 tuổi)– NXB Lao động – Xã hội.

[4] PGS.TS. Nguyễn Công Khanh – Tư vấn giúp các bậc phụ huynh phát triển trí thông minh cho trẻ em- NXBGDVN -2009

Một số tài liệu khác dùng tham khảo ý tưởng mà không trích nguyên văn:

1.  BS Nguyễn Khắc Viện. Lòng con trẻ

2. Chương trình bồi dưỡng sau đại học tại Australia 6.2007.

3.Edgar Morin – Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai – NXBTri thức- Nguyễn Hồi Thủ dịch.

4. Rung Kaewdang – Học từ những chú khỉ Tại trường Đại học đào tạo Khỉ Surat Thani, Thailand – NXB ĐHSP

5. Đỗ Thị Minh Liên – Phương pháp dạy trẻ mẫu giáo định hướng thời gian NXB ĐHSP

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *