Áp lực học hành: “Vòng xoáy của quỷ dữ”

Trong chương trình tuyển sinh du học Thái Lan 2013, chúng tôi muốn đề cập đến một nỗi khổ của hàng triệu học sinh 12 và 12+ đó là áp lực thi đại học. Bài viết tham khảo ở trang Lao động http://laodong.com.vn/

“Vòng xoáy của quỷ dữ” là tên gọi mà các chuyên gia tâm lý trị liệu đặt cho căn bệnh trầm cảm. Dưới đây là bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí – lý giải nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Hy vọng của ông là giúp mọi người hiểu để tránh xa căn bệnh âm thầm “giết người” này.

“Trong cuộc sống thực tế hiện nay, phần lớn học sinh, sinh viên và đội ngũ những người làm việc văn phòng luôn luôn căng thẳng, lo lắng và bị nhiều lực ép về tâm lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Phần lớn các động cơ thúc ép như học tập và làm việc đều là những áp lực từ phía bên ngoài, khiến “người bị ép” luôn có cảm giác bị bắt buộc làm những việc phải làm, chứ không phải là được làm, được học những công việc mình đam mê, yêu thích.

Vì không có niềm đam mê, yêu thích trong học tập và công tác nên việc tiếp thu của não bộ rất chậm. Tác động của sự căng thẳng gây nên sự rối loạn hệ nội tiết tố, gọi là hormone stress. Những hormone stress tác động vào các tế bào não làm cho những kiến thức đang có cũng sẽ bị quên lãng rất nhanh… khiến “người bị ép” thường xuyên thất vọng, lo lắng, sợ hãi, chán nản, mệt mỏi trong học tập và công tác.

Những triệu chứng suy nhược cơ thể và triệu chứng của căn bệnh trầm cảm như lảng tránh không muốn giao tiếp, mệt mỏi… bắt đầu xuất hiện và càng ngày càng trở lên trầm trọng.

Vậy tại sao sự căng thẳng và không hài lòng này lại dẫn tới những triệu chứng suy nhược cơ thể (Burn-out-Syndrom – hiện tượng giống trầm cảm) và triệu chứng của căn bệnh trầm cảm?

Nguyên nhân chính để gây lên những triệu chứng của căn bệnh này là do ức chế tâm lý dẫn đến rối loạn hệ nội tiết tố.

Những sự sắp đặt của hệ nội tiết tố trong cơ thể con người kể từ thời tiền sử cho đến nay vẫn không thay đổi đó là: Mỗi khi gặp căng thẳng hoặc nguy hiểm thì tuyến thượng thận trong cơ thể lại tự sản sinh ra hormon adrenaline, nó kích thích làm tăng huyết áp, kích thích làm cho cơ bắp cương cứng, giúp cho cơ thể con người thời tiền sử có thể sẵn sàng chống trả hoặc chạy trốn khỏi những nguy hiểm do thú dữ gây ra.

Trong khi cơ thể phải sản sinh ra năng lượng để thực hiện các hành động chống trả hoặc chạy trốn thì hàm lượng hormon adrenaline trong máu tự động được tiêu hủy.

Ngày nay cơ thể con người dưới sự tác động và chỉ huy của não bò sát vẫn phản ứng đúng như ngày xưa, đó là tuyến thượng thận vẫn tiết ra hormon adrenalin và cortisol mỗi khi gặp những chuyện không hài lòng hoặc căng thẳng.

Nhưng sự căng thẳng  ngày nay phần lớn là: Do bị ép buộc trong học tập, công tác; những áp đặt, những kỳ vọng quá lớn của người khác vào mình hoặc những sự kỳ vọng quá lớn của mình vào người khác, khi những kỳ vọng này không đạt được kết quả như ý muốn cũng sẽ tạo ra chứng stress, sợ hãi…

Do hàng loạt những căng thẳng kể trên mà cơ thể liên tục sản sinh ra hormone stress, những hormon stress này bắt buộc phải được tiêu hủy và ổn định thì tinh thần mới được thoải mái, cơ thể  mới được khỏe mạnh và trí tuệ mới được sáng suốt, minh mẫn.

Nhưng những hormon stress này lại không thể tiêu hủy được, vì bị ức chế và bất lực, không thể hoặc không dám phản kháng lại, nên “người bị ép” luôn luôn phải “cố gắng”  kìm nén những áp lực này, sự kìm nén đã làm tăng gấp đôi áp lực đang bị ức chế trong tâm lý…

Hormon adrenalin trong cơ thể được sản sinh ra nhưng cơ thể lại không giải phóng được năng lượng, vì nó không được tiêu hủy đúng cách ở trong máu nên đã làm cho cơ thể cương cứng một cách vô thức, thành mạch co lại, huyết áp và nhịp tim tăng lên. Ngay sau đó, cơ thể  bắt buộc phải tiết ra một loai stress hormon thứ hai có tên gọi là cortisol nhằm để tiêu hủy những tác động của hormon adrenalin. Loại hormon thứ hai này làm cho cơ thể  mỏi mệt, làm cho cơ bắp trùng xuống và nhão ra, tác động làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy nhược…

Khi hàm lượng hormon cortisol trong máu tăng cao, sẽ kích thích làm cho bộ não không thể tiếp nhận và phân tích được những thông tin mới. Đặc biệt nếu sự căng thẳng kéo dài thì hàm lượng hormon này trong máu không thể giảm xuống được, lúc đó nó sẽ tấn công vào các tế bào não,  làm cho các tế bào não bị co lại, gây nên những triệu chứng nhanh quên, giảm trí nhớ….

Sau một thời gian kéo dài nếu sự căng thẳng không thuyên giảm hoặc nếu chúng ta không có những phương pháp hữu hiệu để giải tỏa thì tuyến thượng thận sẽ không thể tiếp tục sản sinh ra hai loại hormon stress đã nêu trên. Cơ thể của chúng ta lập tức rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất năng lượng dẫn đến tình trạng đau, nhức mỏi toàn thân gây nên cảm giác chán chường, thiếu tập trung, mất phương hướng, càng mệt mỏi, chán chường, mất phương hướng… thì hệ nội tiết tố lại càng rối loạn… năng lượng cơ thể tụt xuống bằng 0%.

Đây chính là triệu chứng của hai căn bệnh Burn-out-Syndrom (hiện tượng giống trầm cảm) và triệu chứng của căn bệnh trầm cảm.

Một vòng tròn quái ác mà các chuyên gia tâm lý trị liệu đã đặt cho nó một cái tên gọi là “Vòng xoáy của quỷ dữ”, nó bắt đầu bằng sự không hài lòng để kích thích hormon adrenalin và cortisol và kết thúc bằng việc cơ thể của chúng ta bị kéo vào vòng xoáy của sự mệt mỏi, mất năng lượng, giảm trí nhớ, mất phương hướng… những biểu hiện đáng sợ của căn bệnh trầm cảm.

Cuộc sống của chúng ta ngày nay càng ngày càng hiện đại, bởi vậy học hỏi những kiến thức và những kỹ thuật nhiều hơn là điều vô cùng cần thiết, nhưng chính bởi thế mà chúng ta cũng cần phải có những phương pháp thật hữu hiệu để tác động vào tâm lý, qua đó chúng ta sẽ thay thế những động cơ bị ép buộc từ phía bên ngoài bằng những động cơ thúc đẩy và lôi cuốn từ phía bên trong.

Chúng ta cũng cần phải có những phương pháp, những kỹ thuật thật hữu hiệu để cho các em học sinh, sinh viên của chúng ta và cho chính chúng ta có thể tự ổn định và bảo vệ được hai bán cầu đại não, kích hoạt được tinh thần, thay đổi được tư duy, ổn định được hệ nội tiết tố trong cơ thể (biết cách thư giãn cơ thể và tinh thần, giải tỏa stress, cắt bỏ mọi sự căng thẳng và sợ hãi…). Chỉ có vậy thì sức khỏe về cả thể lực, tâm lực, trí lực của chúng ta mới thực sự được ổn định và khỏe mạnh.

Th.s Nguyễn Mạnh Quân
– Chuyên gia tâm lý và thôi miên trị liệu
– Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí
– Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *