Hàng Thái ngày càng tiến sâu vào nội địa

HÀNG THÁI NGÀY CÀNG TIẾN SÂU VÀO NỘI ĐỊA

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước, đã thấy ngay câu chuyện khác: đó là nhập siêu từ Thái Lan ngày càng “vượng”. Đây thực sự là mối lo trong bộn bề giải pháp để giảm nhập siêu.

Năm 1990, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Thái Lan chỉ có 15 triệu USD, năm 2010 con số này tăng tới mức kỷ lục 453 lần, lên 6,784 tỷ USD. Năm 2011 là 8,174 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm 2010.

Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào con số trên thì nhận định chung sẽ là quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan đã và đang phát triển mạnh. Song, thực chất sự phát triển đó thế nào?

Một cách nhìn khác

Chỉ cần nhìn vào cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước, đã thấy ngay câu chuyện khác: đó là nhập siêu từ Thái Lan ngày càng “vượng”. Đây thực sự là mối lo trong bộn bề giải pháp để giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020, rồi sẽ xuất siêu từ sau giai đoạn đó.

Đặt nhập siêu từ Thái Lan trong bức tranh toàn cảnh nhập siêu của Việt Nam mới thấy, nếu thời điểm năm 2010 nhập siêu từ Thái Lan đứng thứ tư trong số các nước và vùng lãnh thổ (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), thì năm 2012, đã chiếm tới 48% tổng nhập siêu của cả nước. 6 tháng 2012, nhập siêu từ Thái Lan là 1,609 tỷ USD, trong khi cả nước chỉ nhập siêu có 158 triệu USD – nhờ xuất siêu vào một số thị trường, tổng nhập siêu của cả nước mới “khiêm nhường” vậy.

Biểu số liệu nhập siêu từ Thái Lan (2005-2011)

Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011

VN nhập siêu từ Thái

1,511 2,104 2,714 3,617 3,248 4,420 4,592

(Đơn vị : tỷ USD. Nguồn: Tập hợp theo số liệu thống kê XNK hàng năm)

Đâu là nguyên nhân?

Trong cơ cấu hàng hoá mậu dịch hai chiều, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan dầu thô, than đá (chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này); tiếp đến là thuỷ sản, nông sản, rau quả, dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây chỉ toàn là hàng thô, gia công, giá thấp, giá trị gia tăng cũng thấp.

Còn Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan linh kiện, phụ tùng ôtô, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, linh kiện xe máy, sắt thép các loại. Hàng công nghệ, giá ắt cao. Chưa kể hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ nhựa, quần áo… cũng đầy rẫy.

Một cửa hàng chuyên bán đồ tiêu dùng tại Hà Nội

Hàng Thái Lan vượt qua đất Lào, Campuchia đổ vào các khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo – Quảng Trị, Mộc Bài – Tây Ninh, Hà Tiên – Kiên Giang để câu du khách hoặc ào ạt theo chân lái buôn người Việt, lọt qua mạng lưới kiểm tra của các cơ quan chức năng, tuồn đi khắp ngả.

Mốt xài hàng Thái từ lâu đã phổ biến trong nhiều tầng lớp người Việt. Sắm xe máy Thái yên tâm hơn xe Tàu. Hàng dệt may Trung Quốc lắm kiểu cách, giá hạ hơn hàng Thái, nhưng khách Việt vẫn thích chọn vì ít hàng nhái, chất lượng đảm bảo. Ngay hoa quả Thái cũng được ưa chuộng hơn hoa quả Trung Quốc, kể cả của trong nước, mà giá cả cũng phải chăng. Việt Nam xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng  trong bữa ăn thường nhật của nhiều gia đình Việt lại ngào ngạt cơm tám Thái, nấu bằng nồi điện “made in Thailand”, dù gạo Thái đắt gấp rưỡi gạo ta. Điều này tự lý giải một phần cớ sao xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn ở thế rượt đuổi với xuất khẩu gạo của Thái Lan. Hoá mỹ phẩm từ Thái Lan cũng chiếm được cảm tình của phái đẹp. Vì thế, không chỉ ngự tại các dường to, phố lớn mà các cửa hàng bán toàn đồ Thái còn len lỏi vào các phố nhỏ, ngõ cụt, tiệm cận gần nhất với người tiêu dùng.

Đến nay, Thái Lan có 242 dự án, với trị giá 5,8 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tại 30 địa phương. Đồng thời, hiện có 500 doanh nghiệp Thái Lan mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam ắt kèm theo việc nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ quốc gia này để gia công, lắp ráp, nhất là trong điều kiện, công nghiệp phụ trợ của ta ì ạch.

Ta cũng có 56 dự án đầu tư vào Thái Lan, nhưng để kéo nguyên liệu, thiết bị sang bên đó là điều… xa xỉ. Lao động Việt Nam sang bên đó nay cũng đông, chủ yếu  làm trong xưởng may hoặc long đong làm “sợp” – tiếng Thái là nghề chạy bàn, nhưng hầu hết lại không phép vì hai nước chưa có hiệp định về lĩnh vực này.

Thúc đẩy hành trình đổ thượng vàng hạ cám vào Việt Nam, từ 12 năm qua đến hẹn lại lên, hàng năm vào tháng 4, Thái Lan mở triển lãm hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Lần nào cũng nườm nượp khách vào ra triển lãm. Năm nay, sau triển lãm ở Cung văn hoá hữu nghị Hà Nội, đến 15/6, thấy có chương trình “Những ngày mua sắm hàng Thái” tại một siêu thị trung tâm Thủ đô. Tháng 8 này, lại có triển lãm sản phẩm Thái Lan, diễn ra ngay tại địa điểm cũ hồi tháng 4. Phải nói là, hàng Thái dường như đang gây “nghiện” cho nhiều người tiêu dùng Việt.

Trong khi đó, Việt Nam tham gia hội chợ trên đất Thái thì khác. Mủi lòng loáng qua dòng tin trên báo trong nước (có đại diện tại Bangkok), phản ảnh về đoàn Việt Nam tham gia Manufacturing Expo. Theo đó, hội chợ có 1.500 nhãn hiệu đến từ 40 quốc gia, còn Việt Nam vỏn vẹn có 18 gian hàng ở góc trong cùng của khu hội chợ. Mỗi gian hàng chỉ vài ba cái bàn, chiếc ghế và gần như không có hoạt động gì. Nhiều khách hàng muốn đến hỏi thông tin, gặp đối tác cũng không thấy bóng ai đón đợi…

Hai nước gần gũi, đường bộ, hàng không, đường thuỷ đều thuận; nhiều mặt hàng tương đồng về thị hiếu, cùng khẩu vị tiêu dùng. Cộng đồng người Việt định cư bên Thái không ít, vậy mà, hàng Việt Nam gần như không thể xâm nhập nổi vào Thái. Còn tại Việt Nam, hàng Thái ngày càng lấn sâu vào trong nội địa.

Tác giả: Nguyễn Duy Nghĩa
Nguồn: vietnamnet.vn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *