Gần 400.000 thí sinh trượt đại học năm 2013

Sáng nay, sau hơn 2 tiếng họp bàn, Hội đồng điểm sàn đã công bố mức điểm xét tuyển vào đại học 2013 khối A, A1 là 13; khối B, C 14; khối D1 13,5. Với mức điểm tương đương năm 2012, gần 400.000 thí sinh trượt đại học.

Còn điểm sàn hệ cao đẳng khối A, A1, D1 lấy 10 điểm; khối B, C lấy 11 điểm.
Đây là phương án điểm sàn thứ nhất trong 4 phương án được Bộ GD&ĐT đưa ra.
Với mức điểm này, hệ đại học có gần 400.000 thí sinh có điểm dưới sàn (khối A gần 161.000; khối A1 hơn 49.000; khối B gần 87.000; khối C 26.000 và khối D1 hơn 71.000). Ở hệ cao đẳng, số thí sinh trượt ước tính 215.000 (khối A 51.500; khối A1 hơn 20.000; khối B 66.500; khối C hơn 13.700; và khối D1 hơn 63.000).

Điểm thi cao trong khi điểm sàn lấy tương đương năm trước nên số dư dôi trên sàn hiện lên tới 238.000 thí sinh, tăng hơn 100.000 so với năm 2012.

Lý giải điều này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, điểm sàn trước đây dựa chủ yếu vào chỉ tiêu nhưng cách tiếp cận mới lại dựa vào chất lượng, khả năng có thể học tập được. “Cách tính này ưu tiên cho chất lượng nguồn tuyển chứ không phải do chỉ tiêu. Dư hơn 238.000 thí sinh nên các trường tùy theo sức hút của mình để tuyển. Không phải tất cả thí sinh trên sàn đều vào đại học”, ông Ga nói.

Thi-DH-490.jpg
Nhiều thí sinh năm nay tự tin đỗ đại học. Ảnh: iOne.net

Năm nay, từ kết quả thi các trường gửi về, Bộ GD&ĐT đã tính mức điểm bình quân của thí sinh ở các khối. Mức trung bình này cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, thí sinh khối A đạt trung bình 13,29 điểm, A1 là 12,85 điểm, khối B 14,43 điểm, khối C 13,61 điểm, và khối D 13,41 điểm, trong khi năm 2012 các mức tương ứng lần lượt là 10,5; 11,3; 11,5; 12,1; và 12,6.

Dựa trên phân tích này, Bộ Giáo dục sẽ đưa ra các phương án điểm sàn để hội đồng bàn bạc và quyết định. Các nguyên tắc tuân thủ là bảo đảm chất lượng đầu vào, cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội nhưng cũng bảo đảm nguồn tuyển tối ưu cho các trường, đáp ứng yêu cầu thí sinh có đủ năng lực theo học ĐH, CĐ.

Lãnh đạo Bộ cho biết, điểm sàn sẽ được đưa ra ở mức sao cho số thí sinh trúng tuyển vượt tổng chỉ tiêu 1,5 lần để tạo nguồn tuyển cho các trường, đặc biệt là trường ở địa phương, trường khối ngoài công lập. Với điểm chuẩn dự kiến của nhiều trường tăng cao, các chuyên gia tuyển sinh nhận định điểm sàn sẽ cao hơn.

Sau khi Bộ công bố điểm sàn, những thí sinh trên điểm sàn mà trượt nguyện vọng 1 có thể gửi hồ sơ xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu. Các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Sau khi công bố điểm trúng tuyển đợt 1, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng điều kiện xét tuyển bổ sung.

Năm nay, cả nước có khoảng 1,3 triệu lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 605.000 sinh viên.

Tham khảo mức điểm sàn 8 năm gần đây

Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013
Khối A 15 13 15 13 13 13 13 13 13
Khối B 15 14 15 15 14 14 14 14 14
Khối C 14 14 14 14 14 14 14 14,5 13,5

 Hoàng  (Theo VnExpress.net)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *