Chăm sóc sức khoẻ tâm trí cho học sinh trung học phổ thông – một trong những vấn đề quan trọng của viêc xây dựng văn hoá học đường

Nguyễn Thị Hằng Phương

 Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ, ĐHQG Hà Nội

Đặt vấn dề

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục là tâm điểm của mọi sự chú ý của toàn xã hội. Nhiều sáng kiến có tính thời đại đã được ngành giáo dục hiện thực hóa và đem lại nhiều sự đổi mới cho ngành nói riêng và cho đất nước nói chung. Những chiến lược của ngành giáo dục đã trở thành cuộc cải cách góp phần thay đổi diện mạo cho nền văn hóa, chính trị của đất nước trong suốt mấy năm qua và vẫn đang tiếp tục có những ảnh hưởng lớn lao đến toàn xã hội.

Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của kinh tế tri thức và trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay, giáo dục nước nhà đang và tiếp tục cần có những thay đổi toàn diện, mạnh mẽ. Xây dựng văn hóa học đường trở thành một vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của giáo dục. Đúng hơn, nó như là một thước đo cơ bản của trình độ giáo dục nước nhà.

Nhà trường là hiện thân cụ thể của ngành giáo dục, là một thiết chế trong hệ thống giáo dục quốc dân, một tổ chức văn hóa đặc biệt của xã hội. Nhà trường không chỉ dạy chữ, mà còn dạy làm người cho các thế hệ. Để hoàn thành nhiệm vụ cao quí của mình, nhà trường bắt buộc phải thực sự trở thành một môi trường văn hóa và phải khẳng định bản chất văn hoá tiêu biểu của nó. Việc xây dựng một môi trường lành mạnh, an toàn và thân thiện trong nhà trường chính là điều kiện cần thiết để đảm bảo, nâng cao chất lượng dạy và học, để mọi thành viên trong đó được phát huy năng lực của mình; nhờ đó, tạo ra sự thay đổi tích cực, đồng bộ của toàn ngành và xã hội.

Văn hoá học đường là một phạm trù rất rộng, có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như: khung cảnh, môi trường sư phạm và ứng xử học đường… Nhưng mục đích cuối cùng của các vấn đề đó đều tạo ra môi trường học đường lành mạnh, nhằm đạt đến hiệu quả của việc DẠY – HỌC. Ở đây chúng tôi xin bàn về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm trí cho học sinh, cũng nhằm đạt đến hiệu quả của việc dạy và học đó.

1. Sức khỏe tâm trí

Theo cố Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì “sức khỏe tâm trí” [1] (santé mentale) cũng được hiểu là sức khỏe tâm thần, nhưng chúng ta ít dung chữ tâm thần vì ngày nay, từ ấy hàm ý bệnh hoạn. Do cuộc sống biến động sinh ra nhiều stress, tâm trí con người dễ bị rối loạn, cho nên việc phòng ngừa các bệnh tâm lý đã trở thành mối quan tâm đối với nhiều người, của các tổ chức y tế và giáo dục đoàn thể.

Khó mà xác định chính xác nội dung của khái niệm “sức khỏe tâm trí”, vì con người là một phức hợp còn sức khỏe tâm trí là tổng hòa của nhiều tác nhân: thể chất, xã hội, kinh nghiệm; quan điểm về sức khỏe tâm trí của người này khác người kia. Nhưng dù sao cũng nên có những kết luận chung để tìm cách tạo điều kiện cho mỗi người, đặc biệt là trẻ em phát triển về tâm lý một cách hài hòa. Khái niệm sức khỏe nói chung không thể chỉ khoanh vào lĩnh vực thể chất, mà phải bao gồm mặt tâm lý.

Bác sĩ Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, vừa cho biết qua điều tra về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên 8-17 tuổi tại hai địa phương Đà Nẵng và Khánh Hòa, tỉ lệ bị rối nhiễu tâm trí là 11-22%. Tỉ lệ mắc nói trên cho thấy rối nhiễu tâm trí thật sự là vấn đề y tế công cộng ở Việt Nam, với mức độ tương ứng với nhiều nước trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các số liệu tương tự về tỉ lệ học sinh ở bậc trung học phổ thông có rối nhiễu tâm trí như: Tại trường THPT Xuân Đỉnh Hà Nội (niên khóa 2004-2005) có 17-19% số học sinh mắc stress và rối loạn lo âu; có 22-25% số học sinh trường THPT Chuyên Quảng Bình (niên khóa 2007-2008) có rối loạn lo âu; (theo số liệu của các công trình nghiên cứu của thầy và trò Khoa Tâm lý học, trường ĐHKHXH&NV, Hà Nội).

2. Nguyên nhân của gây ra các chứng rối nhiễu tâm trí

Chúng tôi cho rằng ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, các em có nhiều thay đổi đặc biệt về sinh lí cũng như tâm lí, đó là giai đoạn có nhiều biến đổi nhất trong cuộc đời (các em buộc phải chọn ngành nghề cho tương lai, các em có những tình cảm mới lớn…), hơn nữa bên cạnh những tác động từ chính trong nội tâm của các em cộng thêm những tác động từ bên ngoài nào ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí các em, ví dụ như các mối quan hệ, những yêu cầu của gia đình, thầy cô, nhà trường, xã hội… Đó là những nguyên nhân gây ra nhiều thay đổi trong tâm tư, tình cảm của các em, nếu những sự thay đổi đó không kiểm soát được sẽ sinh ra những rối loạn về mặt tâm lí cho các em.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh tâm lí, nhưng những nguyên nhân thường gặp ở bệnh lí tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh trước hết là suy nhược do lao lực, hoạt động quá mức trong xã hội. Ngoài ra, còn thấy nguyên nhân của các bệnh tâm lí là do suy nhược phản ứng thường thấy sau một biến cố trong cuộc sống, nó gây ra bất ổn tâm lí như mất người thân, mâu thuẫn với đồng nghiệp nơi làm việc. Có nhiều stress dễ thấy ở người lao động trí óc làm việc với máy tính hay đối với học sinh, sinh viên thì áp lực của việc học quá tải. Còn đối với học sinh thì đó là những mâu thuẫn với bạn bè, với bạn khác giới, với những người xung quanh.

Chúng tôi tạm thời mô tả bằng một số nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu cụ thể như sau:

– Mất năng lực học tập hoặc có những trải nghiệm thất bại trong học tập (những học sinh này đã có lần bị điểm kém nên bị thầy cô cha mẹ trách mắng, bạn bè chê cười).

– Lo lắng về việc học tập ở trường (sợ bị kiểm tra bài tập về nhà, sợ bị gọi lên trước lớp để trình bày bài, ý kiến…)

– Việc học ở trường quá khó: khối lượng kiến thức cần phải học, phải nhớ nhiều.

– Học sinh phải học tập với cường độ cao, nhưng không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

– Các em gặp khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè và giáo viên (có mâu thuẫn với giáo viên hay với bạn bè).

– Các em có bạn trai, bạn gái mới; hoặc có giận dỗi với các bạn khác giới (người yêu).

– Cha mẹ quá kì vọng vào thành tích học tập của con cái.

– Bản thân các em cũng kỳ vọng quá mức vào kết quả mà mình phải đạt được, không cho phép mình thua kém bạn bè…

– Phương pháp chăm sóc, giáo dục con chưa phù hợp: yêu cầu con học quá nhiều (học bồi dưỡng, học thêm, học hè…); cha mẹ không hiểu và không đáp ứng đúng, đủ những nhu cầu của con; ngoài ra, cha mẹ không biết cách chia sẻ với những cảm xúc của con…

– Sự thay đổi trong gia đình (cha mẹ bất hòa, ly hôn, đau ốm, cái chết của một thành viên gia đình, chuyển nhà…).

– Việc chuyển trường, chuyển lớp hoặc thay đổi giáo viên chủ nhiệm nhiều lần, làm cho có những học sinh khó có khả năng thích nghi (có sự thay đổi về trường mới hay cấp học mới). Học sinh bị bạo lực học đường, bị bắt nạt hay quấy rối.

– Phương pháp giảng dạy của các thầy cô không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh: yêu cầu các em ngồi yên quá lâu, không tạo ra các hoạt động tích cực nhằm giảm không khí căng thẳng trong giờ học…

Chúng tôi thấy có 4 nhóm nguyên chính gây ra rối nhiễu tâm trí cho học sinh tập trung vào các nhóm nguyên nhân là: nhóm nguyên nhân liên quan đến bản thân học sinh; đến học tập; đến gia đình và đến các mối quan hệ xã hội ( thầy cô, bạn bè ).

3. Chăm sóc sức khỏe tâm trí cho học sinh

Trong những tình huống bất lợi cho sức khỏe tâm trí học sinh, nếu phát hiện bệnh sớm, tư vấn điều trị kịp thời, tạo lập môi trường thuận lợi tại cộng đồng là yếu tố giảm thiểu nguy cơ rối nhiễu tâm lý. Bên cạnh đó, cần giúp trẻ mắc bệnh có cơ hội tham gia hoạt động tại trường, được nhìn nhận và giúp trẻ sống có trách nhiệm tại gia đình, cải thiện sức khỏe và đời sống tâm trí của trẻ.

Một trong những hình thức chăm sóc sức khỏe tâm trí cho học sinh đem lại hiệu quả cao đó là việc chính các bậc phụ huynh dành thời gian quan tâm, lắng nghe con cái mình nhiều hơn. Từ đó, các bậc phụ huynh giúp các em giảm thiểu những lo lắng, băn khoăn không đáng có. Thông thường, chính cha mẹ làm con cái cảm thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình, vì vậy, các bậc cha mẹ cần tạo ra không khí gia đình vui tươi, hạnh phúc.

Các giáo viên là những người thực sự quan trọng trong quá trình giúp đỡ các em bằng cách ứng xử phù hợp với từng em học sinh, nhất là với những em học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm trí (lo lắng, stress, trầm cảm…). Các thầy cô giáo không trở thành người trực tiếp gây ra lo lắng cho học sinh khi đưa ra những yêu cầu quá mức, những yêu cầu có tính chất đe dọa, những hình phạt ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất của trẻ. Mà thay bằng các cách thức mang tính sự phạm, có tính tích cực đến việc giáo dục học sinh.  Tuy nhiên, thầy cô giáo, cha mẹ chưa hẳn là những người mà trẻ có thể tâm sự tất cả những nỗi niềm.

Ở các nước phương Tây, hầu hết các trường học đều có các chuyên gia tâm lý, hoặc ít ra là họ có một hệ thống giúp đỡ học sinh (các nhà giáo dục học, tâm lý học, xã hội học…), và ở Việt Nam hiện nay, có nhiều trường THPT đã thành lập được phòng Tham vấn học đường như trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội…Tuy nhiên, số trường có phòng Tham vấn học đường chưa nhiều và hoạt động đó chưa thật sự chuyên nghiệp. Phòng tham vấn học đường thường được ghép với thư viện, văn phòng Đoàn thanh niên, phòng Y tế… Tham vấn viên ở các trường này hầu hết là giáo viên, nhân viên của trường kiêm nhiệm, chưa được đào tạo một cách bài bản về tâm lý học.

Chăm sóc sức khỏe tâm trí cho học sinh bằng tham vấn tâm lý là hoạt động tương tác giữa nhà tham vấn và học sinh (và cả gia đình) nhằm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh giải quyết những khó khăn trong nhận thức, cảm xúc và hành vi để qua đó, phát triển nhân cách, định hướng nghề nghiệp, cách sống lành mạnh và những vấn đề khác thuộc về các rối loạn cảm xúc và nhân cách. Trong môi trường học đường, những nhà tham vấn học đường sử dụng những kiến thức tâm lý học và các kỹ năng tham vấn nhằm giúp trường học giải quyết những vấn đề sau:

– Hỗ trợ học sinh, sinh viên giải quyết những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống khỏe mạnh, các mối quan hệ liên nhân cách và những rối loạn cảm xúc và nhân cách.

– Hỗ trợ phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, phát triển mối quan hệ với nhà trường một cách tích cực, phát hiện những khó khăn của con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục.

– Hỗ trợ giáo viên và những thành viên khác trong nhà trường trong việc giao tiếp và tiếp cận với học sinh, kịp thời phát hiện những nhu cầu và những vấn đề cần sự can thiệp của nhà tham vấn.

– Hỗ trợ nhà trường trong việc hoạch định các chiến lược giáo dục toàn diện cho học sinh, cách thức phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, cách thức tổ chức các hoạt động nhằm phát triển và ngăn ngừa các hành vi nguy cơ trong trường học của học sinh.

– Phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ và can thiệp trong trường hợp học sinh có những vấn đề liên quan đến những hoạt động bên ngoài như các vấn đề pháp luật, các vấn đề về bệnh tâm lý… Lưu giữ hồ sơ những học sinh có những vấn đề về tâm lý để có thể sử dụng trong những trường hợp cần thiết sau này.

Vì vậy mà chúng tôi cho rằng, chăm sóc sức khỏe tâm trí ở học sinh chính là chăm sóc cả thể chất lẫn tinh thần cho các em, vì thế, rất cần thiết xây dựng các phòng Tham vấn học đường tại các trường THPT, nhờ đó, có thể giúp các em học sinh giải tỏa nhiều ức chế, căng thẳng trong cuộc sống, giúp các em có kỹ năng sống để hoạt động tốt hơn và xây dựng được cuộc sống tốt hơn cho chính mình và xã hội. Đây là một trong những hành động vô cùng thiết thực nhằm xây dựng văn hóa học đường trong thời đại mới.

 

Tài liệu tham khảo 

1. Trần Thị Minh Đức, Giáo trình Tham vấn tâm lý, 2009.

2. Ngô Minh Uy, Tham vấn tâm lý học đường, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên” do Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh Đồng Nai tổ chức tại Bệnh viện Tâm thần Trung Ương II, Biên Hòa ngày 18/ 12/ 2007.

3. Nguyễn Khắc Viện, Từ điển tâm lý, NXB Y học, 2000.

4. Nguyễn Thị Hằng Phương, Stress học đường và những ảnh hưởng của nó đến tâm lý học sinh cuối cấp PTTH,(tham gia), Đề tài cấp ĐHQG năm 2008.

5. Trang web:

http://vns.hnue.edu.vn/WItemdetail.aspx?CatID=24&SubID=34&ItemID=467

http://thamvantamly.wordpress.com/2008/07/15/tham_van_tam_ly_hoc_duong_1/

http://vns.hnue.edu.vn/WItemdetail.aspx?CatID=24&SubID=34&ItemID=467



 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *